Du lịch

Quốc gia "vắng bóng" Covid-19, người dân đá bóng ở sân bay

Suốt 2 năm đại dịch "phủ sóng" khắp thế giới, Tuvalu là một trong những quốc gia ít ỏi chưa từng bị Covid-19 "ghé thăm". Ở đây, người dân hiếm khi phải sử dụng khẩu trang, đồ bảo hộ,...

Là hòn đảo xa xôi nằm ngoài Thái Bình Dương, cách Australia khoảng 4.000km, Tuvalu là một trong những quốc gia đặc biệt khi chưa từng có ca nhiễm Covid-19 nào. Suốt hai năm qua, dịch bệnh "vắng bóng" hoàn toàn tại đây. Người dân thoải mái ra đường mà hiếm khi phải dùng khẩu trang, kính nhựa che mặt hay thiết bị bảo hộ cá nhân, nước sát khuẩn,....

Thủ đô Funafuti (Tuvalu) nhìn từ trên cao. Đây là một trong số ít quốc gia trên thế giới "vắng bóng" dịch Covid-19 suốt 2 năm qua (Ảnh: Mario Tama / Getty Images).

Theo The Guardian, tại Tuvalu, chủ yếu chỉ nhân viên sân bay mới sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Petaia Nome, một người phụ trách bốc dỡ hàng hóa tại sân bay quốc tế Sir Toaripi Lauti cho biết, nếu quốc gia này xuất hiện Covid-19 thì nguyên nhân đến từ một trong số những chiếc máy bay chở đồ y tế và thực phẩm hoặc từ những người Tuvalu sống ở nước ngoài hồi hương.

"Thời điểm xếp dỡ hàng hóa, tôi phải đảm bảo làm đúng quy trình khi cởi bỏ thiết bị bảo hộ cá nhân để giữ an toàn cho gia đình và mọi người xung quanh. Sau khi máy bay cất cánh, tất cả chúng tôi lập tức xét nghiệm Covid-19. Chỉ khi nhận được kết quả âm tính, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm và nhanh chóng trở về nhà, tận hưởng thời gian rảnh rỗi còn lại trong ngày", Nome chia sẻ.

Petaia Nome - một nhân viên bốc dỡ hàng hóa tại sân bay quốc tế ở Tuvalu (Ảnh: Puaseiese Adrienne Pedro/The Guardian).

Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có các quốc gia như Triều Tiên và Turkmenistan tuyên bố không có Covid-19. Ngoài ra, đại dịch cũng "vắng bóng" tại 3 quốc đảo Thái Bình Dương là Tuvalu, Nauru và Liên bang Micronesia, cùng một số lãnh thổ đảo khác.

Kể từ khi đại dịch bùng phát trên thế giới, ở Tuvalu, một phần của đường băng được đặt tại thủ đô Funafuti bị cấm vào. Khi không có máy bay đến và đi, đường băng tạm ngừng hoạt động, nơi đây trở thành khu vực phơi đồ hoặc sân bóng đá cho những người mê thể thao. Những ngày thời tiết nắng nóng, người dân địa phương còn ra sân băng ngủ, nghỉ ngơi.

Đường băng ở Thủ đô Funafuti khi không hoạt động trở thành chốn vui chơi của trẻ em, người dân địa phương (Ảnh: PRIF).

Còn nhà chứa máy bay, cách sân bay khoảng 300m được bố trí thành trung tâm cách ly dưới sự giám sát, canh gác của cảnh sát.

Hililogo Tepou, một nữ cảnh sát khu vực cho biết, Covid-19 luôn có khả năng xuất hiện từ những chiếc máy bay và tàu chở hàng. Nếu các nhân viên tuyến đầu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa thì dịch bệnh sẽ ập đến bất cứ lúc nào.

"Thật may mắn và biết ơn khi đất nước tôi chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào", Hililogo nói.

Những lô vắc-xin viện trợ từ Úc tới Tuvalu (Ảnh: Puaseiese Adrienne Pedro/The Guardian).

Được biết, từ đầu năm 2020, Tuvalu đã ban hành lệnh đóng cửa biên giới và hiện vẫn chưa mở lại. Điều này giúp họ có thêm thời gian chuẩn bị và tiêm vắc-xin. Được biết, ở đảo quốc này hiện có khoảng 90% dân số trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 và 85% trẻ từ 12 đến 17 tuổi được tiêm liều đầu tiên.

Nhìn chung, cuộc sống của 12.000 người dân sinh sống tại Tuvalu không hề bị xáo trộn dù dịch Covid-19 đã và đang "phủ sóng" hầu hết các quốc gia. Trường học và nhiều dịch vụ khác tại đảo quốc này vẫn hoạt động bình thường.

Hai trong số các các hòn đảo nằm bên ngoài Tuvalu cũng thực hiện nghiêm ngặt quy định cấm nhập cảnh đối với những cư dân từ đảo khác chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Theo Guardian, đa số người dân Tuvalu hài lòng và ủng hộ quyết sách của chính phủ khi ban hành lệnh đóng cửa biên giới dù điều này khiến kinh tế và thu nhập của họ trở nên khiêm tốn hơn.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, ở Tuvalu thường có 3 chuyến bay đến từ Fiji (nằm cách New Zealand 2000 km về phía Đông Bắc) vào các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7. Thời điểm đó, những người phụ nữ bán đồ thủ công mỹ nghệ địa phương sẽ kê bàn gần sân bay để bày biện đủ các loại mặt hàng như dây chuyền, kẹp tóc, vòng hoa, chiếu nhỏ và giỏ xách,...

"Tôi từng có thu nhập khá từ công việc bán hàng đó. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban lệnh đóng cửa biên giới, số tiền tôi kiếm được từ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng ít hơn. May mắn thay, tôi vẫn có nguồn thu nhờ việc bán cá mà chồng đi đánh bắt được và có thể đón tiếp mọi người tới nhà bất cứ khi nào", Anita Filigina, một tiểu thương cho hay.

Một cậu bé đi bộ từ trường về nhà ở thủ đô Funafuti của Tuvalu (Ảnh: Sean Gallagher/The Guardian).

Khi Tuvalu đóng cửa biên giới, những người Tuvalu sống ở nước ngoài cũng nhanh chóng đổ về Fiji để được hồi hương.

Trên chuyến bay cuối cùng từ Fiji đến Tuvalu vào tháng 3/2020, De'Allande Pedro, khi đó là học sinh lớp 11 ở Fiji đã quyết định trở về quê nhà và bắt đầu theo học tại ngôi trường trung học duy nhất ở thủ đô Funafuti.

"Nhìn lại, cháu cảm thấy rất đúng đắn khi trở về nhà. Ở Fiji, trường học của cháu đã đóng cửa suốt gần một năm", Pedro nói.

"Cháu hiện đang học tập và thực hiện các nghiên cứu sơ bộ của mình tại cơ sở Tuvalu của Đại học Nam Thái Bình Dương mà không phải lo lắng gì cả. Cháu được truy cập vào các khóa học một cách trực tuyến và có thể gặp các gia sư địa phương để hỗ trợ bất cứ lúc nào", nam sinh chia sẻ thêm.

Ngoài giờ học, Pedro thường chơi bóng bầu dục trên đường băng, câu cá và cưỡi ngựa quanh đảo vào ban đêm.

Theo bác sĩ Tapugao Falefou, Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm phòng chống Covid-19 cho biết, đảo quốc Tuvalu vẫn duy trì lệnh đóng cửa biên giới "cho đến khi có thông báo mới", ngoại trừ một số chuyến bay hồi hương.

Tác giả: Khải Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP