Thế giới

Quốc đảo 22 triệu dân vỡ nợ: Thiên đường du lịch hóa "địa ngục trần gian"

Sri Lanka, một trong những điểm đến lý tưởng của du khách toàn cầu, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước.

Thiên đường du lịch một thời

Nhìn vào tình hình hiện tại ở Sri Lanka, ít ai có thể ngờ đây từng là quốc đảo tấp nập khách du lịch trên những bãi biển trải dài và phong cảnh nên thơ đáng mơ ước. Cách đây chỉ hơn một năm, khi các quốc gia trên thế giới vẫn còn rất thận trọng về tình hình dịch bệnh, duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ với khách du lịch, Sri Lanka là một trong số ít điểm đến chào đón du khách đến bờ mà không bị kiểm dịch. Đất nước cũng đã thu được nhiều lợi ích từ việc sớm mở cửa trở lại này.

Bãi biển Unawatuna, Sri Lanka

Vào tháng 3/2022, khách du lịch đến Sri Lanka lần đầu tiên vượt mốc 100.000 lượt sau hai năm, đưa lượng khách từ tháng 1 đến tháng 3 tổng cộng lên hơn 280.000. Theo thống kê, số lượng khách du lịch đến quốc đảo trong ba tháng đầu năm 2022 đã hơn 194.000 lượt so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2019, lượng khách du lịch đến từ Sri Lanka đạt 1,9 triệu lượt, con số này đã giảm 1,8% kể từ năm 2018. Du lịch là ngành thu ngoại tệ lớn thứ ba cho đất nước vào năm 2019 với doanh thu từ khách du lịch chính thức ước tính đạt 3,6 tỷ USD, trong khi vào năm 2018 là 4,3 tỷ USD.

Một bộ phận chính trong số những khách này chủ yếu đến vì ngành du lịch giải trí, chiếm gần 83% số lượng khách đến. Khi du lịch mang về tới 475 triệu USD vào tháng 12/2018, Sri Lanka từng kỳ vọng ngành công nghiệp này có thể giúp nước này trang trải các khoản nợ nước ngoài.

Ấn Độ đã từng là thị trường nguồn lớn nhất của Sri Lanka trước khi Covid-19 bùng phát và thậm chí vẫn tiếp tục duy trì vị thế này là sau khi dịch bệnh giảm bớt. Năm 2019, khách du lịch từ Ấn Độ chiếm số lượng lớn nhất trong số lượng khách quốc tế đến đất nước với tỷ lệ là 19%. Vương quốc Anh đứng thứ hai và Trung Quốc đứng thứ ba.

"Đảo quốc là nơi yêu thích của người tiêu dùng Ấn Độ và với khả năng tiếp cận dễ dàng và sự đa dạng thú vị, chúng tôi hy vọng sẽ thấy được sự cải thiện và hồi sinh", Daniel D'Souza, chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận giải trí của SOTC Travel bày tỏ hy vọng vào hồi đầu tháng 4.

Bãi biển Ventura, Sri Lanka

Hơn thế nữa, Hiệp hội Đại lý Du lịch Ấn Độ (TAAI), một trong những hiệp hội thương mại du lịch lớn nhất ở Ấn Độ, dự kiến sẽ tổ chức hội nghị lần thứ 66 tại Colombo từ ngày 19 đến 22/4. Họ đã tổ chức một sự kiện lớn tại Delhi vào tháng trước để công bố kế hoạch về hội nghị này, các thành viên từ Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch trong nước Sri Lanka (SLAITO) cũng tham dự.

"Địa ngục" trần gian

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Một loạt các vụ đánh bom liều chết hồi đầu năm 2019 kết hợp với đại dịch Covid-19 đã "bóp chết" hy vọng hồi sinh của nước này.

Covid-19 đã giảm nguồn thu nhập bằng USD từ du lịch, kết quả là chi tiêu xã hội tăng lên làm tăng nợ công. Tiếp nối là căng thẳng ở Ukraine khiến tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và ngoại tệ ngày càng trầm trọng. Nhưng trên hết, sai lầm lớn nhất phải kể đến việc vay nợ nước ngoài vô tội vạ, cộng thêm các quyết sách không đúng đắn và có phần "viển vông" mà chính phủ cứng rắn đưa ra.

Vào hôm 12/4, Sri Lanka chính thức tuyên bố vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài. Dự trữ ngoại tệ của họ hiện chỉ còn 2,2 tỷ USD, trong khi năm nay họ phải phải trả nợ số tiền là 4 tỷ USD. Theo Reuters, quốc đảo 20 triệu dân hiện nợ khoảng 12,55 tỷ USD dưới dạng trái phiếu chính phủ quốc tế (ISB), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ nước ngoài khoảng 35 tỷ USD tính đến năm 2021.

Lạm phát của Sri Lanka đã chạm mốc mức kỷ lục 17,5% vào tháng 2/2022. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Rajapaksa thừa nhận Sri Lanka dự kiến thâm hụt thương mại 10 tỷ USD trong năm nay và "tình hình sẽ tiếp tục vì những lý do ngoài tầm kiểm soát" mặc dù chính phủ của ông đang "nỗ lực hết sức".

Trong bối cảnh thường xuyên mất điện, thiếu thốn đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, người dân đã đổ ra đường biểu tình phản đối, kêu gọi Tổng thống Rajapaksa từ chức. Các cuộc biểu tình từ ôn hòa, nhanh chóng trở nên bạo lực khiến quốc gia vốn đã khó khăn về kinh tế nay lại chìm trong chuỗi ngày bất ổn.

Có lẽ người dân Sri Lanka chưa từng dám tưởng tượng cuộc sống của họ sẽ tồi tệ đến vậy. Lạm phát tháng 3 của quốc gia Nam Á lên tới 18,7%, đây là một con số khủng khiếp. Tâm trạng tuyệt vọng trên khắp đất nước hiện rõ. Dự trữ ngoại hối thấp đến mức chính phủ không đủ khả năng nhập khẩu ngay cả những mặt hàng cơ bản. Việc mất điện đã trở thành "bình thường mới", lương thực cơ bản như gạo và sữa trở thành đồ xa xỉ.

Mọi người đang "chết dần" trong hàng chờ đổ xăng và các chính trị gia cảnh báo rằng nạn đói có thể đang đến gần, vì vậy vấn đề cấp bách cần giải quyết là tình trạng thiếu lương thực. Các bệnh viện đã bắt đầu cắt giảm các ca phẫu thuật khi hết thuốc và nhiều thiết bị quan trọng, bao gồm cả thuốc điều trị ung thư và ống nội khí quản cho trẻ sơ sinh.

Bất chấp lời kêu gọi từ chức ngày càng tăng trên các đường phố khắp đất nước, Tổng thống Rajapaksa cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sẵn sàng rời khỏi vị trí này. Mặc dù chính phủ của ông hiện nay chỉ là thiểu số trong quốc hội, nhưng các nghị sỹ đối lập hiện chưa thúc đẩy cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.

Serika Siriwardhana, 19 tuổi, người dẫn đầu một cuộc biểu tình yêu cầu bãi bỏ hoàn toàn chức vụ của tổng thống đương nhiệm tại Quảng trường Độc lập ở Colombo, cho biết: "Đây không phải là vấn đề của riêng một người, một gia đình hay một đảng phái. Đó là một vấn đề mang tính hệ thống, đó là một vấn đề văn hóa, và chúng tôi cũng như những người Sri Lanka đã để điều này tiếp diễn quá lâu. Cách duy nhất để thay đổi tình hình là tổng thống từ chức. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì khác".

Tác giả: Linh Chi

Nguồn tin: Trí Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP