Xã hội

Quế Phong: Hàng chục hecta rừng đầu nguồn bị "xẻ thịt"

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, một số cá nhân đã mua bán, chuyển nhượng bất hợp pháp diện tích đất rừng tự nhiên được giao theo Nghị định 163 của Chính phủ. Thay vì khoanh nuôi bảo vệ, thì diện tích đất có rừng tự nhiên ở xã Tiền Phong huyện Quế Phong đã bị chặt phá, ảnh hưởng không nhỏ đến độ che phủ, tác động xấu đến hệ sinh thái rừng đầu nguồn.

3 khu vực rừng bị phá tại xã Tiền Phong được người dân phát hiện, báo cho lực lượng kiểm lâm huyện Quế Phong đã hơn 1 tuần nay, không ít cây gỗ có đường kính tương đối lớn bị chặt phá cùng tre nứa đang nằm ngổn ngang trên diện tích khoảng 22ha như thế này. Thế nhưng, câu trả lời của lực lượng chức năng địa phương lại là không biết sự việc phá rừng này xảy ra. Ông Lô Văn Luật - Công an viên bản Na Pón xã Tiền Phong nói: Em không nắm được, phía bên kia chứ không phải của Na Pón, nói chung không rõ lắm.

Ngay cả Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cũng không nắm được vụ việc: Xã đang phối hợp với Kiểm lâm địa bàn chuyển hồ sơn lên và đang quá trình điều tra để xác định cụ thể. Còn chưa nắm cụ thể lắm.

rung
Cả quả đồi bị phá bỏ

Khu vực có rừng bị phá này nằm sâu và khuất, thuộc chân núi khe Huồi Pẩu, thuộc bản Na Pón, xã Tiền Phong. Và chỉ nhìn từ bên ngoài rất khó phát hiện việc phá rừng ở đây, nếu như người dân không báo cho lực lượng chức năng sở tại.

Anh Nguyễn Anh Sáng, Kiểm lâm địa bàn xã Tiền Phong cho rằng: Khu vưc này nằm trong thung, ở ngoài có Biên phòng chốt chặn nên rất khó khăn tiếp cận. Nếu xin ý kiến vào kiểm tra thì các anh đi vắng cả, nên không kiểm tra dươc thường xuyên.

Nghị định 163 năm 1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiêp quy định rất rõ: đó là Nhà nước giao đất cho tổ chức, hộ gia đình ổn định lâu dài để phát triển lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng phải được bảo vệ. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao rừng, như chuyển nhượng phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, nhưng phần chuyển nhượng này chỉ là phần thuộc rừng trồng sau khi giao nhận. Riêng đất có diện tích rừng tự nhiên, nếu chuyển nhượng là trái quy định của pháp luật.

rung 1
Nhiều cây gỗ tự nhiên bi chăt hạ

Theo ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong: Trong trường hợp này, đất đã được Nhà nước giao theo Nghị định 163, trạng thái rừng là rừng tự nhiên. Mặc dù trữ lượng gỗ ở đây ít, chủ yếu là tre nứa, nhưng bản chất vẫn à rừng tự nhiên, nên chuyển giao là sai.

Trên thực tế, 22ha rừng tự nhiên bị chặt phá tại khu vực khe Huồi Pẩu, xã Tiền Phong là của 5 hộ gia đình, và số diện tích này đã được chuyển nhượng chui cho người khác. Phải đến khi việc phá rừng bị Kiểm lâm Quế Phong phát hiện, ngăn chặn, thì sự việc mới hé lộ nhiều tình tiết mới.

rung 2
Rừng hỗn giao nhưng vẫn có nhiều cây gỗ bị chặt phá

Ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quế Phong cho biết thêm: Đây là đất đã được giao cho các hộ gia đình, còn phần phía ngoài có 1 tổ của Bộ đội biên phòng đang làm trang trại, chăn nuôi, trồng rừng khu vực này. Về tính pháp lý, chúng tôi đã có kiến nghị với UBND huyện tổ chức đoàn kiểm tra, xác định rõ tính pháp lý tổ Biên phong đang sử dụng quỹ đất mà theo kiểm kê, đất này do UBND xã quản lý.

Hàng chục ha rừng ở xã Tiền Phong - huyện Quế Phong đã bị chặt phá không thương tiếc… Cá nhân, hay tổ chức nào phá rừng? Dư luận rất cần có câu trả lời chính xác từ cơ quan điều tra của huyện Quế Phong về vấn đề này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nam -  Hữu Song

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP