Xã hội

Quảng Ngãi: Báo động tình trạng tảo hôn!

Vì phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn ảnh hưởng nặng nề ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, nhiều gia đình đã “âm thầm” đứng ra tổ chức đám cưới cho con em mình khi các em đang là học sinh lớp 9, lớp 10. Từ sau những cuộc hôn nhân do bố mẹ sắp đặt hoặc một vài lý do nào đó mà các em phải bỏ dở con đường học hành để lấy chồng rồi sinh con... Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất học, lạc hậu, nghèo đói ở các huyện miền núi tỉnh này.

Gần 1/3 số người dân tộc thiểu số tảo hôn. Ảnh: A.C

Bỏ học từ năm lớp 10 để… lấy chồng

Nói đến vấn đề tảo hôn, thầy Ngô Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Ba Tơ - lắc đầu, đây là vấn đề nhức nhối nhất của ngành giáo dục cũng như chính quyền địa phương, bởi vì đối với những em làm vợ, làm mẹ khi còn trên ghế nhà trường, tâm lý các em thường rất mặc cảm với bạn bè. Vì vậy, chúng tôi cũng hết sức động viên các em cố gắng đi học đều đặn, không bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên do phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn ảnh hưởng nặng nề nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng để tổ chức đám cưới có xu hướng tăng.

Mới đây nhất, có trường hợp em P.T.T, đang là học sinh lớp 10 tại trường, nhưng vừa nghỉ tết âm lịch xong thì không thấy em đi học trở lại, tôi cử cô giáo đến tận nơi hỏi thăm thì mới biết em vừa mới cưới chồng, phải ở nhà để làm rẫy cùng chồng và sinh con. “Một năm sau, tôi tình cờ gặp lại em T, không ngờ từ một học sinh trẻ trung, hồn nhiên, năng động…thành một người vợ, người mẹ với khuôn mặt khắc khổ, thân hình gầy gò, còn cõng trên lưng đứa con còn đỏ hỏn... thấy thương vô cùng” - thầy Hải xúc động.

Em Đ.T.L, lớp 11 - là học sinh giỏi của trường nhưng vẫn âm thầm cưới chồng từ năm học lớp 10. Đến khi chuyện vỡ lở, em nhất quyết xin chuyển trường khác vì sợ hổ thẹn với bạn bè, thầy cô. Khi chúng tôi mời phụ huynh lên, nhằm nắm bắt thông tin, thì cha mẹ các em hồn nhiên bảo: “Mình đi làm rẫy suốt ngày nên có biết gì đâu? Giờ tụi nó ưng cái bụng thì mình cho cưới thôi. Không cho nó cưới thì nó ăn lá ngón”.

Chính vì không dám nhìn thẳng vào sự thật, nên việc ngăn chặn hủ tục này gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, có trường hợp là con em cán bộ ở địa phương nhưng vẫn để xảy ra tảo hôn. Gốc rễ của tảo hôn vẫn là do trình độ dân trí thấp. Chưa có giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài. Nhiều em khi chúng tôi cố gắng gặng hỏi thì em nói do bố mẹ có “hẹn ước” từ trước giữa 2 gia đình nên phải cưới.

Theo báo cáo của Trường THPT Ba Tơ, trong năm 2016 nhà trường có 16 học sinh tảo hôn, trong đó có 4 trường hợp đã bỏ học giữa chừng. Đa số những trường hợp tảo hôn rơi vào dịp nghỉ hè. “Trường được chọn làm mô hình điểm trong việc thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn từ năm 2016, nhưng vẫn chưa chấm dứt được nạn tảo hôn. Khó khăn lớn nhất của trường trong việc hạn chế nạn tảo hôn, là do nhận thức của nhiều phụ huynh còn rất hạn chế, thường giao hết việc quản lý học sinh cho nhà trường” - thầy Hải cho biết thêm.

Những con số đáng buồn!

Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011 - 10.2016, ở 6 huyện miền núi trong tỉnh và 3 huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn có 1.041 cặp tảo hôn, trong đó, huyện Ba Tơ có đến 337 cặp, Sơn Hà 327 cặp. Về trường hợp hôn nhân cận huyết thống từ năm 2011 - 10.2016 có 6 trường hợp. Riêng trong năm 2016, tỉ lệ tảo hôn tăng so với năm 2015. Cụ thể, huyện Ba Tơ là 94 cặp, tăng 83 cặp; Sơn Hà 92 cặp, tăng 16 cặp; Minh Long 41 cặp, tăng 32 cặp…

Ông Đinh Tấn Lạc - Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Tơ cho biết, riêng huyện Ba Tơ từ năm 2011 - 31.10.2016 là 337 cặp tảo hôn.

“Tôi nghĩ đó là con số thống kê chưa chính xác, chắc chắn còn nhiều hơn nữa, bởi vì đây là vấn đề hủ tục, một số cán bộ thôn, xã vẫn “sắp đặt” cho con em mình “âm thầm” cưới hỏi, nên báo cáo chưa đầy đủ, sợ ảnh hưởng đến uy tín”.

Do huyện Ba Tơ có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, phân bổ không đều, núi non hiểm trở. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn diễn ra như: Nghi kỵ đồ độc, ma chay cúng bái, nhức nhối nhất là tình trạng tảo hôn còn tăng.

Trong những năm qua, mặc dù được cấp ủy và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có nhiều nỗ lực, song do trình độ văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Tơ vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều tập quán lạc hậu vẫn chưa chấm dứt, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết chưa còn tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số - kế hoạch hóa gia đình. “Đối với một số đồng bào nhận thức còn thấp thì họ quan niệm “cái chữ không làm cho bụng no được chỉ có lên nương lên rẫy mới có cái để ăn”.

Xuất phát từ điều đó những người lớn sớm cho con cái nghỉ học để kết hôn ở cái tuổi “ăn chưa đủ no, lo chưa đủ tới”. Và kết quả, những đứa trẻ sinh ra thường bị “lãng quên”, “phó mặc cho trời” trong khi bố mẹ chúng đang còn bận rộn với con dao, cái rựa và sắn ở trên nương” - ông Lạc chua xót.

Tác giả bài viết: TRẦN HÓA

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP