Thế giới

Quan chức Trung Quốc tức giận vì bị 'đánh úp' ở hội đàm với Mỹ?

Phát biểu mở đầu của hai bên lâu hơn thường lệ khi kéo dài tới gần một tiếng. Trước các máy quay, phía Mỹ hôm 18/3 nêu lên loạt vấn đề nóng trong quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.

Ngay trong buổi mở màn hội đàm cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska hôm 18/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, cùng Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị, có những màn đối đáp, chỉ trích lẫn nhau gay gắt trước ống kính máy quay.

Theo toàn văn nội dung phát biểu mở đầu hội đàm do phía Mỹ cung cấp sau cuộc họp, ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị nói rất nhiều về các nỗ lực của Trung Quốc để gắn kết với cộng đồng quốc tế.

Đáp lại, Ngoại trưởng Blinken nói "tôi đã nghe rất nhiều đối tác bày tỏ lo ngại về hành động của chính phủ các ông". Trước sự chứng kiến của báo giới, ngoại trưởng Mỹ và Cố vấn Sullivan ngay lập tức nêu lên loạt vấn đề vốn là điểm nóng trong quan hệ song phương.

Sau đó, nhân viên phục vụ tại hội đàm yêu cầu báo chí rời phòng họp. Cũng vào lúc này, ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị gay gắt phản bác quan điểm của Mỹ, theo Nikkei Asia.

Quang cảnh hội đàm Mỹ - Trung ở Anchorage, Alaska, Mỹ ngày 18/3. Ảnh: Getty.

'Khẩu chiến' trước máy quay

Trong bài phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Blinken ban đầu cho biết Mỹ có ý định bảo vệ "trật tự dựa trên luật lệ", mà nếu không có nó thì "thế giới sẽ bạo lực hơn nhiều", theo CNN.

Ông Blinken nói các hoạt động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, cũng như các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc nhắm vào Mỹ, và sự áp bức kinh tế của Trung Quốc đối với đồng minh của Mỹ, đang "đe dọa trật tự dựa trên luật lệ vốn duy trì ổn định toàn cầu”.

Ngoại trưởng Mỹ đúc kết: “Đó là lý do mà những điều trên không chỉ là vấn đề nội bộ (của Trung Quốc), và chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ nêu ra ở đây, ngày hôm nay”.

Về phần mình, ông Dương Khiết Trì cho rằng chính Mỹ đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác, đồng thời lạm dụng an ninh quốc gia để đe dọa tương lai của thương mại quốc tế.

“Mỹ sử dụng lực lượng quân sự và quyền bá chủ tài chính... Các ông lạm dụng cái gọi là an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và kích động một số quốc gia chống Trung Quốc", ông Dương nói trong bài phát biểu kéo dài hơn 10 phút, theo Nikkei Asia.

Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì phát biểu trong phiên khai mạc hội đàm Mỹ - Trung ngày 18/3. Ảnh: Reuters.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc cũng chỉ trích nền dân chủ mong manh của Mỹ, cũng như các vấn đề nhân quyền ở nước này. Ông đề cập đến các điểm nóng bạo lực cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống - điều dẫn đến phong trào biểu tình lớn tại Mỹ vào hè năm ngoái.

"Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là Mỹ phải thay đổi hình ảnh của chính mình và ngừng áp đặt kiểu dân chủ của mình ở các nơi khác.... Theo các cuộc thăm dò dư luận, lãnh đạo Trung Quốc nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân”, CNN dẫn lời của ông Dương.

Ông Dương cũng khẳng định Trung Quốc quyết phản đối Mỹ can thiệp vào việc nội bộ của nước này, song vẫn bày tỏ hy vọng hai bên sẽ không để xảy ra xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.

Cuối cùng, ông Dương thách thức những tuyên bố của Mỹ trước giới lãnh đạo toàn cầu khi kết luận: “Mỹ không đại diện cho toàn cầu, Mỹ chỉ đại diện cho chính phủ Mỹ”.

Ngay sau đó, Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị lên tiếng khẳng định Trung Quốc sẽ không chấp nhận "những cáo buộc không có cơ sở từ phía Mỹ”.

Khi ông Vương dứt lời và báo chí chuẩn bị rời khỏi phòng, ông Blinken đột nhiên xen vào.

“Đợi một chút”, nhà ngoại giao Mỹ nói và ra hiệu cho phóng viên tiếp tục nán lại.

Ông tiếp tục: “Vui lòng cho phép tôi bổ sung vài quan điểm riêng trước khi chúng ta bắt đầu làm việc”, CNN tường thuật lại tình huống.

Ông Anthony Blinken (trái) nhìn ông Jake Sullivan phát biểu tại hội đàm Mỹ - Trung ngày 18/3. Ảnh: Reuters.

Đáp lại lời chỉ trích của ông Dương Khiết Trì về nền dân chủ Mỹ, ông Blinken khẳng định rằng trong các cuộc gọi với gần hàng trăm đối tác, "họ đều bày tỏ sự hài lòng rằng Mỹ đã trở lại".

"Chúng tôi gắn kết lại với các đồng minh và đối tác. Tôi cũng nhận thấy mối quan ngại sâu sắc đến một số hành động của chính phủ Trung Quốc", ông nói.

Tiếp đến, ông Blinken đưa ra quan điểm về vấn đề đối nội ở Mỹ, cho rằng Mỹ đã có những sai lầm, nhưng đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một đất nước đoàn kết hơn, theo CNN.

Đáp lại quan điểm của Ngoại trưởng Blinken, ông Dương Khiết Trì nói: "Ngay khi bước vào phòng họp này, tôi lẽ ra nên nhắc nhở Mỹ về giọng điệu của các ông. Nhưng tôi lại không làm vậy".

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc cáo buộc Mỹ muốn dùng thế cửa trên, khi đối thoại với Trung Quốc từ vị thế kẻ mạnh. "Điều này có phải đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng và chuẩn bị phối hợp thực hiện không? Đó là cách các ông muốn tổ chức đối thoại này à?", ông Dương vặn hỏi.

"Tôi nghĩ là mình đã nghĩ quá tốt về phía Mỹ. Chúng tôi nghĩ Mỹ sẽ tuân thủ các thủ tục ngoại giao cần thiết. Nên bây giờ, Trung Quốc cần phải bày tỏ rõ quan điểm của mình. Trước toàn phái đoàn Trung Quốc, tôi khẳng định Mỹ không có tư cách để nói chuyện với Trung Quốc từ vị thế kẻ mạnh", ông Dương Khiết Trì nói, theo Nikkei Asia.

'Khẩu chiến' sau phiên họp

Sau phiên họp, một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng ngay trước cuộc đối thoại, hai bên nhất trí phát biểu mở màn sẽ ngắn gọn, chỉ kéo dài khoảng 2 phút, nhưng rốt cuộc đã kéo dài hơn 1 giờ, Reuters tường thuật.

"Phái đoàn Trung Quốc dường như đến với chủ ý gây ấn tượng mạnh, tập trung vào chiêu trò hơn là các vấn đề cốt lõi. Họ rõ ràng là đã vi phạm nghi thức", quan chức này nói rõ.

Trong khi đó, tờ Global Times của Trung Quốc dẫn lời một quan chức ngoại giao nói: "Phía Mỹ, vốn bắt đầu phát biểu trước, đã vượt quá thời gian được phân bổ khi mở màn; đồng thời công kích và cáo buộc vô lý nhắm vào các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, gây ra cãi vã", Nikkei Asia đưa tin.

Ông Vương Nghị (trái) và ông Dương Khiết Trì đến hội đàm Mỹ - Trung tại khách sạn Captain Cook ở Alaska, vào ngày 18/3. Ảnh: Reuters.

Vị này nhấn mạnh: "Mỹ không hề hiếu khách, và cũng không tuân thủ các nghi thức ngoại giao".

Ông Dương Khiết Trì cũng cáo buộc Mỹ không tôn trọng nghi thức ngoại giao vì công bố biện pháp trừng phạt nhắm vào quan chức Trung Quốc ngay trước thềm hội đàm.

Mỹ và Trung Quốc đã mở phiên họp thứ hai vào lúc 19h30 sau khi kết thúc phiên họp gay gắt đầu tiên vào chiều ngày 18/3 (giờ địa phương).

“Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra nghiêm túc và thẳng thắn”, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ.

Khác với bầu không khí nảy lửa của phiên đầu, phiên họp thứ hai có phần suôn sẻ hơn. Quan chức trên cho biết phiên họp thứ hai tiến hành các cuộc thảo luận dựa trên các lợi ích và ưu tiên đã lên kế hoạch sẵn.

Tác giả: Hồng Ngọc

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP