Thể thao

Lê Công Vinh - tuổi thơ cơ hàn tới huyền thoại bóng đá Việt Nam

"Tôi chỉ có một điểm mạnh, nhưng phải cố để mình không còn điểm yếu", câu nói như bao trọn sự nghiệp Lê Công Vinh, cầu thủ bình thường nhưng không tầm thường của bóng đá Việt Nam.

Còn khoảng 30 giây nữa, trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 sẽ khép lại. Đội tuyển Việt Nam được hưởng một quả đá phạt chếch sang cánh trái. Người bước lên chấm đá phạt là đội trưởng Nguyễn Minh Phương. Đó là cơ hội cuối cùng của thầy trò HLV Henrique Calisto.

4 giây sau, bóng rời chân Minh Phương nhưng đó là một đường chuyền hỏng. Từ một vị trí cách xa khung thành, Công Vinh vặn đầu, cố tung ra một cú dứt điểm trong thế với. Thế rồi, điều kỳ diệu diễn ra. Trái bóng cuộn tròn, ngoan ngoãn bay vào lưới trong sự thất thần của người Thái. Công Vinh cởi phăng chiếc áo, lao đi phăm phăm qua những khán đài trong tiếng hò reo, niềm vui sướng tột độ của hàng triệu con tim người Việt.

Bóng đá Việt Nam và cuộc đời Công Vinh đều có một cột mốc mới, một cột mốc không thể nào quên.

29/12/2008 mãi là cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Công Vinh. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuổi thơ cơ hàn và bước ngoặt tới bóng đá

Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và có bố thường xuyên xa nhà, cậu bé Công Vinh từ nhỏ đã phải thay bố đảm nhiệm vai trò trụ cột, với tư cách người đàn ông duy nhất trong gia đình.

Cậu dường như cũng ý thức được điều này và luôn hăng hái phụ giúp gia đình mọi công việc được giao, từ nấu rượu, nuôi heo tới trông em hay phụ mẹ bán tạp hóa.

Lớn lên trong sự vất vả, song không vì thế mà cậu bé đánh mất đi những niềm vui con trẻ. Giống bao đứa trẻ nông thôn khác, Công Vinh cũng tát cá, đánh tôm, đào chuột, cũng mải miết, lê la theo những trận bóng vô ưu, không đầu, cuối, không luật lệ cùng lũ trẻ trong xóm mỗi chiều tan học về.

Ngày ấy, cậu mê bóng đá vô cùng, song cậu chưa bao giờ nghĩ rằng môn thể thao này lại có thể vĩnh viễn thay đổi cuộc đời mình tới vậy. Trong trí tưởng tượng ngô nghê của cậu bé xứ Nghệ, cậu muốn trở thành một sĩ quan quân đội bởi nếu vậy, cậu sẽ được mặc đẹp, được mọi người yêu mến, kính trọng và dĩ nhiên là có được cả sự chú ý của các cô gái nữa.

Công Vinh (phải) thuở nhỏ rất mê bóng đá, song cậu chưa bao giờ nghĩ môn thể thao này lại mãi mãi thay đổi cuộc đời mình như vậy.

Giấc mơ ấy lẽ ra đã có thể lớn cùng cậu theo năm tháng, và cái tên Lê Công Vinh có thể đã vĩnh viễn không tồn tại trong lịch sử bóng đá Việt Nam nếu những biến cố không dồn dập ập tới gia đình cậu, đánh chìm giấc mơ quân ngũ và đẩy con thuyền sự nghiệp của cậu sang một ngã rẽ hoàn toàn mới.

Năm Công Vinh 12 tuổi, bố cậu bị tai nạn, mẹ cậu cũng bị lừa hết sạch tiền. Một năm sau, bố cậu vương vào lao lý vì vận chuyển chất cấm còn mẹ cậu đụng độ một toán cướp trên đường đi làm và bị cướp sạch tiền.

Từ gia đình có đồng ra, đồng vào, kinh tế nhà Công Vinh bỗng khánh kiệt. Tuổi 13, độ tuổi mà những đứa trẻ lẽ ra vẫn được yêu chiều trong vòng tay bố mẹ, được vô tư chơi đùa và vùi mình trong những niềm đam mê con trẻ, Công Vinh buộc phải trưởng thành.

Hàng đêm, cậu trằn trọc, mắc kẹt trong dòng suy nghĩ đầy tuyệt vọng. Kinh tế gia đình dường như là một bài toán quá tầm, là một phương trình vô nghiệm với cậu bé Công Vinh mới 13 tuổi khi ấy.

Thế rồi, một ý tưởng chợt lóe lên. Lời giải cho phương trình này nằm ở bóng đá. Chỉ có theo bóng đá, gia nhập SLNA và được ký hợp đồng, cậu mới có tiền gửi về để phụ giúp gia đình. Giấc mơ quân ngũ tạm khép lại, và Công Vinh buộc phải rẽ sang một ngã rẽ mới trong cuộc đời.

Năm đó, cậu gia nhập lò đào tạo SLNA.

SLNA là bệ phóng, đưa Công Vinh tới đỉnh cao của bóng đá Việt Nam.

Chàng trai đội sổ và nghị lực phi thường

Công Vinh là một trong những cầu thủ hay nhất không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, trước khi có được thành công này, cậu từng trải qua những tháng ngày dài đằng đẵng làm bạn với vị trí "đội sổ" và sắm vai "kép phụ" tại CLB cũng như các đội tuyển quốc gia.

Năm 13 tuổi, Công Vinh trúng tuyển vào lò SLNA. Trong 25 học viên trúng tuyển năm đó, cậu là người xuất sắc thứ... 25, vị trí không khác gì đậu vớt.

"Tôi không có lấy một yếu tố thiên bẩm nào. Trong khi nhìn quanh các bạn, người thì rất nhanh, người thì cực kỳ khéo léo, người lại có sức càn lướt dũng mãnh. Tôi thì mảnh khảnh, hơi vụng, chưa có bất kỳ một ý niệm gì về chiến thuật trên sân. Trong lúc nhiều bạn cùng lứa đã tập ở những đội năng khiếu huyện, tôi trước khi vào lò SLNA quả thực là một trang giấy trắng", Công Vinh bộc bạch trong cuốn tự truyện về những ngày đầu gian khó tại SLNA.

Ngày ấy, Nguyễn Hồng Tiến là người bạn thân nhất với Công Vinh tại SLNA. Một trong những nguyên nhân là cả 2 cùng nằm trong nhóm... đội sổ của học viện.

"Quyến bẩm sinh, Vinh khổ luyện", đó là những gì người dân xứ Nghệ vẫn thường nói về 2 tài năng mang tính biểu tượng của bóng đá Nghệ An. Đồ họa: Minh Phúc.

Nhớ về kỷ niệm ngày ấy, Công Vinh viết trong tự truyện: "Tôi và Hồng Tiến chơi thân một phần vì Tiến cũng kém. Tôi bắt đầu nản lòng khi tiếp tục là đứa kém nhất đội. Cứ sau một đường chuyền hỏng, một cú sút ra ngoài, tôi lại phải nghe những tiếng cười chế nhạo. Thậm chí ngay cả khi các bạn không cười, tôi vẫn có cảm giác hàng chục cặp mắt đang nhìn về phía mình".

Công Vinh bắt đầu chán nản. Cậu xin mẹ được về quê làm mướn. Tuy nhiên, câu nói của một người thầy đã thay đổi tất cả: "Vào thì khó, ra thì dễ. Tôi thấy Vinh nó có ý chí, còn cải tạo được. Cứ cho nó ở thêm một năm rồi về cũng không muộn".

Tuổi 15, bước ngoặt tiếp theo lại xảy đến. Đây chính là ngã rẽ mang tính quyết định, đưa con thuyền sự nghiệp của Công Vinh thẳng tiến trên hành trình tới đỉnh cao của bóng đá Việt Nam.

"Tôi được tập lại mọi thứ từ cơ bản nhất. Không có ưu điểm vượt trội nào ngoại trừ tốc độ là điểm mạnh nhất, tôi đã rèn sao cho mọi động tác của mình đều chuẩn nhất về mặt kỹ thuật. Tôi chỉ có một điểm mạnh, nhưng đã cố gò sao cho mình không còn điểm yếu", cầu thủ này nhớ lại.

Chia sẻ với Zing, Hồng Tiến, bạn thân với Công Vinh cho biết: "Chúng tôi lúc đầu đều kém. Nhưng càng lên cao, Công Vinh càng phát triển nhanh hơn. Từ độ U16, Vinh bắt đầu đột phá khủng khiếp. Đến U20, cậu ấy trở thành đội trưởng tuyển trẻ Việt Nam rồi qua JVC lên tiếp tuyển U23. Cái đầu của Vinh tốt hơn của chúng tôi. Tôi không dám nói về những người khác nhưng riêng Vinh thì thực sự giỏi từ ngày ấy".

Sự khổ luyện giúp Công Vinh là cái tên thành công nhất ở tuyển Việt Nam trong bộ tứ Công Vinh - Văn Quyến - Anh Đức - Phan Thanh Bình năm xưa. Ảnh: Bạch Dương.

Trong 25 cầu thủ được tuyển chọn, chỉ còn Công Vinh, Hồng Tiến và Đức Cường tiếp tục trụ lại. Họ lên đội một tập luyện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của HLV trưởng SLNA, ông Nguyễn Văn Thịnh. Cũng kể từ đó, sự nghiệp của Công Vinh lên như diều gặp gió.

16 tuổi, Công Vinh đá giải trẻ đầu tiên cho U16 SLNA. Một năm sau, cậu cùng đội nhà vô địch giải U18 quốc gia và được trải nghiệm mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên trong màu áo đội bóng hạng Nhì khi ấy, CLB Quảng Ninh.

18 tuổi, Công Vinh đeo băng thủ quân đội tuyển U20 Việt Nam tham dự vòng loại U20 châu Á và ghi bốn bàn. Cũng trong năm đó, cậu tham dự vòng chung kết U21 quốc gia và ẵm luôn danh hiệu vua phá lưới.

Chưa dừng lại, tới JVC Cup 2003, Công Vinh còn đưa SLNA tới chức vô địch với cú đúp vào lưới CLB Perak ở trận chung kết. Tất nhiên, màn trình diễn ấn tượng đó khó lọt khỏi mắt xanh của HLV Alfred Riedl. Cậu được gọi bổ sung vào đội tuyển U23 Việt Nam tham dự SEA Games 22 trên sân nhà.

Giải đấu năm đó, chàng trai 18 tuổi Lê Công Vinh tất nhiên chỉ là lựa chọn thứ 4 tại đội tuyển, sau Văn Quyến, Thanh Bình và Hoàng Phúc Lâm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại từ những ngày đầu "đội sổ" tại SLNA, được ngồi trên băng ghế dự bị của U23 Việt Nam rõ ràng vẫn là bước tiến dài với sự nghiệp của cầu thủ này.

Câu hỏi muôn thuở: "Công Vinh hay Văn Quyến, ai xuất sắc hơn?" vẫn là chủ đề gây tranh cãi tới ngày nay.

Chân sút huyền thoại hay may mắn?

“Nếu Văn Quyến không nhúng chàm, chắc gì người ta đã biết Công Vinh là ai”, cặp từ nếu - thì, với chủ thể so sánh là hai trong những tiền đạo hàng đầu của bóng đá Việt Nam, luôn trở thành chủ đề bàn tán gây tranh cãi với người hâm mộ.

Bản thân Công Vinh vốn không sở hữu quá nhiều kỹ năng đặc biệt. Anh không cao lớn, dũng mãnh như Huỳnh Đức hay Anh Đức, không khéo léo, tinh ranh như Văn Quyến và cũng chẳng khiến người ta ồ lên với những pha đi bóng lắt léo như Công Phượng.

Với nhiều người, họ coi Công Vinh đơn giản là kẻ thức thời. Và cú đánh đầu vào lưới Thái Lan, bàn thắng đưa Công Vinh bước chân vào ngôi đền huyền thoại của bóng đá Việt Nam, đơn thuần là sản phẩm của may mắn.

Họ bảo Công Vinh gặp may, nhưng lại không nhớ rằng may mắn chỉ tìm đến với những người xứng đáng.

Họ bảo Công Vinh có kỹ thuật làng nhàng, nhưng quên mất rằng anh là một trong những tiền đạo có bộ kỹ năng cơ bản toàn diện nhất của bóng đá Việt Nam.

Họ bảo Công Vinh là tiền đạo kém, nhưng quên rằng những bàn thắng mới là thước đó chuẩn mực nhất dành cho một tiền đạo.

Những con số cho thấy Công Vinh xứng đáng được coi là tiền đạo thành công nhất bóng đá Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc

28 bàn đã ghi trong các giải chính thức giúp Công Vinh là tiền đạo thành công nhất lịch sử tuyển Việt Nam. 9 trận đấu, 2 bàn tại J.League, Công Vinh làm được điều mà cả Tuấn Anh và Công Phượng đều bất lực ở Nhật Bản. 3 trận, 1 bàn cho Leixoes tại Bồ Đào Nha, đó chẳng phải điều mơ ước của những Công Phượng hay Đoàn Văn Hậu khi thi đấu tại châu Âu hay sao?

Huỳnh Đức xuất sắc, nhưng ông chưa từng đưa đội tuyển Việt Nam lên ngôi tại khu vực. Văn Quyến là một thần đồng, song đóng góp của anh cho đội tuyển thực sự rất hạn chế.

Anh Đức là minh chứng sống cho thế hệ vàng 2.0 của bóng đá Việt Nam, và xét trên tiêu chí danh hiệu, là người "đồng cân, đồng lạng" nhất với Công Vinh. Song nếu lấy những đóng góp trên tuyển làm hệ quy chiếu, chân sút xứ Nghệ vẫn là người vượt trội hơn.

Trên sân cỏ, Công Vinh là tấm gương bởi tài năng, ý chí và nghị lực phi thường. Ngoài đời sống, tiền đạo xứ Nghệ cũng là hình mẫu lý tưởng để các cầu thủ trẻ noi theo bởi lối sống mẫu mực.

Công Vinh đang trải qua cuộc sống viên mãn với Thủy Tiên và bé Gạo (Lê Trần Diễm Quỳnh). Ảnh: FBNV.

Suốt 12 năm cạnh Thủy Tiên, từ lúc hẹn hò tới khi cả hai "về chung nhà", Công Vinh chưa bao giờ dính tới những scandal tình ái, chia tay hay ngoại tình. Anh lựa chọn cách sống giản dị, không ồn ào và đang hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình.

Tuổi thơ khốn khó cùng những đổ vỡ gia đình giúp anh hiểu rõ vai trò, giá trị của một người chồng, người cha. Chia tay sân cỏ, Công Vinh lùi về hậu trường để chăm sóc gia đình nhỏ. "Hạnh phúc gia đình" luôn là khái niệm thiêng liêng và luôn được cầu thủ này hết sức trân trọng.

Thật khó để tìm ra ai là tiền đạo hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, nhưng chắc chắn rằng, sẽ không khó để Công Vinh có mặt như một trong những ứng viên của đề cử này.

Tiền đạo xứ Nghệ có thể không phải người hay nhất, nhưng anh là người thành công nhất, là phiên bản chuẩn mực nhất, hình mẫu chuyên nghiệp điển hình cho không chỉ các tiền đạo, mà toàn thể cầu thủ trẻ tại Việt Nam nhìn vào và phấn đấu.

Với những đóng góp cho bóng đá Việt Nam, Lê Công Vinh xứng đáng với những gì đang có.

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP