Kinh tế

Cua xe tăng trứ danh Việt Nam, cứng như đá, chuyên ăn thịt con mồi

Ở Việt Nam, có nhiều loại cua trước đây giá rẻ, ít người ăn nhưng nay khan hiếm, trở thành đặc sản nức tiếng được bán với giá cao.

Cua da Bắc Giang

Cua da trước đây ít người chọn mua nhưng nay thành đặc sản của đất Yên Dũng (Bắc Giang).

Theo lý giải của người dân huyện Yên Dũng, sở dĩ gọi là cua da vì chúng có lớp da trên càng. Chân cua da dài, 2 càng có lớp lông giống như rêu bám vào... Cũng có người gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”, song cua da vẫn được gọi phổ biến hơn cả.

Cua da có cặp chân dài.

Về hình thức, cua da gần giống cua đồng nhưng kích thước và trọng lượng tối đa lớn gấp 3-4 lần (trung bình 0,8-2 lạng/con). Mùa cua da chỉ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch

Cua da có thịt thơm ngon.

Trước kia, loại cua này rất nhiều và giá bán chỉ 120.000-180.000 đồng/kg nhưng vài năm gần đây, do môi trường sống thay đổi cộng với nhu cầu tiêu thụ tăng nên cua ít dần. Do đó, giá cũng tăng cao lên 400.000 500.000 đồng/kg. Sau khi chế biến, nhiều nhà hàng bán giá lên tới cả triệu đồng/kg. Cua da có thể chế biến thành nhiều món như hấp bia, rang muối, rang me, nấu canh, làm lẩu riêu...

Cua đá Lý Sơn, Cù Lao Chàm

Hàng chục năm trước, cua đá ở đất Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhiều vô kể nhưng chỉ có những nhà khó khăn mới bắt về làm thức ăn. Gần đây, do nhu cầu tăng cao nên người dân khai thác ồ ạt khiến cua đá trở nên khan hiếm và có giá gấp 7 lần trước đây. Loại cua này có thời điểm giá còn đắt hơn cả cua huỳnh đế vì chúng ngày càng trở nên quý hiếm.

Cua đá Lý Sơn.

Không chỉ ở Lý Sơn, cua đá ở Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) cũng ngon nức tiếng, trở thành đặc sản không thể không thưởng thức khi đến thăm xứ đảo này.

Cua đá có vị thịt ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Thịt cua béo ngậy, dai hơn hẳn cua biển, cua đồng. Loại cua này chứa đầy gạch, càng cua rất to. Khác với cua biển và ghẹ, cua đá chắc gạch 100%. Nếu không quen ăn, thực khách có thể bị “say” gạch.

Người ta gọi là cua đá vì nó sống ở các hang đá trên núi. Cua lớn có trọng lượng đến 300-400 g/con, cua nhỏ thì trọng lượng cỡ 100g/ con. Cua đá có màu tím; khi chín thì chuyển sang màu gạch tuyệt đẹp và thơm lừng.

Cua mặt trăng Ninh Thuận, Côn Đảo

Khi đến Ninh Thuận hay Côn Đảo (Phú Quốc), du khách không thể bỏ qua sản vật ngon nức tiếng: cua mặt trăng.

Cua mặt trăng là loài hải sản quý hiếm.

Loại cua này trước đây ít người lựa chọn vì vỏ chúng dày, thịt ít. Nhưng gạch của chúng ngọt béo hơn so với những loại cua khác và có màu sắc khá bắt mắt. Nếu 5 năm trước giá loại cua này chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng một kg thì nay giá lên tới 350.000 đồng. Có những năm, lượng hàng khan hiếm, thương lái đẩy giá lên trên 600.000 đồng/kg.

Sở dĩ gọi cua mặt trăng bởi trên mai loại cua này có nhiều hình tròn màu đỏ đậm, pha vào màu hồng tươi như mặt trăng. Loại cua này có thịt thơm ngon nhất vào kỳ trăng mọc. Điều này hoàn toàn trái ngược với các loại cua khác, thịt thường xốp trong thời kỳ này. Cua mặt trăng được xếp vào loại cua thượng hạng “đệ nhất cua” bởi thịt cua ngọt đậm đà, vừa thơm lại săn chắc.

Cua xe tăng Côn Đảo

Cua xe tăng là một loài cua cạn khổng lồ thuộc họ cua cạn Geocarcinidae. Cua xe tăng là loài cua cạn to nhất Việt Nam và bán đảo Đông Dương.

Tại Việt Nam, rừng ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi duy nhất cua xe tăng sinh sống. Khi trưởng thành, loài cua này có mai dài hơn 10 cm, trọng lượng lên tới 1 kg.

Cua có 2 càng to chắc khỏe và có vẻ như không tương xứng với thân (càng phải to, càng trái nhỏ) đủ sức cắn xé lá và ăn các loài động vật. Sở dĩ cua có tên xe tăng là vì khi bò, nó có hình dáng trông giống như cỗ xe tăng đang di chuyển.

Cua vang Côn Đảo

Ngoài cua xe tăng, cua mặt trăng, ở Côn Đảo còn có một loại cua khá ngon nữa, đó là cua vang.

Món cua vang thơm ngon.

Giống như cua đồng, cua vang con nhỏ cỡ đầu ngón chân cái, trọng lượng khoảng 10 - 20 gram/con, càng nhỏ. Cua có màu tím nâu giống như màu rượu vang (phải chăng vì thế mà chúng có tên gọi là cua vang?).

Đây là loài cua sống nơi ruộng ở triền núi. Chúng thường xuất hiện vào ban đêm trong những cơn mưa, cắn phá lúa và hoa màu. Người dân nơi đây săn bắt chúng bằng tay vào ban đêm.

Thịt cua vang ngon, ngọt như cuaồng, nhất là rang me, ăn luôn cả càng, ngoe. Giá loại cua này tại chợ Côn Đảo chừng 35.000 đồng/kg.

Cua 'thiết giáp', đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên

Vỏ cứng, bản tính hung dữ, những con cua ở khu vực suối đá Ông Mô (xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được đặt tên là cua “thiết giáp”, phải những tay săn cua có nghề mới bắt được.

Một con cua "thiết giáp" vừa được bắt khỏi hang.

Trong những năm gần đây, do khí hậu thay đổi và tình trạng dùng điện săn bắt thủy sản tràn lan khiến cho lượng cua đá bị suy giảm rõ rệt, giá mỗi kg cua đá lên tới vài trăm nghìn đồng.

So với cua biển hoặc cua đá ở những vùng khác, cua đá “thiết giáp” suối Ông Mô thịt rắn chắc và thơm ngon hơn.

Cua biển Năm Căn - đặc sản rừng ngập mặn Cà Mau

Tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, vùng đất cuối cùng của Tổ quốc, cua biển Năm Căn là một đặc sản độc đáo trong điều kiện tự nhiên rừng ngập mặn.

Cua biển Năm Căn.

Theo đánh giá của du khách, cua biển của vùng Năm Căn là ngon nhất. Cua biển Năm Căn ngon là nhờ nguồn nước biển trực tiếp vào giúp đủ độ mặn, khiến cua có vị ngọt đậm mà các nơi khác không có được.

Cua ở rừng ngập mặn Cà Mau có thể trở thành món ăn hấp dẫn với cách chế biến đơn giản như: nướng củi, cua muối, cua ướp tỏi ớt, cua nấu chao,... với hương vị đặc trưng, vị ngọt đậm đà cùng các loại rau, quả dân dã ăn kèm tùy món.

Tác giả: Hạnh Nguyên(Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP