Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giá xăng giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường từ 11/7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất của Chính phủ giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng với dầu. Việc giảm này áp dụng ngay tuần sau.

Sáng 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết năm 2022. Cụ thể, mức thuế với mặt hàng xăng được đề xuất giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel, mazut, mỡ nhờn... giảm từ 1.000 đồng/lít xuống sàn 300-500 đồng/lít và dầu hỏa giữ nguyên ở 300 đồng/lít.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thảo luận, xem xét để Nghị quyết có hiệu lực sớm hơn được hay không và có thể thực hiện ngay trong kỳ điều giá xăng dầu gần nhất.

Trong trường hợp tiếp tục có biến động về giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 3 cách để xem xét trong điều hành. Một là tiếp tục xem xét để cắt giảm một số loại thuế và Chính phủ có đề xuất liên quan thuế VAT thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hai là thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

 Vấn đề giảm thuế xăng dầu ngày càng cấp bách khi giá liên tục tăng cao. Ảnh: Quỳnh Danh

Có thể điều chỉnh thêm thuế với xăng dầu

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết từ đầu năm, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng cao, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần.

Trong đó giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần, có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 18. Đặc biệt, tại kỳ điều chỉnh ngày 21/6, giá xăng trong nước thiết lập mức cao nhất trong lịch sử.

Để góp phần ổn định giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng việc điều chỉnh thuế với mặt hàng xăng dầu là cần thiết. "Từ các sắc thuế cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu thì có thể thực hiện điều chỉnh đối với sắc thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường", ông nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng dầu cũng cần phải được cân nhắc, tính toán cẩn trọng trên nhiều mặt, đảm bảo không làm sai lệch vai trò, chức năng của từng sắc thuế đang thu đối với mặt hàng xăng dầu.

Điều chỉnh chính sách thuế là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo ông Phớc, giải pháp điều chỉnh chính sách thuế là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới.

"Ngoài ra, giá xăng dầu còn chịu ảnh hưởng của yếu tố cung - cầu thị trường. Nguồn cung xăng dầu nước ta hiện nay từ 2 nguồn là nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước. Trong đó, nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước chiếm 70-75% tổng nguồn cung. Còn nguồn nhập khẩu phụ thuộc vào thế giới và tình hình chính trị", ông nói.

Do đó, để hạn chế tác động của diễn biến giá xăng dầu thế giới đối với thị trường trong nước Bộ trưởng cho rằng cần phải đảm bảo chủ động, ổn định nguồn cung xăng dầu từ khai thác, sản xuất. Theo đó, song song với các giải pháp giảm thuế thì cần thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

 Giá xăng trong nước đã tăng lên mức cao kỷ lục. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sớm giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết một số ý kiến cho rằng việc Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường chưa thật sự phù hợp với bản chất và nguyên tắc tính thuế của thuế bảo vệ môi trường. Điều này dễ tạo dư luận cho rằng Việt Nam không sẵn sàng thực hiện giảm tác động có hại đến môi trường.

"Chính phủ cần chủ động hơn trong các biện pháp điều hành giá mặt hàng này theo thẩm quyền, đặc biệt là các biện pháp điều chỉnh về thuế nhập khẩu ưu đãi đến nay vẫn chưa được thực hiện", ông nói.

Về cơ sở xác định mức độ giảm thuế, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết một số ý kiến cho rằng, tờ trình của Chính phủ chưa báo cáo, tổng kết, đánh giá đầy đủ việc thực hiện Nghị quyết 18. Theo đó, ông Cường cho rằng chưa đủ căn cứ khẳng định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp "có hiệu quả nhất".

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn.

Với tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của nhiều quốc gia trên thế giới, ông Cường cho rằng việc đề xuất giảm thuế là không thực sự thuyết phục.

"Bởi nếu thuế chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong giá bán thì việc giảm thuế có thể không thực sự tác động lớn đến việc giảm giá bán xăng dầu, không đạt được mục tiêu đặt ra trong điều chỉnh chính sách thuế song lại ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước", ông nhìn nhận.

Do đó, ông Cường đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ hơn về nội dung này. Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định để ban hành và kịp thời đưa vào áp dụng trước khi tiếp tục trình Quốc hội các đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như dự kiến.

Tác giả: Thanh Thương

Nguồn tin: zingnews.vn