Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghề lạ ở Việt Nam: Kiếm tiền triệu/ngày nhờ "săn" trứng của loài bé tí, thứ thu được là đặc sản nổi tiếng

Người làm nghề săn trứng kiến có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày. Đây là món ăn đặc sản nổi tiếng được bán trên thị trường với giá khoảng 300.000 đồng/kg.

Tại một số tỉnh phía Bắc như Tây Bắc, Bắc Giang, Thanh Hóa… có một nghề vô cùng độc - lạ, đó là nghề săn trứng kiến.

Theo đó, ở những rừng cây keo tràm, có một loại kiến ngựa (kiến vàng) tìm đến đóng tổ và đẻ trứng. Loại trứng kiến này có màu trắng đục, to bằng hạt gạo, mùi vị rất béo ngậy và thơm, có thể chế biến thành món ăn đa dạng như rang sả, nấu cháo, cuốn lá lốt, xào, làm nhân bánh, đồ xôi, quấn lá cây sau ăn như gỏi, nấu cháo, ăn cùng bánh đa, trộn lẫn trứng gà hoặc thịt băm để rán… Trứng kiến từ lâu đã trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng thưởng thức. Cùng với đó, nghề "săn" trứng kiến cũng trở nên phổ biến hơn.

 

 Theo chân người thợ săn trứng kiến đi làm. Nghề săn trứng kiến vất vả nhưng thu nhập cao

Tìm đến ông Phan Hữu Linh - một người thợ hành nghề này hơn 10 năm nay, ông Linh cho biết tháng 3 hàng năm là mùa thu hoạch trứng kiến của người dân các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa như Cầm Thuỷ, Ngọc Lặc, Quan Hoá, Thọ Xuân, Lang Chánh - nơi ông Linh và gia đình sinh sống. Việc lấy trứng kiến mang lại thu nhập tương đối khá cho bà con nơi đây nhưng cũng đầy gian nan, kỳ công.

Theo chân ông Linh vào rừng keo tràm săn trứng kiến, có thể thấy “đồ nghề” vô cùng đơn giản: Sào tre dài chừng 6m, phía trên vót nhọn, gắn bao tải, chiếc thang tre và con dao sắc để đi tìm tổ kiến dưới các rặng cây trong vùng. "Kiến bò rất nhanh nên phải làm gọn gàng. Nếu chậm chạp sẽ bị kiến đốt sưng khắp người", ông Linh chia sẻ.

 

 Tổ kiến ngựa và thành quả thu được

Kiến thường làm tổ ở cành cây cao nhất, vị trí khó tiếp cận bằng thang nên người thợ phải leo trèo, nhích dần từng bước chân đến tổ kiến. Nếu tổ kiến ở trên cao thì dựng chéo cây sào với tổ kiến rồi đưa vào chọc thủng nơi kiến ở, nhằm tránh kiến rơi trúng người, sau đó lắc mạnh cho trứng rơi vào bao. Chọc xong tổ, thợ săn dùng bột năng bỏ vào bao tải để đuổi kiến đi, đồng thời giữ những con non nằm lại.

Chia sẻ với phóng viên, ông Linh cho biết hôm nào trời nắng đẹp, không gắt thì rất thích hợp cho việc đi săn trứng kiến. Bởi khi hạ tổ kiến xuống gặp nắng to, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài, khi đó chỉ còn lại những hạt trứng trắng muốt như gạo, còn nếu như gặp hôm trời mưa kiến cứ nằm lì bên trong tổ khó mà lấy trứng ra được. Mùa đẹp nhất trong năm để đi săn tổ kiến là tháng 3 hằng năm, các tháng còn lại cũng có trứng kiến nhưng chất lượng sẽ không sánh bằng.

Ông chia sẻ: "Tổ nào to, lá xanh, cành cây sà xuống thì nhiều trứng, còn tổ nào lá khô ít trứng, bình quân mỗi tổ chỉ được khoảng vài chục gram trứng kiến". Theo kinh nghiệm của ông, không phải loài kiến nào cũng có thể lấy trứng mà phải là loại kiến vàng ươm, hoặc kiến nâu thì trứng mới thơm và ngậy. Còn trứng kiến đen mùi rất hôi, giống này còn rất lì lợm, gõ vào tổ tha hồ mà chúng không chịu chui ra.

 

 Công đoạn sàng mẹt và thu hoạch thành phẩm trứng kiến trước khi bán ra thị trường

Tiếp đó, ông Linh phải dùng cành cây để đuổi kiến bò ra khỏi mẹt rồi sàng sảy để loại bỏ cành khô. Có thể kiến sẽ cắn, bò vào người, buộc người thợ phải bình tĩnh, im lặng tìm cách rảy kiến ra khỏi người bởi nếu la hét hay nhảy chồm lên thì kiến sẽ bu vào đốt nhiều hơn. Đối với những ai đã từng đi lấy trứng kiến thì việc bị đàn kiến hung dữ đốt là chuyện thường. Thế nhưng bù lại, thành phẩm sẽ là những mẹt trứng kiến trắng ngần, sẵn sàng chế biến ra vô số món ăn đặc sản.

Nghề săn trứng kiến có thể giúp kiếm thêm tiền triệu mỗi tháng, nên nhiều năm nay ông Linh lần lượt "truyền nghề" cho nhiều thế hệ. Thời điểm tháng 2 và 3 âm lịch, kiến sinh sản nhiều, mỗi ngày lấy được 5-6 kg, các tháng còn lại ít hơn. Giá trứng kiến khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg, chủ yếu là đổ mối tại các nhà hàng đặc sản. Thông thường trứng kiến được các nhà hàng, thương buôn đặt mua ngay từ cửa rừng để đảm bảo chất lượng nguồn hàng. Theo ông Linh, sản phẩm có nơi tiêu thụ thuận lợi nên mang lại thu nhập đáng kể cho một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Nếu chăm chỉ, một ngày lội rừng có thể kiếm hàng vài kg trứng kiến/ngày, thu nhập lên tới tiền triệu.

 

 

 Nhiều món ngon từ trứng kiến.

Tuy nhiên, thời vụ lấy trứng kiến quá ngắn, dài nhất chỉ khoảng hai tháng, nên dù có nhu cầu lớn nhưng cung lại không đủ cầu. Trong khi đó tại các nhà hàng đặc sản trong khu vực, lượng khách có nhu cầu thưởng thức các món ăn từ trứng kiến hoặc mua làm quà tặng ngày càng nhiều hơn do “tiếng lành đồn xa”. Nhiều nhà hàng trong khu vực Tây Bắc phục vụ các món trứng kiến, nhất là những món truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc trong vùng còn nổi tiếng khắp cả nước và với cả du khách quốc tế.

Tác giả: HÀ ANH

Nguồn tin: phununews.nguoiduatin.vn