Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao cả nhà 4 người tử vong trong phòng trọ ở TP Thủ Đức?

Từ những thông tin ban đầu, chuyên gia đã phân tích, nhận định về một số khả năng có thể xảy ra làm cho 4 nạn nhân tử vong trong phòng trọ ở TP Thủ Đức, TPHCM.

 Hiện trường vụ việc (Ảnh: A.X.).

Ngày 23/5, Công an TP Thủ Đức vẫn đang phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM điều tra nguyên nhân vụ cả nhà 4 người tử vong trong phòng trọ xôn xao dư luận những ngày qua.

Cả nhà tử vong bất thường

Theo điều tra ban đầu, khoảng 6h ngày 18/5, một người dân (ở trọ hẻm 25, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) ngủ dậy phát hiện phòng trọ kế bên của gia đình ông Lương Anh Kiệt (45 tuổi) vẫn chưa mở cửa, nên đi qua kêu nhiều lần mà không ai trả lời.

Nghi chuyện chẳng lành, người này gọi thêm người xung quanh đến phá cửa vào thì phát hiện hai vợ chồng ông Kiệt và hai đứa con nằm bất tỉnh. Sau đó những nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện TP Thủ Đức.

Khi đến bệnh viện, cả 4 người đều trong tình trạng ngưng tim, bác sĩ tiến hành các biện pháp cấp cứu nhưng vợ chồng ông Kiệt và con trai (15 tuổi) không qua khỏi. Qua kiểm tra, 3 người tử vong có môi và da dẻ còn hồng như đang ngủ bình thường, nguyên nhân ghi nhận do phù phổi cấp.

 Bệnh viện TP Thủ Đức, nơi cấp cứu ban đầu cho các nạn nhân (Ảnh: Hoàng Lê).

Riêng cô con gái (23 tuổi) trong tình trạng nguy kịch, tiếp tục chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 18/5. Tại đây, nữ bệnh nhân được đưa vào khoa cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, sinh hiệu không ổn định, huyết áp tụt, phải dùng thuốc vận mạch. Sau khi ê-kíp trực sơ cứu, bệnh nhân được chuyển lên khoa bệnh nhiệt đới.

Sau khi xét nghiệm, nữ bệnh nhân được xác định tổn thương não, phù não lan tỏa, tổn thương gan nặng, suy thận cấp, có tình trạng hủy cơ và toan chuyển hóa nặng. Chẩn đoán chung là tình trạng hôn mê, thiếu oxy não, tổn thương đa tạng mức độ nặng và trụy tim mạch. Đến chiều 19/5, bệnh nhân tử vong.

Những dấu vết hiện trường

Ngay khi nhận tin báo, sáng 18/5, Công an TP Thủ Đức phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM có mặt khám nghiệm hiện trường, tử thi, ghi nhận lời khai xung quanh, khẩn trương điều tra làm rõ.

Qua công tác nắm tình hình, được biết gia đình ông Kiệt có hộ khẩu thường trú ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Khoảng 6 năm trước, gia đình rời quê vào thuê phòng trọ ở phường Hiệp Bình Phước, tạm trú sinh sống đến nay.

Khoảng thời gian này, gia đình ông Kiệt chủ yếu làm nghề bán cá hấp, chung sống thuận hòa. Trong quan hệ hàng xóm, cũng không nghe thấy xảy ra mâu thuẫn với những người xung quanh.

 Căn phòng trọ xảy ra vụ việc thương tâm (Ảnh: A.X.).

Thời điểm kiểm tra hiện trường, ghi nhận phòng trọ có diện tích khoảng 9-10m2 (một gác, một lửng), vị trí phòng nằm ở cuối dãy của 6 phòng trọ liền kề, lối đi chung nhỏ hẹp. Phía trước phòng có một bếp than dùng để nấu cá hấp đem bán (đã tắt, không có dấu hiệu đang nấu), phía trên bếp được che bằng tấm bạt nhựa.

Tiếp cận nạn nhân, kiểm tra sơ bộ ban đầu, bên ngoài cơ thể của 4 người không có tổn thương nào do ngoại lực tác động. Bên trong không gian phòng trọ chật hẹp vẫn còn mùi, máy lạnh trong tình trạng mở, đồ dùng sinh hoạt cơ bản không thay đổi vị trí…

Hé lộ nguyên nhân

Từ dữ liệu thông tin ban đầu của báo chí, cơ quan chức năng, ThS.BS Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, đã có những phân tích, nhận định về một số khả năng có thể xảy ra khiến các nạn nhân tử vong.

Thứ nhất, nhu cầu tối thiểu của 4 người cần 60m3 không khí để hít thở (nhu cầu tối thiểu cho một người bình thường hít thở là 15m3 không khí trong 24 giờ thì mới không bị ngạt). Như vậy, không gian phòng trọ khoảng 9-10m2, được che kín mở máy lạnh (hoạt động cơ bản lấy không khí trong phòng để làm lạnh và thổi ra lại). Không gian này ước tính khoảng 30m3 không khí, sẽ bị ngột ngạt thiếu oxy, thậm chí có thể ngạt thở, nguy hiểm tính mạng.

Thứ hai, gia đình nạn nhân làm nghề bán cá hấp nhiều năm, chỗ hấp cá thường thấy ngoài hành lang trước cửa phòng trọ. Từ đó, khả năng dự trữ cá biển trong nhà để bán là có, và sẽ có hiện tượng cá ươn thối sình mà không biết (từ ruột cá, vảy cá, thịt cá). Những loại thịt cá này hay xác động vật nói chung, khi ươn thối sình sẽ cho ra mùi thối tanh khó chịu, mùi thối này sinh ra hydrogen sulfur (H2S), là hơi độc chết người khi hít phải lượng nhiều. Trong trường hợp có nấu, hấp cá đã ươn thì khí H2S sẽ bốc hơi ra càng nhiều.

 Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi tiếp nhận điều trị cho nạn nhân cuối cùng (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ ba, giả sử trường hợp có ai đó trong nhà thức dậy sớm bật bếp gas. Khi bếp gas có lửa cháy sẽ tiêu thụ oxy nhiều hơn do đốt cháy khí gas là propane là hydrocarbon (khí không độc, không mùi). Nhiều khí gas trong phòng sẽ chiếm thể tích không gian làm giảm oxy trong phòng sẽ càng dễ bị ngạt do thiếu oxy nhiều hơn.

Thứ tư, dư luận nghi ngờ ngộ độc khí CO nhưng khí này không có mùi và hiện trường cho thấy không có nguồn than củi cháy sinh ra khí CO, nên giả thuyết này xem ra không phù hợp, thuyết phục.

Nếu tại hiện trường có mùi khó chịu, thì phải có khí độc khác làm nạn nhân chết nhanh, không chống cự và chết hàng loạt, đó chính là khí H2S. Ngoài ra, những biểu hiện của các nạn nhân phù hợp hơn với nguồn độc khí H2S gây ra vì khí này làm ức chế hô hấp tế bào...

 

Ngộ độc khí và cách phòng tránh

Theo ThS.BS Doãn Uyên Vy, đã từng có nhiều trường hợp xảy ra các tình huống chết hàng loạt, khi con người đi vào hầm chứa cá của tàu đánh cá, vệ sinh hầm chứa nước thải của cơ sở sản xuất nước mắm làm từ cá, xuống cống nạo vét hay đổ axit mạnh xuống cống, đi xuống hầm biogas. Đó là đặc điểm của tình huống ngộ độc khí độc H2S.

Khi nạn nhân tử vong một cách đột ngột trong phòng kín thiếu oxy thì nguyên nhân tử vong là do ngạt thiếu oxy hoặc vì có hơi độc, khí độc. Hơi độc ức chế hô hấp tế bào sẽ gây trụy tim mạch, ngưng tim, ngưng thở nhanh chóng. Ngoài H2S, còn có những khí độc khác gây ức chế hô hấp tế bào như khí hydrogen cyanide (HCN), khí arsine (AsH3), khí borane (BH3)...

Nhằm phòng tránh các nguy cơ ngộ độc khí, bác sĩ khuyến cáo người dân không được đổ xác cá, tôm, cua xuống cống rãnh, toilet, không được đổ các axit mạnh xuống cống hay toilet lượng nhiều, vì sẽ làm xác chết động vật ở dưới cống sinh ra khí H2S nhiều và bốc hơi lên mạnh.

Đồng thời, không được đun nấu tôm, cua, cá bị ươn trong phòng kín có xài máy lạnh và chật hẹp, khiến cho khí H2S bốc ra từ cá ươn tích tụ trong phòng kín máy lạnh.

 

Tác giả: Hoàng Lê

Nguồn tin: Báo Dân trí