Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An cần hơn 2.000 tỷ đồng cho giảm nghèo bền vững

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2021-2025, tỉnh này cần tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh đông dân số thứ 4 cả nước sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 1-1,5%/năm, trong đó vùng miền núi 2-3%/năm.

 Mô hình trang trại của anh Vy Văn Thoong tại xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn.

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3,0%; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm từ 4-5%; phấn đấu đến cuối năm 2025 có từ 1-2 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo.

Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm: Đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, hạ tầng điện, công trình thủy lợi; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15-20 mô hình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp...

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần gồm: Dự án "Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo" có 2 tiểu dự án (hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; triển khai đề án hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025). Hai tiểu dự án này do Sở LĐ-TB&XH Nghệ An chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện.

 Mô hình phát triển rừng keo song song với nuôi bò tại huyện Con Cuông, Nghệ An.

Tiếp đến là các dự án như: "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo"; "Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng" (có 2 tiểu dự án); "Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững" (có 3 tiểu dự án); "Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo do Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện; "Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (có 2 tiểu dự án) và dự án "Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình" (có 2 tiểu dự án).

Dự kiến nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng hơn 1.700 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng hơn 170 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác hơn 97 tỷ đồng.

"Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quá trình thực hiện cần phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo", lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Nguyên tắc thực hiện chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm công khai, dân chủ. Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân.

Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Các cấp, các ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện.

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí