Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyên gia 'mách nước' phòng, trị tận 'gốc' bạo lực học đường

Theo các chuyên gia, nhà trường, gia đình và xã hội cùng chung tay để phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ), trong đó cần nhấn mạnh phòng hơn chống.

 Ảnh minh hoạ/internet

Biểu hiện của bạo lực học đường

Là người quan tâm và có nhiều nghiên cứu về bạo lực học đường ở các lứa tuổi từ bậc mầm non cho đến THPT, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – nguyên Chủ nhiệm khoa Giáo dục, Trưởng phòng sau đại học (Học viện Quản lý giáo dục) – viện dẫn, thống kê năm 2018 của Bộ Công an, có hơn 2.000 vụ BLHĐ, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong nhà trường. Con số này chưa có dấu hiệu thuyên giảm cho tới nay.

“Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rằng, trong những năm gần đây số vụ bạo lực học đường ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp; đặc biệt số vụ bạo lực của học sinh nữ ngày càng tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em” - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng chia sẻ, đồng thời cho hay:

Bạo lực học đường có thể biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như: Gây hấn, đánh nhau, miệt thị, hành hung. Tất cả các biểu hiện này đều làm tổn thương về thể chất và tinh thần của các em; làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, hoạt động học tập và phát triển nhân cách. “Các nhà giáo dục cần có kỹ năng để nhận biết, phòng ngừa và giải quyết các vụ bạo lực học đường ở học sinh” - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nói.

TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) – nhấn mạnh: Việc trừng phạt, bạo hành trẻ em là hành vi bị cấm theo luật. Về nguyên lý giáo dục, trừng phạt, bạo hành sẽ không mang lại giá trị tích cực, thậm chí để lại hậu quả tiêu cực. Một đứa trẻ sẽ chỉ phát triển bình thường nếu cảm nhận được sự tôn trọng, tình yêu thương và được tự do trong môi trường giáo dục của mình.

Trừng phạt, bạo hành có thể gây hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần, tạo sự thay đổi không bền vững (sự thay đổi giả tạo) về nhận thức, thái độ và hành vi. Bạo hành, bạo lực có thể tạo ra vòng luẩn quẩn: bạo lực nối tiếp bạo lực ở các thế hệ sau.

 Cần giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống cho học sinh. Ảnh minh hoạ/Internet

Không chỉ tập trung cắt hành vi…

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để “phòng và trị tận gốc” bạo lực học đường thì giáo dục không chỉ hướng đến kỹ năng sống (gồm các kỹ năng như: ứng phó bạo lực học đường, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giao tiếp học đường), bởi những kỹ năng này chỉ là ngọn.

“Nếu giáo dục chỉ tập trung cắt hành vi thì tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra. Vậy giáo dục tập trung vào gốc là ở đâu? Theo tôi đó là giáo dục thật tốt các giá trị sống” - TS Nguyễn Thị Thanh Nga nêu quan điểm, đồng viện dẫn: UNESCO đưa ra 12 giá trị sống như sau: Hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, trách nhiệm, hạnh phúc, giản dị, tự do, đoàn kết.

Đây là những giá trị sống nhất thiết phải được đưa vào giáo dục cùng với các kỹ năng sống. Những nội dung giá trị sống này cần được đưa vào, “cài cắm” vào tất cả các nội dung môn học. Tránh giáo dục một cách giáo điều, hình thức và “tẻ nhạt”, hô khẩu hiệu… Làm được như vậy, sẽ xây dựng cho các em có “cái gốc” để tránh xa bạo lực học đường.

Nhấn mạnh, một trong những giải pháp để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường là tăng cường hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường; PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – cho rằng, việc này sẽ giúp các em bước đầu giải quyết những mâu thuẫn, phòng tránh nảy sinh các xung đột. Tuy nhiên, phòng chống bạo lực học đường - trách nhiệm không chỉ của nhà trường, mà còn là của gia đình và toàn xã hội. Đối với nhà trường, cần sự chủ động, tích cực từ lãnh đạo, đến giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp.

“Giáo viên chủ nhiệm là nhân lõi của vấn đề. Bởi giáo viên chủ nhiệm sẽ thay cha mẹ, điều hành và quán xuyến học sinh khi ở trường. Vì thế giáo viên chủ nhiệm cần được trang bị kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề. Đồng thời, cần xây dựng mạng lưới thông tin viên để kịp thời nắm bắt những biểu hiện của bạo lực học đường và kịp thời ngăn chặn”- PGS Trần Thị Minh Hằng trao đổi.

Cho rằng, bạo lực học đường thường xảy ra ở lứa tuổi HS từ 11 đến 18 tuổi; PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Khoa Các khoa học GD (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) – cho rằng: việc đầu tiên là hóa giải cảm xúc, những xung năng tiêu cực của các em. Cái này không khó, bởi hiện nay GD đã và đang chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Theo PGS Phạm Mạnh Hà, để giải tỏa những xung năng tiêu cực, trước mắt cần dạy tốt 2 môn: Thể dục và Giáo dục công dân. Hai môn này dễ làm nhất và nhà trường hoàn toàn có thể chủ động việc dạy – học. Ngoài ra, trong giờ Chào cờ, các trường cũng cần thay đổi nội dung và hình thức, có thể lồng ghép những câu chuyện có thật để chuyển hóa cảm xúc cho học sinh.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, phụ huynh có thể nhận biết bạo lực học đường ở con thông qua một số dấu hiệu bất thường như:

- Con tỏ ra rụt rè, sợ sệt trong quan hệ giao tiếp với mọi người, đặc biệt là với người lạ.

- Con rất hay nói về một bạn với thái độ bực tức, ghét bỏ.

- Lực học của con tự nhiên giảm sút, con không tập trung chú ý và không thích đi học.

Có thể ở con đồng thời diễn ra các biểu hiện như trên nhưng cũng có thể diễn ra một trong những biểu hiện trên. Vì vậy, phụ huynh cần phải thường xuyên có những cảm nhận nhanh nhậy, tránh tình trạng các biểu hiện này diễn ra lâu, làm con bạn đã thay đổi hẳn trạng thái tâm lý thì việc can thiệp của các nhà tư vấn tâm lý sẽ khó khăn hơn.

Tác giả: Minh Phong

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn