Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xưa nhà nghèo ăn thứ rau dại này "cứu đói", nay thành đặc sản hảo hạng bao nhiêu cũng hết

Sầu đâu là một loài cây được trồng phổ biến ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Khi xưa, đây là thứ rau dại có mặt trong bữa cơm người nghèo, nay thành đặc sản bán với giá 60.000 đồng/kg.

Vào mùa nước nổi, đọt sầu đâu - một loại rau đặc sản được bày bán ở khắp nơi, nhiều nhất là tại chợ Châu Đốc và chợ Tịnh Biên (An Giang). Cây sầu đâu mọc tự nhiên hoặc được trồng khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng nhiều nhất là ở An Giang, Kiên Giang. Theo một số tài liệu ghi chép lại, sầu đâu có xuất xứ từ Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và tại các khu vực nhiệt đới và bán nhiệt đới.

Cây sầu đâu còn có các tên gọi khác là sầu đông, xoan sầu đâu, xoan ăn gỏi, xoan trắng, xoan chịu hạn, xoan Ấn Độ. Cây thân cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng, lớn nhanh, có thể đạt chiều cao từ 15-19m. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn và thơm. Hằng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng Giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Cây tỏa rộng, có tán rậm, được trồng ở quanh nhà để che bóng mát.

 

 Cây sầu đâu mọc tự nhiên hoặc được trồng khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long

Trước đây, loại rau này xuất hiện trường xuyên trong bữa cơm nghèo khó, được coi là món rau "cứu đói" của người dân nơi đây.

Lá và bông sầu đâu thường được làm rau ăn sống hoặc trộn gỏi ăn kèm cá kho, thịt kho, mắm chưng trong bữa cơm hàng ngày. Nổi tiếng nhất là món gỏi sầu đâu trộn với tôm, thịt, khô cá lóc, cá sặc rằn, hoặc trộn với khô cá tra phồng, cá dứa... Gỏi sầu đâu mới ăn thường cảm thấy đắng, nhưng sau đó sẽ phát ghiền với cái vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hương thơm đọng lại trong khoang miệng.

Chị Kim Cúc (Tân Châu, An Giang) vừa xởi lởi đưa tay trộn gỏi, vừa kể: “Làm gỏi thì chọn những tược non đang đơm bông, lặt lá, bông để trộn với khô nướng xé từng miếng nhỏ để nguội. Trộn thêm dưa leo và cà chua cắt mỏng để… làm duyên. Bí quyết món gỏi này là trộn với nước me chua thêm chút đường, nước mắm và ớt sao cho hội đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng, bùi mới đạt. Nước chấm phải là nước mắm me đậm đặc, cay, chua nhưng vừa ăn để làm đậm thêm vị”.

 

 Gỏi sầu đâu khô cá sặc là đặc sản nổi tiếng ở vùng đất nơi đây

Khách từ phương xa đến An Giang mà chưa nếm món gỏi sầu đâu, khi quay về chắc chắn sẽ nuối tiếc. “Đây là lần thứ 3 em thưởng thức món gỏi sầu đâu ở An Giang. Em rất thích vị đắng nhưng có hậu ngọt của sầu đâu, không có món gỏi nào độc đáo như vậy”, bạn Minh Vy (quận 3, Tp. HCM) cho biết.

Hiện nay, sầu đâu là món ngon không thể thiếu trong thực đơn của các gia đình, quán ăn, nhà hàng từ nông thôn đến thành thị. Không khó để tìm thấy các món ăn từ lá sầu đâu tại các nhà hàng dân dã đến sang trọng. Trên thị trường, lá sầu đâu cũng được bán phổ biến. Theo khảo sát, lá sầu đâu tươi có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Tìm đến một người thương lái thường bán lá sầu đâu trên các chợ mạng, chị Hoa (37 tuổi) cho biết: “Mình thường nhờ người nhà hái lá sầu đâu An Giang rồi gửi xe lên, bán hết trong ngày theo đúng số lượng đơn đã nhận trước đó. Trung bình một ngày có thể bán từ 7 - 10kg lá sầu đâu tại các chợ chung cư, chợ mạng. Đa phần khách quen, ăn loại rau vừa sạch vừa tự nhiên lại tốt cho sức khỏe thành thói quen”.

 Sầu đâu được bày bán rộng rãi trên thị trường.

Cây sầu đâu còn là vị thuốc trong đông y thường được dùng chữa sốt, cảm, chống viêm, chữa những bệnh về da, nhức mỏi... Riêng về lĩnh vực y học phương Tây, tác dụng kỳ diệu của lá sầu đâu đã được người Ấn Độ ứng dụng từ xa xưa để làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa sốt rét.

 Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn