Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cán bộ ngành Y tế có “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”?

Trong sách giáo khoa Nho học thời phong kiến có bài học về “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Theo Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam giải thích: “Thượng là trên, hạ là dưới; bất chính là không ngay thẳng; còn tắc loạn là gây ra lộn xộn, nhũng nhiễu. Người trên mà làm bậy thì cấp dưới không thể nghiêm chỉnh được”. Thành ngữ lại có câu “Dột từ nóc dột xuống”. Ca dao cũng so sánh “Bởi trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”.

 Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An (ảnh: TL).

Ngày xưa, triều đình mà liêm chính thì xã tắc bình yên, gia phong nền nếp thì thuận hòa, thịnh vượng…

Ngày nay, trong một cơ quan, đơn vị, địa phương, cấp trên - nhất là người đứng đầu - mà không gương mẫu, không liêm khiết, thiếu đạo đức, độc đoán, cửa quyền, quan liêu dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, mất dân chủ dẫn đến tình trạng “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…” như rất nhiều vụ án hình sự đã diễn ra.

Thực trạng đó, có thể soi vào ngành Y tế trong khoảng một thập kỷ qua mà nhân dân ta đều biết rõ. Mặc dù, Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng nhấn mạnh, đường lối về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”. Đảng, Nhà nước cũng có nhiều chủ trương, chính sách, ban hành nhiều quy định về quản lý, giáo dục cán bộ như Quy định những việc đảng viên không được làm…; Vậy mà “một bộ phận không nhỏ” công chức, viên chức (hầu như 100% là đảng viên) vi phạm pháp luật phải bị kỷ luật của Đảng, bị xử lý hành chính và pháp luật, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp.

Tiêu cực trong ngành Y tế đã diễn ra nhiều năm, mấy nhiệm kỳ chứ không phải chỉ hôm nay. Nó như căn bệnh trầm kha, một thứ “bệnh nền” dạng ung thư âm ỉ, đến mức nguy cơ “di căn toàn thân”, cần được “kê đơn”, “bốc thuốc”.

“Thượng” trong ngành Y tế là Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng, các Thứ trưởng và hàng loạt cán bộ tham mưa ở cấp cục, cấp vụ… Bộ máy “thượng” này đang như thế nào?

Ngày 19/11/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo “Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Y tế” do “buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Chỉ riêng liên quan vụ án Công ty VN Pharma buôn, bán thuốc giả (H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn hiệu Công ty Health 2000 Canada) chữa ung thư và một số tiêu cực khác, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu bị cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Cùng theo đó, một số cấp phó (Thứ trưởng) bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý bằng pháp luật: Ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý dược bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị khởi tố bị can. Nguyên Thứ trưởng Cao Minh Quang bị cách hết tất cả các chức vụ; Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bị khiển trách. Ngoài ra, vụ việc này có tới 14 người bị khởi tố, trong đó một số là cán bộ cấp cục, cấp vụ thuộc Bộ Y tế: Nguyễn Thế Thịnh, Vũ Tuấn Cường, Nguyễn Trí Dũng, Nguyễn Việt Hùng, Lê Đình Thanh, một số khác ở cơ quan và doanh nghiệp thuộc ngành như Phạm Hồng Châu, Phạm Anh Kiệt, Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc, Phan Cẩm Lan, Lê Thị Vũ Phương, Phạm Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Quyết đã bị TAND các cấp xét xử, phán quyết hình phạt.

Vụ án trọng điểm Công ty VN Pharma buôn bán thuốc giả gây nhức nhối chưa nguôi ngoai trong tâm trí người dân, thế rồi 2 năm qua khi cả nước lao đao, người dân khốn khổ trong cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 thì ngành Y tế phát lộ nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, 5 bệnh viện tuyến huyện tỉnh Hà Tĩnh. Ở các cơ sở này, người đứng đầu đều là những trí thức (Bác sỹ, Giáo sư, Tiến sỹ), giỏi chuyên môn, từng có uy tín được người bệnh kính trọng. Ông Nguyễn Quốc Anh (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, sang làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) từng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động bị khởi tố bị can. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội câu kết với Nguyễn Trần Duy, Giám đốc Công ty đấu giá Nhân Thành để gian lận, hợp thức toàn bộ quy trình, thủ tục thẩm định, chỉ định gói thầu số 15 nâng giá từ 4,1 tỷ đồng lên 9,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách 5,4 tỷ đồng đã phải chịu mức án 10 năm tù giam. Các vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội còn đang trong quá trình điều tra những hành vi phạm tội bởi người đứng đầu thông đồng với doanh nghiệp BMS cung cấp thiết bị, đơn vị thẩm định thổi giá Robot Rosa sử dụng trong phẫu thuật từ 7,4 tỷ đồng lên hơn 39 tỷ đồng. Mặt khác, những người quyết định và thực hiện “dự án” liên kết, hợp tác tai hại này ăn chặn của bệnh nhân 16,5 - 18 triệu đồng mỗi ca mổ sọ não, tim (thực tế mỗi ca chỉ 4 - 5 triệu đồng nhưng thu 23 triệu đồng/ca). Vụ việc kéo dài, thu lợi bất chính trên sự nghèo khó của hàng nghìn người bệnh.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, 5 bệnh viện đa khoa tuyến huyện: Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Thạch Hà, được UBND tỉnh trích ngân sách cấp cho mỗi bệnh viện 3 tỷ đồng, riêng Nghi Xuân 2,6 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế. Các bệnh viện đặt mua máy giặt công suất 35kg, máy sấy công suất 45kg. Người đứng đầu 5 bệnh viện này bị cuốn vào “vòng xoáy”, bị lôi kéo bởi Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh Mai Thị Hoa dùng chứng thư thẩm định giá do Công ty TNHH Toàn Cầu phát hành làm căn cứ lập tờ trình mua sắm, đề xuất nhà thầu, tổng mức đầu tư. Đơn vị trúng thầu lại chính doanh nghiệp Mai Thị Hoa làm Giám đốc. Một máy giặt, máy sấy nhãn hiệu Clantech Hàn Quốc giá chỉ 500 - 600 triệu đồng nhưng thổi giá lên 3 tỷ đồng như các bệnh viện huyện Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Thạch Hà; ở Nghi Xuân là 2,6 tỷ đồng. Vì thế, cơ quan Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can một số cán bộ các bệnh viện, doanh nghiệp liên quan gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn” trong ngành Y tế “nổi cộm” đến đỉnh điểm khi cơ quan điều tra C03 (Bộ Công an) triệt phá một đường đây vi phạm pháp luật vô cùng nghiêm trọng trong sản xuất, kinh doanh, đấu thầu bộ thiết bị y tế chẩn đoán vi-rút SASR-CoV-2 thổi giá kit test, hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á liên quan đến CDC 62 tỉnh, thành phố, nhiều bệnh viện ở Trung ương, địa phương. Trong 2 ngày 17 và 31/12/2021, C03 đã khởi tố 19 bị can thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và CDC Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương.

Công ty Việt Á là doanh nghiệp tư nhân, đầu năm 2020 được kết hợp với Học viện Quân y “nghiên cứu” sinh phẩm chẩn đoán phát hiện SAR-CoV-2. Sau thời gian rất ngắn, ngày 3/3/2021 được Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia thông qua chóng vánh, nhất trí đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Ngày hôm sau (4/3/2021), Bộ Y tế có ngay Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm, cấp đăng ký lưu hành, cho phép Công ty Việt Á chính thức sản xuất bộ kít xét nghiệm ở quy mô lớn.

Tại các nước phát triển, một đề tài y học như thế ít nhất mất 36 tháng nhưng công trình của Học viện Quân y và Công ty Việt Á chỉ hơn 1 tháng (nghiên cứu cái thế giới đã làm) số tiền chi tới 19 tỷ đồng, gấp 2 - 4 lần so với nước ngoài thực hiện. Thế rồi, sự “đồng bộ” không thể tưởng tượng nổi là Bộ Khoa học và Công nghệ công khai ngay trên Cổng thông tin điện tử “WHO đã chấp thuận kít xét nghiệm của Công ty Việt Á”. Bộ Y tế sốt sắng quảng bá, thông báo cho các Sở Y tế, các bệnh viện, viện trực thuộc cập nhật danh sách sinh phẩm, giấy phép, khả năng cung ứng và công bố giá bán kít xét nghiệm này. Bộ Y tế giới thiệu bộ kít xét nghiệm Việt Á ở vị trí số 1, giá 470.000 đồng/ bộ với khả năng cung ứng 3 triệu kít/tháng. Trong khi đó, trụ sở Công ty Việt Á đăng ký ở 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là nơi treo biển, cả chục năm không có nhân viên làm việc. Còn “cơ sở sản xuất” đặt tại số 1/9A Quốc lộ 1A Bình Đường 2, Dĩ An, tỉnh Bình Dương chỉ rộng hơn 10m2, có mươi người lao động với vài tủ cấp đông, cỗ máy cũ kỹ. Vậy mà, trong gần 2 năm, từ một doanh nghiệp nhỏ bé, doanh thu vài trăm triệu đồng, có năm thua lỗ bỗng trở thành doanh nghiệp “hàng đầu” trong nước sản xuất, cung ứng kít xét nghiệm Covid-19 cho 62/63 tỉnh, thành phố, doanh thu 4.000 tỷ đồng.

Lợi dụng tình thế cấp bách trong phòng, chống dịch, các địa phương cần xét nghiệm diện rộng, được cơ quan chức năng “bật đèn xanh”, hầu hết áp dụng phương thức “chỉ định thầu rút gọn”. Theo đó, Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo nhiều đơn vị, cung ứng trước sinh phẩm, sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, Công ty con Việt Á) lập hồ sơ chào hàng, xác nhận khống các báo giá để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng thanh quyết toán, chuyển tiền theo giá do Việt Á tự đặt (470.000 đồng đến 509.250 đồng/kít) phù hợp với chủ trương của Bộ Y tế cho phép doanh nghiệp tự quy định giá các loại sinh phẩm. Sau khi ký hợp đồng, chuyển tiền về, Việt Á chi “hoa hồng” chủ yếu cho người có quyền quyết định, ký hợp đồng. Chỉ riêng CDC Hải Dương với 5 hợp đồng trị giá 151 tỷ đồng, Giám đốc Phạm Duy Tuyến đã được Việt Á “lót tay” gần 30 tỷ đồng (20%).

Sau khi xác minh vụ việc tại CDC Hải Dương, C03 tiến hành khẩn cấp việc khám xét tại 16 địa điểm thuộc 8 tỉnh: Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An, triệu tập hơn 30 người liên quan lấy lời khai. Ngày 31/12 khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố 9 bị can ở 2 tỉnh Nghệ An và Bình Dương, trong đó có 2 Giám đốc CDC: Nguyễn Văn Định (Nghệ An), Nguyễn Thành Danh (Bình Dương). Đồng thời, khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế); Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đây là vụ tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, bởi nó diễn ra vào thời điểm cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống đại dịch; các doanh nghiệp và hàng chục triệu người dân gom góp từng tin nhắn ủng hộ các địa phương trong hoạn nạn thì rất nhiều cán bộ ngành Y tế lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, thổi giá kít xét nghiệm để trục lợi. Trong 2 năm qua, chi phí cho xét nghiệm Covid-19 lớn hơn cả ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại, gấp 4 lần kinh phí mua vaccine.

Theo chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương đang tập trung xác minh, điều tra trong phạm vi cả nước theo tinh thần không có vùng cấm, xử lý triệt để, kiên quyết vụ Công ty Việt Á và những đơn vị liên quan.

Từ các vụ án trước đây và vụ Công ty Việt Á hiện nay, Bộ Y tế có nhiều sai phạm trong cấp phép nhập khẩu thuốc, sản xuất kít xét nghiệm, tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế… đều liên quan đến đội ngũ cán bộ, nhất là số cán bộ cao cấp, người đứng đầu từng trải qua một quá trình học tập, rèn luyện lại có sự quản lý, giám sát bằng pháp luật, quy chế hoạt động nhưng đã thiếu bản lĩnh chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bất chấp kỷ cương, tha hóa về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật đến mức sa ngã. Đó còn là bài học đau xót về công tác cán bộ trong việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm, nhất là cán bộ đầu ngành, cán bộ cấp chiến lược, cán bộ tham mưu...

Tác giả: Kim Quốc Hoa

Nguồn tin: Báo Xây Dựng