Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều thiết bị Wi-Fi và Bluetooth có nguy cơ bị tấn công trên toàn cầu

Theo nghiên cứu từ Đại học công nghệ Darmstadt (Đức) đã phát hiện ra rằng, hàng tỷ thiết bị Wi-Fi và Bluetooth có nguy cơ bị tấn công trên toàn cầu.

Nghiên cứu mới đã tiết lộ rằng, tin tặc có thể đánh cắp mật khẩu và thao túng lưu lượng truy cập web trên chip Wi-Fi bằng cách nhắm mục tiêu vào chuẩn kết nối Bluetooth của các thiết bị di động.

Điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động hiện đại khác hiện nay đều chứa nhiều công nghệ kết nối vô tuyến khác nhau như Bluetooth, Wi-Fi và LTE…, mỗi công nghệ vô tuyến đều có các tính năng bảo mật chuyên dụng riêng biệt. Tuy nhiên, các công nghệ này thường chia sẻ nhiều tài nguyên giống nhau như ăng-ten của thiết bị hoặc phổ tần số vô tuyến điện.

Theo một báo cáo mới từ trang web tư vấn về công nghệ Bleeping Computer cho biết, các nhà nghiên cứu từ Đại học công nghệ Darmstadt (Đức) đã phát hiện ra rằng, tin tặc có thể sử dụng các tài nguyên được chia sẻ như ăng-ten và phổ tần số vô tuyến điện làm cầu nối để phát động các cuộc tấn công vào hệ thống chip trong thiết bị.

 Nhiều thiết bị Wi-Fi bị tấn công toàn cầu. Ảnh minh họa 

Để khai thác những lỗ hổng này, trước tiên, các nhà nghiên cứu cần thực hiện thực thi mã trên chip Bluetooth hoặc Wi-Fi. Sau khi điều này được thực hiện, họ có thể thực hiện các cuộc tấn công bên trên các chip khác của thiết bị bằng cách sử dụng tài nguyên bộ nhớ được chia sẻ.

Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 9 lỗ hổng bảo mật khác nhau và trong khi một số lỗ hổng có thể được sửa bằng bản cập nhật firmware thì những lỗ hổng khác chỉ có thể được sửa bằng một bản sửa đổi phần cứng mới, điều này khiến hàng tỷ thiết bị hiện có có nguy cơ bị tấn công tiềm ẩn.

Trong quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã xem xét các chip được sản xuất từ Broadcom, Silicon Labs và Cypress mà hiện đang có mặt trong hàng tỷ thiết bị. Sau khi họ báo cáo các lỗ hổng cho các nhà cung cấp chip này, một số đã phát hành các bản cập nhật bảo mật để giải quyết chúng. Tuy nhiên, một số chưa giải quyết được vì chúng ảnh hưởng đến các sản phẩm không còn được hỗ trợ như điện thoại Nexus 5 và iPhone 6.

Để tránh trở thành nạn nhân của bất kỳ cuộc tấn công nhằm khai thác những lỗ hổng bảo mật này, người dùng nên xóa các ghép nối thiết bị Bluetooth không cần thiết, xóa các mạng Wi-Fi không sử dụng khỏi cài đặt thiết bị của họ và sử dụng dữ liệu di động thay vì Wi-Fi công cộng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, họ sẽ tiếp tục theo dõi về những lỗ hổng bảo mật này khi các nhà sản xuất thiết bị bắt đầu tung ra các bản cập nhật firmware mới nhưng họ cũng cho rằng có một số lỗ hổng có thể sẽ không bao giờ được vá.

Liên quan tới chip Wi-Fi, trước đó các nhà khoa học Mỹ đã có một bước tiến lớn trong ngành công nghệ không dây, đó là phát triển thành công con chip Wi-Fi có khả năng truyền tín hiệu đi và nhận tín hiệu quay về trên cùng 1 ăng ten. Nhờ đó, thay vì phải dùng 2 ăng ten cho 2 làn tín hiệu ngược chiều, người ta đã có thể nhập nó vào làm một và truyền được liên tục mà không bị rối loạn sóng.

Nhờ công nghệ mới này, các bộ Router giờ đây có thể giảm tới 1 nửa số "râu". Điều này đồng nghĩa với việc, nếu có cùng lượng Ăng ten thì công nghệ mới sẽ cho tốc độ gấp đôi công nghệ cũ.

Cách xử lý tín hiệu này được gọi là Full-duplex communications, nó cho phép người dùng có thể truyền thông tin từ cả 2 phía cùng lúc và cùng tần số. Nó giống như khi gọi điện thoại, cả 2 phía đều có thể nói cùng lúc, còn bộ đàm thì cùng lúc chỉ cho 1 tính hiệu cùng tần số gửi đi trong cùng 1 thời điểm. Khi đó chúng ta gọi điện thoại là Full-duplex còn bộ đàm là Half-duplex.

Việc phát triển loại chip mới này có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong truyền dẫn không dây bằng sóng vô tuyến chứ không chỉ riêng với sóng Wi-Fi. Nhờ công nghệ mới này người ta sẽ tạo ra được những thiết bị không dây, nhỏ hơn, nhẹ hơn nhưng lại mạnh mẽ hơn.

Tác giả: An Dương (T/h)

Nguồn tin: vietq.vn