Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bác sĩ "viết" giấc mơ đại học ở tuổi 64: Với tôi, sự học chưa bao giờ muộn!

Với tâm niệm "Học tập là việc suốt đời", ông Lê Nhân Tuấn đã quyết tâm theo đuổi hành trình tri thức khi trở thành sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh ở độ tuổi 64.

Sinh viên... từng nhiều năm giảng dạy tại đại học lớn

Sinh năm 1957, ông Lê Nhân Tuấn (quê gốc Hà Tĩnh) là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, hệ đào tạo trực tuyến của Trường Đại học Mở Hà Nội. Lớp học với các sinh viên gồm nhiều lứa tuổi nhưng đa phần là những người trẻ, duy chỉ có ông là đặc biệt nhất khi kiên trì theo đuổi sự học ở tuổi 64.

 Bác sĩ, giảng viên Lê Nhân Tuấn tiếp tục theo đuổi giấc mơ đại học ở tuổi 64. (Ảnh: NVCC)

Trước khi trở thành sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Mở Hà Nội vào tháng 9/2020, ông Lê Nhân Tuấn là một bác sĩ, giảng viên với nhiều thành tựu nổi bật.

Năm 1975-1981, ông theo học chương trình đào tạo bác sĩ quân y, tại Học viện Quân y (Hà Nội), sau đó tốt nghiệp bác sĩ nội trú. Từ năm 1982-1997, ông trở thành giảng viên chính thức của Học viện Quân y, đồng thời là bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103. Những năm tháng sau đó, ông Tuấn chuyển đến công tác tại Sở Y tế Hà Nội, tiếp tục con đường giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y tế Công cộng.

Năm 2017, bác sĩ Lê Nhân Tuấn nghỉ hưu. Khoảng thời gian sau đó, ông chuyển sang giữ vị trí trưởng Bộ môn Nội, tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM).

Chia sẻ về việc trở thành sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh ở tuổi 64, ông Tuấn cho biết, việc học tập, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ mới chính là ước mơ ông ấp ủ từ những ngày trẻ.

"Bản thân tôi vốn là người thích học tiếng Anh. Đặc biệt, khi trưởng thành, trong quá trình làm việc, được đi "năm châu bốn biển", tôi càng yêu thứ ngôn ngữ này hơn bao giờ hết. Trong tôi luôn thường trực mong mỏi được học tiếng Anh một cách hoàn chỉnh, tử tế. Do đó, năm ngoái, tôi đã quyết định học đại học chuyên ngành này.

Trang bị cho bản thân một ngoại ngữ mới giống như việc tự tặng cho mình cơ hội được học tập, nâng cao khi tôi có thể đọc những cuốn sách chuyên môn, đồng thời xem các chương trình hay theo dõi các tờ báo nước ngoài" - sinh viên 64 tuổi bộc bạch.

Quyết định học thêm một bằng đại học ở độ tuổi "xế chiều" của bác sĩ Lê Nhân Tuấn nhận được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè.

"Tôi có hai người con. Khi biết tôi đăng ký học đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, các con rất ủng hộ và liên tục động viên: "Nếu cảm thấy thích, bố hãy cứ tiếp tục đi học, bởi điều đó là rất tốt".

Về phía sinh viên, khi biết tôi tiếp tục theo đuổi tấm bằng Ngôn ngữ Anh tại Đại học Mở Hà Nội, các em tỏ ra vô cùng thích thú, ngưỡng mộ, và bày tỏ tôi chính là tấm gương để các bạn ấy nỗ lực noi theo. Một vài người bạn cùng tuổi với tôi, cũng ủng hộ tôi với thái độ tương tự" - ông Tuấn bày tỏ.

Tuy nhiên, việc lựa chọn học ngoại ngữ ở tuổi "xế chiều" cũng khiến vị bác sĩ, giảng viên này gặp không ít khó khăn. Theo ông Tuấn, trở ngại lớn nhất chính là kỹ năng sử dụng công nghệ hạn chế so với lớp trẻ do ông đã có tuổi, cùng với đó là trí nhớ không còn được như xưa, đôi mắt cũng đã kém nên khó ngồi lâu trước máy tính. "Nhiều lúc, tôi muốn dừng lại bởi quá khó khăn khiến tôi nản chí".

Song, với sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình từ người thân, đặc biệt là các thành viên trong lớp đại học, ông Tuấn đã vượt qua rào cản về tuổi tác; thành thạo hơn trong kỹ năng sử dụng công nghệ, tin học; việc học từ đó cũng trở nên thuận lợi hơn.

Ông Lê Nhân Tuấn cho biết, trước kia, những ngày tháng còn trẻ, ông luôn hừng hực khí thế, quyết tâm đạt được kết quả học tập cao nhất. Nhưng hiện tại, ở tuổi 64, khả năng ghi nhớ, tiếp thu giảm sút, mục tiêu học tập lớn nhất của ông chính là "năng nhặt, chặt bị", quyết tâm theo đuổi con đường học vấn tới cùng.

"Hiện tại, tôi quan niệm học để lấy kiến thức. Do đó, thay vì chạy theo thành tích, tôi cố gắng hướng tới học thật, thi thật. Trải qua 3 học kỳ, tôi chưa phải thi lại môn nào. Tuy nhiên đây cũng chỉ là khởi đầu. Tôi đã xác định, trong tương lai, nếu có thi trượt hay chưa đạt môn nào, vẫn phải cố gắng hoàn thành cho bằng được thì thôi!".

Luôn tâm niệm "Học tập là suốt đời"

Ở tuổi 64, khi hầu hết mọi người lựa chọn cuộc sống an yên, nghỉ ngơi sau những tháng năm lao động thì ông Lê Nhân Tuấn vẫn miệt mài theo đuổi ước mơ và nỗ lực cống hiến.

Thời gian vừa qua, bên cạnh việc học tập trực tuyến tại Trường Đại học Mở Hà Nội, khi dịch Covid-19 bùng phát, thầy thuốc ưu tú Lê Nhân Tuấn còn tham gia hệ thống tư vấn và hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân F0 tại TP.HCM và một vài tỉnh thành trên cả nước. Cùng với đó, ông còn tham gia chương trình tư vấn về tiêm chủng vaccine Covid-19 cho doanh nghiệp.

"Trải qua 2 năm "sống chung" với đại dịch Covid-19 với vô vàn biến cố, điều mà tôi mong mỏi nhất ở thời điểm hiện tại chính là sự bền vững, ổn định, đặc biệt trong vấn đề sức khỏe.

Còn trong công tác giảng dạy, tôi hy vọng, bằng những kỹ năng sau nhiều năm gắn bó với sự nghiệp thầy thuốc, tôi có thể truyền tải kiến thức, sự nhiệt huyết, tình yêu công việc một cách trọn vẹn nhất đến với thế hệ sinh viên ngành y của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, để các em có thể trở thành những bác sĩ y đức, tận tụy trong tương lai" - ông Tuấn bày tỏ.

 Ông Lê Nhân Tuấn luôn tâm niệm, học tập là việc suốt đời. (Ảnh: NVCC)

Luôn tâm niệm "Học tập là suốt đời", do đó, với ông Lê Nhân Tuấn, học tập không bao giờ là muộn; đây còn là nhu cầu đi suốt cuộc đời của mỗi người, không giới hạn về tuổi tác, địa vị xã hội hay giới tính.

"Học tập không chỉ để phát triển đầu óc mà còn để tiến thân, đặc biệt với các bạn trẻ. Bây giờ, các bạn có rất nhiều cơ hội để chuyển đổi công việc và vị trí, từ đó sẽ có được mức thu nhập tốt hơn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với sự đòi hỏi cao hơn về kiến thức, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn.

Trường đại học chỉ dạy ta một lượng kiến thức nhất định. Còn kinh nghiệm hay kiến thức phục vụ cho công việc thì đòi hỏi chúng ta phải chủ động. Hiện nay, công nghệ phát triển, người trẻ có rất nhiều cơ hội để tiếp cận tri thức. Và học tập từ xa chính là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tôi mong rằng các bạn trẻ ở Việt Nam hãy tận dụng lợi thế của chương trình này để học tập và không ngừng trau dồi bản thân. Học tập là việc của suốt đời. Khi ta thực hiện được điều này, không chỉ giúp ích cho cá nhân mà còn nâng cao sự phát triển cho toàn xã hội" - ông Tuấn nhắn nhủ.

Tác giả: Kiều Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí