Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xưởng chế biến tinh bột sắn không phép và dấu hỏi quản lý nhà nước?

Sau nhiều động thái trì hoãn, huyện Nghĩa Đàn vẫn có ý dung túng cho xưởng chế biến sắn trái phép hoạt động gây ô nhiễm môi trường....

 Chưa đáp ứng được thủ tục pháp lý cần thiết nhưng quy mô diện tích và công suất hoạt động của xưởng chế biến tinh bột sắn không phép ngày càng tăng lên. Ảnh: Việt Khánh.

Hoạt động chui 6 năm, phạt hành chính… 1.750.000 đồng

Như Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh trước đó, xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc, ở xóm Lĩnh Khánh, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn, Nghệ An) chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2015 với các chỉ tiêu gần như bằng không: Không được phê duyệt chủ trương đầu tư, không giấy phép xây dựng, không quy hoạch vùng nguyên liệu, không đánh giá tác động môi trường…

Sau 6 năm quy mô diện tích và công suất hoạt động của xưởng chế biến sắn không ngừng tăng lên, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Từ phản ánh của cơ sở, mới đây huyện Nghĩa Đàn đã chính thức vào cuộc, có điều hình thức xử phạt không thuyết phục, xem qua tựa như “gió thoảng mây trôi”.

Theo nội dung Công văn số 1590/UBND-TNMT ngày 18/11/2021, UBND huyện Nghĩa Đàn xác nhận: Từ năm 2015 ông Nguyễn Hồng Phúc đã xây dựng xưởng chế biến tinh bột sắn tại xóm Lĩnh Khánh (thuộc thửa đất 745 tờ bản đồ số 1, hiện trạng là đất rừng sản xuất). Từ tháng 12/2015 xưởng bắt đầu đi vào hoạt động.

“Việc xây dựng xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc vi phạm quy định của pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng, vụ việc đã được UBND huyện Nghĩa Đàn kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại Quyết định số 3630/QĐ-UBND ngày 20/12/2018 (số tiền 40.000.000 đồng, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu). Ông Phúc đã nộp tiền xử phạt nhưng chưa thực hiện các biện pháp khắc phục”, nội dung công văn thể hiện.

 Công tác xử lý của huyện Nghĩa Đàn đối với xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc rõ ràng có vấn đề. Ảnh: Việt Khánh.

Công văn 1590/UBND-TNMT còn nêu “UBND huyện Nghĩa Đàn đã cử Đoàn công tác tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của dự án”. Phải chăng có việc “đánh tráo khái niệm” ở đây, chẳng hiểu chính quyền cấp huyện dựa vào đâu để khẳng định xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc là “dự án”. Nên nhớ, cơ sở này không nằm trong quy hoạch chung, đồng nghĩa 100% hoạt động tự phát, trái phép.

Bên cạnh việc yêu cầu xưởng phải đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm trong 2 tháng và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, Đoàn công tác chỉ tham mưu xử phạt đơn vị hoạt đông “chui” suốt 6 năm trời số tiền vỏn vẹn… 1.750.000 đồng. Phương án có như không của huyện Nghĩa Đàn rõ ràng không phù hợp với mức độ thực tiễn, nguy hại hơn có thể mở đường cho một tiền lệ xấu.

Theo dõi xuyên suốt vụ việc, PV Nông nghiệp Việt Nam nhận thấy quá trình thực thi của đôi bên có vấn đề. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, hình thức áp dụng chưa đủ sức răn đe, trong khi bên vi phạm cũng chưa thực tâm khắc phục. Với những gì đã diễn ra, chẳng có gì đảm bảo sau thời hạn 2 tháng ngắn ngủi tình hình sẽ được xử lý triệt để.

Cố đấm ăn xôi kéo theo nhiều hệ lụy

Theo xác nhận của huyện Nghĩa Đàn, ông Nguyễn Hồng Phúc đã lập thủ tục xin chủ trương đầu tư gửi UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan nhưng không được chấp thuận. Nguyên do là trên địa bàn huyện không được quy hoạch vùng nguyên liệu trồng sắn, xã Nghĩa Khánh không nằm trong quy hoạch hay định hướng phát triển cơ sở chế biến tinh bột sắn.

Như vậy, ngay từ ban đầu cơ quan liên quan đã thông báo rõ ràng chủ trương, quan điểm để phía chủ đầu tư chủ động phương án, hòng tránh nảy sinh rắc rối không đáng có về sau. Tuy nhiên, cơ sở chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc nằng nặc cố tình lờ đi.

 Mở đường cho cơ sở của ông Nguyễn Hồng Phúc vô hình chung ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của ngành sắn tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Bàn về lĩnh vực phát triển sắn, phải thấy rằng đây là cây trồng mang tính đặc thù, trong lộ trình phát triển nhất thiết phải tính đến nguy cơ “bạc màu, thoái hóa đất”. Các chuyên gia đầu ngành chung quan điểm, chỉ nên giữ vững diện tích phù hợp vừa để “nuôi đất”, giúp người trồng ổn định sinh kế lại có đủ nguyên liệu cho các nhà mày hoạt động.

Qua rà soát, các chỉ tiêu về sắn giảm mạnh qua từng năm (năm 2015 là 17.387ha, năm 2020 chỉ còn 13.479ha; sản lượng năm 2015 đạt 384.799 tấn, năm 2020 là 315.779 tấn, giảm 69.020 tấn). Nguyên nhân chính một phần do yếu tố thời tiết bất thường tác động, sâu xa nữa đến từ giá sắn nguyên liệu giảm, thành thử người dân không mặn mà mở rộng diện tích.

Diện tích sắn nguyên liệu năm 2020 là 10.281ha, chiếm 76% diện tích sắn toàn tỉnh, sản lượng chủ yếu phục vụ cho 3 nhà máy: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương của Công ty CP Nông thuỷ sản Nghệ An; Nhà máy Chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần Á Châu Hoa Sơn (huyện Anh Sơn); Nhà máy tinh bột sắn Long Sơn (Nghĩa Đàn).

Phải nhấn mạnh thêm, cả 3 nhà máy kể trên đều lắp đặt dây chuyền đồng bộ với khả năng tự động hoá khá cao, đáp ứng tổng công suất trên 1.000 tấn nguyên liệu/ ngày (Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương 500 tấn nguyên liệu/ngày; Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Anh Sơn 500 tấn nguyên liệu/ngày, đang chuẩn bị đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất tinh bột và sản xuất đường Gluco từ nguyên liệu tinh bột sắn, kinh phí dự kiến đầu tư khoảng 350 tỷ đồng; Nhà máy tinh bột sắn Long Sơn 150 tấn nguyên liệu/ngày).

Xuất phát từ thực tế đó, việc xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc hoạt động ngoài quy hoạch sẽ khiến thị trường sắn ở Nghệ An trở lên không lành mạnh.

6 năm tồn tại bất chấp quy hoạch không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường mà còn xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp khác (cạnh tranh thiếu lành mạnh, xâm phạm vùng nguyên liệu) và gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước.

Lợi ít mà hại thì nhiều, dư luận thực sự muốn thấy động thái quyết liệt, công tâm hơn của lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn.

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn tin: nongnghiep.vn