Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xót cảnh nông sản bị đổ bỏ, 9X về quê khởi nghiệp chế biến trà mãng cầu

Đau xót trước cảnh mãng cầu bị đổ bỏ hàng loạt mỗi khi trượt giá, anh Nguyễn Văn Sơn (Đắk Lắk) quyết định bỏ việc về quê khởi nghiệp, chế biến trà mãng cầu.

Bỏ việc về quê làm trà mãng cầu

Năm 2018, anh Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1992) ở xã Ea Kly (Krông Pắc, Đắk Lắk) nộp đơn xin nghỉ việc để về quê khởi nghiệp, làm trà mãng cầu. Quyết định này của anh khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí, gia đình anh còn kịch liệt phản đối.

Anh Sơn kể, anh vốn sinh và lớn lên ở vùng quê nghèo Đắk Lắk, nơi người dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Do đó, gia đình luôn mong muốn anh học thật giỏi để có một công việc tốt hơn, thoát ly khỏi ruộng vườn.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp cao học ngành tài chính, anh công tác tại một cơ quan Nhà nước - công việc được coi là "ổn định" mà nhiều người ao ước.

"Tuy nhiên, tôi từng nhiều lần tự hỏi bản thân rằng chẳng lẽ cuộc đời mình cứ gắn bó với công việc sáng đi tối về thế sao, trong khi mình có rất nhiều điều muốn làm. Chính những suy nghĩ, trăn trở đó khiến tôi quyết định thoát khỏi vùng an toàn để về quê khởi nghiệp", anh kể.

 Năm 2018, anh Nguyễn Văn Sơn quyết định bỏ việc về quê khởi nghiệp (Ảnh: NVCC).

Theo anh Sơn, quyết định về quê khởi nghiệp của anh là hoàn toàn có cơ sở, không phải tự nhiên hay ngẫu hứng. Bởi trước đó, anh đã nghiên cứu và tìm hiểu rất nhiều về nông sản Việt, nhất là quả mãng cầu.

"Ở quê tôi, mọi người trồng khá nhiều mãng cầu, tôi thấy chất lượng quả tốt, không thua kém bất kỳ nơi đâu. Tuy nhiên, tình trạng được mùa mất giá vẫn lặp lại, tái diễn khiến người nông dân thiệt thòi, nhất là khi vào mùa mưa, thương lái không đến thu mua khiến quả bị đổ bỏ. Chứng kiến tình trạng trên, tôi rất đau lòng, tôi muốn làm một điều gì đó cho quê hương", anh Sơn tâm sự.

 Xưởng sản xuất trà của anh Sơn rộng rãi với máy móc hiện đại (Ảnh: NVCC).

Nghĩ là làm, sau khi nghỉ việc, anh Sơn tập trung nghiên cứu cách chế biến trà từ mãng cầu. Do trái ngành, trái nghề nên anh 9X Đắk Lắk phải mất một thời gian dài tự tìm hiểu, tự học, đọc tài liệu. Để có tiền đầu tư, sản xuất, anh đi vay thêm bạn bè 60 triệu đồng làm vốn.

"Với 60 triệu đồng, tôi dùng để mua máy đóng gói, bao bì sản phẩm và mua mãng cầu về chế biến. Còn xưởng thì tôi tận dụng ở khu vực sau nhà nên không tốn tiền"- 9X Đắk Lắk hé lộ.

Thành công từ những thất bại

Anh Sơn cho biết, tháng 4/2018 anh bắt tay vào chế biến, sản xuất trà mãng cầu nhưng phải 2 tháng sau, anh mới làm thành công, còn trước đó, sản phẩm đều bị đổ bỏ.

Theo anh, làm ra sản phẩm không khó nhưng để làm ra một sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chí mới khó. Cho nên, anh rất khắt khe với việc sản xuất, nếu sản phẩm hỏng, anh sẽ làm lại đến bao giờ ưng ý mới thôi.

"Trong 2 tháng đầu, tôi đã đổ bỏ hàng tấn mãng cầu vì hàng làm ra không đạt chất lượng. Lúc đó, tôi cũng rất hoang mang nhưng nhanh chóng bình tĩnh, suy xét xem sai ở đâu thì rút kinh nghiệm ở đó", anh thông tin.

 Sản phẩm trà mãng cầu (Ảnh: NVCC).

Công đoạn làm trà mãng cầu có 7 bước, đầu tiên là chọn quả, thứ hai là làm sạch quả, thứ ba là thái quả, thứ tư là đem sấy khô, thứ năm là sao trà, thứ sáu là ủ, cuối cùng là đóng gói. Tuy nhiên, đây chỉ là lý thuyết còn khi thực hành, người thợ phải căn chỉnh, chọn lọc nguyên liệu, công đoạn, thời gian sao cho hợp lý.

"Không phải quả mãng cầu nào cũng có thể mang đi làm trà mà mình phải chọn lọc cho đúng, tương tự với công đoạn sấy và sao cũng vậy. Ban đầu, tôi chỉ có 6 công đoạn, sau đó tăng lên 7 là vì có thêm công đoạn ủ. Đây là công đoạn quan trọng giúp trà có vị thơm, ngon và giữ được dược tính trong quả hơn", anh cho biết.

Sau khi đã tìm ra công thức, anh Sơn mua thêm máy cắt quả để tăng năng suất. Đồng thời, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết này nhanh chóng mở rộng thị trường, mở rộng tệp khách hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cuối năm 2018, anh Sơn đạt giải 3 trong một cuộc thi khởi nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk, từ đó, thương hiệu trà mãng cầu của anh được nhiều người biết đến hơn. Thừa thắng xông lên, ngoài việc bán sản phẩm trực tiếp ở cửa hàng, anh còn đưa trà đi quảng bá ở các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.

"Mới đầu, việc tìm đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn, bởi nhiều người còn chưa biết tới quả mãng cầu chứ đừng nói là trà. Do đó, tôi phải nỗ lực rất nhiều, nơi nào có khách hàng, có tiềm năng, tôi đều đi tiếp thị. Và mọi nỗ lực, cố gắng của tôi sau bao ngày tháng cũng được đến đáp", anh Sơn kể.

 Anh Sơn thường tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm (Ảnh: NVCC).

Năm 2019, anh Sơn bán ra thị trường hơn 2 tấn trà mãng cầu, con số này nhanh chóng tăng lên 2,5 tấn vào năm 2020 và dự tính trong năm nay là 4 tấn. Ước tính doanh thu năm từ việc bán trà của anh Sơn sẽ đạt 1,5 tỷ đồng.

Ngoài cung cấp trà cho thị trường trong nước, 9X Đắk Lắk còn xuất khẩu trà sang thị trường Hàn Quốc. Trong thời gian sắp tới, anh Sơn dự định sẽ tiếp tục làm đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường và đưa trà mãng cầu đi xa hơn.

Trao đổi với Dân trí, bà Lê Thị Hồng Oanh - Bí Đoàn xã Ea Kly (Krông Pắc - Đắk Lắk) - đánh giá xưởng xuất trà mãng cầu của anh Nguyễn Văn Sơn là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu ở xã. Ngoài giúp bà con thu mua mãng cầu, anh Sơn còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Tác giả: Hoàng Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí