Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều công dân Trung Quốc bị sát hại và bắt cóc ở Congo

Hai công dân Trung Quốc bị sát hại và một số người khác đã bị bắt cóc tại Congo, theo quân đội nước này ngày 25-11.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên quân đội Congo cho biết 2 công dân Trung Quốc và 8 người khác bị bắt cóc sau vụ tấn công của phong trào Kodeko tại một trại khai thác mỏ ở miền Đông nước này ngày 24-11. Một trong những nhóm vũ trang hoạt động trong khu vực - CODECO - cũng bị cho là liên quan đến vụ tấn công.

Hiện trường nằm ở Jugu, tỉnh Ituri. Đây là nơi các công dân Trung Quốc tham gia hoạt động khai thác vàng. "Chúng tôi xác nhận nhóm CODECO đã tấn công vào một trong những vị trí của chúng tôi ở khu vực Jugu. Họ còn tấn công địa điểm có công dân Trung Quốc, giết chết 2 người và bắt cóc những người khác" - phát ngôn viên quân đội Congo Jules Nongo nói.

Nhóm CODECO chưa đưa ra bình luận về vụ tấn công trên. Reuters cũng không liên lạc được với Đại sứ quán Trung Quốc tại Kinshasa để tìm hiểu diễn biến vụ việc.

 Một số công ty Trung Quốc bị cáo buộc "hoạt động bất hợp pháp mà không có giấy phép" tại Congo. Ảnh: Google

Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), các vụ tấn công của nhóm CODECO đã khiến hàng trăm dân thường ở khu vực Jugu thiệt mạng từ năm 2017, buộc hàng ngàn người phải bỏ trốn khỏi nhà cửa.

Cuối tuần trước, ít nhất 20 người bị giết trong một vụ tấn công vào dân thường đi di dời ở khu vực Jugu. Nhà chức trách Congo đổ lỗi cho nhóm CODECO đứng sau vụ tấn công này.

Thành viên của nhóm CODECO chủ yếu đến từ cộng đồng canh tác Lendu, từ lâu xảy ra xung đột với những người chăn gia súc Hema. Vụ tấn công vào trại khai thác mỏ ở miền Đông Congo ngày 24-11 là vụ tấn công thứ hai trong vòng 1 tuần qua.

Trước đó, ngày 21-11, các tay súng bắn chết 1 cảnh sát và bắt cóc 5 công dân Trung Quốc gần khu mỏ thuộc tỉnh South Kivu. Đài CNN cho hay vụ tấn công xảy ra gần ngôi làng Mukera và chưa rõ ai chịu trách nhiệm.

Quan hệ giữa các công ty khai thác mỏ của Trung Quốc và chính quyền địa phương Congo trở nên căng thẳng thời gian gần đây. Một số công ty Trung Quốc bị cáo buộc "hoạt động bất hợp pháp mà không có giấy phép".

Vào tháng 8, Thống đốc tỉnh South Kivu, Theo Kasi, đình chỉ hoạt động của 6 công ty Trung Quốc và yêu cầu tất cả lao động địa phương và nước ngoài của các công ty này rời khỏi khu vực.

Tác giả: Phạm Nghĩa

Nguồn tin: Báo Người lao động