Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Không được phát biểu, trẻ bỏ học, chấm cô giáo 1 sao

Nghe cô hỏi, cháu vừa giơ tay vừa gào: "Cô ơi, cho con!" nhưng không được gọi tên, con trai chị Thảo bỏ khỏi lớp học rồi chấm cho cô giáo... 1 sao.

Chị Trần Thu Thảo, nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM kể mới đây, cậu con trai học lớp 2 của mình đã "thẳng tay" chấm cho tiết học của cô giáo 1 sao (*).

Trong giờ học tiếng Việt, cháu rất háo hức với câu hỏi của cô đưa ra. Cháu vừa giơ tay vừa gào: "Cô ơi, cho con!" nhưng vẫn không đến lượt. Cháu dẫm chân thình thịch, cau có rời lớp học rồi lăn ra khóc, gọi cô giáo là "kẻ lạnh lùng tàn nhẫn".

 Nhiều trẻ ấm ức, không hợp tác với việc online vì không được phát biểu (Ảnh: H.N).

Chị Thảo cho biết, bé nhà mình hoạt ngôn, thích trò chuyện lại hiếu thắng... Sau nhiều lần không được phát biểu, cháu rất ấm ức, đau khổ. Giờ cháu rất chán vào lớp, toàn tìm cách để tránh việc học, kể cả tắt wifi của thiết bị.

Con không được gọi tên trong lớp là tình huống nhiều phụ huynh và học sinh thường gặp và cũng dễ "ấm ức" nhất khi học online. Nhiều trẻ chán học, ghét học vì không được phát biểu, trả lời ở trong lớp.

Chị Hồ Thùy Dung, ở quận Phú Nhuận, TPHCM chia sẻ, sau thời gian làm quen, "dê lớp 1" nhà chị phản ứng: "Nghỉ học luôn, mai con không thèm học nữa", rồi nhiều lần òa khóc nức nở vì cháu ngồi chờ nhưng không được cô gọi tên.

"Vài lần được gọi trả lời, cháu phấn chấn lắm! Giờ vào lớp, bé ngồi mặt một đống. Cháu lấy giấy bút ra vẽ, xếp đồ chơi chứ rất ít để ý vào bài giảng", người mẹ than thở.

Học online: Đừng quên cảm xúc của trẻ!

Trẻ không được gọi phát biểu là chủ đề được đưa ra bàn luận trong nhiều group, các cuộc họp phụ huynh đầu năm. Khó khăn lớn nhất với nhiều học trò, đặc biệt với các lớp nhỏ là các em không được phát biểu, bị "bỏ quên" trong lớp học.

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học quận Gò Vấp, TPHCM cho biết, tất cả những gì phụ huynh thấy trong lớp học online đều diễn ra như ở lớp học trực tiếp. Trẻ ngáp ngắn ngáp dài, không tập trung, làm việc riêng, không phát biểu, không được gọi tên... đều có ở lớp học trực tiếp. Có điều khi đó phụ huynh không nhìn thấy, không quan sát được trực tiếp .

Theo bà, giáo viên, đặc biệt là ở tiểu học gặp nhiều áp lực trong việc quản lý lớp học vì sĩ số đông, các em chưa có nề nếp, chưa tự quản lý được bản thân... Với hình thức học tập mới trên môi trường online, không ai được chuẩn bị, đào tạo, tập huấn thì mọi thứ lại càng trở nên khó khăn hơn.

 Ngoài học online, trẻ cần học trực tiếp và tương tác với bố mẹ (Ảnh: Y.H).

Vị quản lý cho rằng, giáo viên, học sinh chúng ta bắt tay vào dạy học online mà đều không có sự chuẩn bị trước. Ngoài cách sử dụng thiết bị, nội dung, giáo trình thì cả giáo viên, phụ huynh và học sinh cần hiểu về những hạn chế khi học online và cả cách quản lý cảm xúc khi tham gia lớp học trên mạng.

Cô phó hiệu trưởng bày tỏ: "Học online vì ảnh hưởng của dịch bệnh là lựa chọn bất khả kháng không ai mong muốn. Vậy nên, lúc này rất cần các bên cùng học cách thấu hiểu, thông cảm để cùng hỗ trợ nhau, tránh chỉ trích"

Cô Nguyễn Bích Trâm, chuyên viên tâm lý học đường tại một trường tiểu học ở thành phố Thủ Đức, TPHCM cho biết, trẻ chán học, ghét cả cô giáo vì không được gọi phát biểu là tình huống họ nhận được phản ánh nhiều nhất từ phụ huynh khi học online.

Theo cô Trâm, có trẻ tiếp nhận điều này nhẹ nhàng nhưng nhiều trẻ muốn lên tiếng mà không được đón nhận, hồi đáp sẽ kéo theo những hành vi, cảm xúc tiêu cực. Thậm chí, có thể để lại hậu quả không hay lên trẻ như các em sẽ ngại lên tiếng, không muốn bày tỏ quan điểm, mất niềm tin..

Cô Trâm cho hay, trẻ cần được chuẩn bị kỹ về mặt cảm xúc khi học online - điều mà chúng ta gần như đang bỏ quên. Giáo viên, phụ huynh nên trao đổi trước với trẻ việc học online thầy cô cũng sẽ có những khó khăn nhất định, rất cần sự thông cảm từ các em.

Phía nhà trường cần tìm biện pháp khắc phục như chia nhỏ lớp, tận dụng công nghệ để không trẻ nào bị "bỏ rơi" trong lớp học, giáo viên cải thiện cách tương tác, khắc phục bằng một số cách như gọi điện, nhắn tin trao đổi sau giờ học với học sinh.

"Lúc này, vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Bố mẹ hãy động viên, giúp con hiểu những khó khăn của cô giáo, đồng thời bố mẹ hãy dành thêm thời gian, lắng nghe và chia sẻ với trẻ để trẻ để bày tỏ, thấy tiếng nói của mình có giá trị. Đây cũng là cách để bù đắp phần nào cho sự thiếu hụt sự tương tác trong điều kiện phải học online vì dịch bệnh", cô Bích Trâm nhắn nhủ.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí