Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trường hợp kỳ lạ của Hà Đức Chinh ở tuyển Việt Nam

Chưa ghi bàn nào cho tuyển Việt Nam ở các giải chính thức, nhưng Đức Chinh vẫn luôn được HLV Park Hang-seo tin tưởng và có mặt trong những đợt tập trung.

Pha lập công vào lưới U22 Việt Nam ở trận giao hữu cuối năm ngoái là dấu ấn hiếm hoi của Chinh "Đen" dưới màu áo tuyển Việt Nam. Tại các giải chính thức, anh chưa từng ghi bàn.

Dù vậy, Đức Chinh vẫn đều đặn lên tuyển suốt từ năm 2017 cả dưới thời HLV tạm quyền Mai Đức Chung lẫn ông Park Hang-seo. Sự hiện diện của anh là trường hợp thú vị và khiến giới chuyên môn thấy khó hiểu hơn cả.

 Đức Chinh chưa ghi bàn nào cho tuyển Việt Nam ở các giải đấu chính thức suốt từ năm 2017 tới nay. Ảnh: Minh Chiến.

Đức Chinh tài hay tệ?

Trước tiên, chúng ta phải khẳng định Hà Đức Chinh không hề thiếu tài năng. Chẳng tiền đạo tệ nào lại có mặt cả trong lứa U19 dự World Cup, lứa U23 Thường Châu và lứa đội tuyển vô địch AFF Cup.

Các thống kê chuyên môn cũng khẳng định điều đó.

Cầu thủ quê Phú Thọ là thành viên lứa một của lò PVF, được chuyển giao cho CLB Quảng Ninh từ mùa bóng 2016. Tại đất mỏ, Đức Chinh không được chơi trao cơ hội khi chơi 16 phút ở V.League 2016. Về Đà Nẵng ở V.League 2017, tiền đạo này tỏa sáng với 7 bàn, thành tích tích ngang với Công Phượng. Khi đó, Chinh “Đen” mới 20 tuổi.

Anh tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng và khép lại mùa 2018 với 9 bàn. Hai năm này cũng là khoảng thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp của Đức Chinh trước khi chấn thương và nhiều vấn đề sức khỏe khiến sự nghiệp của anh phát triển chậm lại.

Vấn đề của Đức Chinh là anh không thể chuyển hóa hiệu suất ghi bàn ấn tượng từ cấp CLB lên đội tuyển. 7 trận cho tuyển Việt Nam ở các giải chính thức (AFF Cup, Asian Cup, vòng loại World Cup), Chinh “Đen” chơi 148 phút, không ghi bàn nào.

Vấn đề của Đức Chinh đã được nhìn rõ từ ngày còn ở đội U19 và U23. Tại U19 châu Á 2016 và U20 World Cup 2017, anh chơi 7 trận với thời gian 563 phút, ghi 1 bàn.

Lên U23, Đức Chinh dự vòng chung kết châu Á 2018 và 2020, dự cả Asian Games ở Indonesia. Ba giải đó, anh chơi 14 trận với 759 phút, vẫn chi có 1 bàn.

Giải đấu duy nhất ở cấp đội tuyển mà Đức Chinh gây được ấn tượng là SEA Games 2019. Anh có 8 bàn, giành Vua phá lưới. Đó cũng là giải đấu có độ khó thấp nhất trong toàn bộ các trận chúng ta vừa nêu.

 Tiền đạo của đội Đà Nẵng vẫn bất lực trong việc chuyển hóa hiệu suất ghi bàn tốt từ CLB lên đội tuyển. Ảnh: Minh Chiến.

Vì sao ông Park vẫn dùng Đức Chinh?

Với những dữ liệu nêu trên, có thể kết luận Đức Chinh là tiền đạo chất lượng, nhưng chưa đủ tốt cho cấp đội tuyển. Hạn chế lớn nhất của anh là hiệu suất làm bàn quá thấp.

Dù vậy, Đức Chinh vẫn được HLV Park tin tưởng. Kể từ năm 2017 tới nay, anh góp mặt trong hầu hết đợt tập trung. Niềm tin của chiến lược gia người Hàn Quốc dành cho tiền đạo này dường như là vô lý. Nhưng nó vẫn có những cơ sở riêng.

Thứ nhất, Đức Chinh là tiền đạo cắm điển hình. Anh thi đấu ở vị trí yếu và thiếu nhất của đội tuyển Việt Nam. Việc các CLB V.League luôn ưu tiên ngoại binh đá cắm khiến bóng đá Việt Nam gần như không sản sinh được tiền đạo mục tiêu chất lượng nào suốt nhiều năm qua. Đức Chinh và Tiến Linh là những chân sút hiếm hoi được chơi đúng sở trường tại CLB của mình.

Thiếu hụt vị trí này lớn đến nỗi ông Park từng phải gọi và thử nghiệm tiền đạo vô danh Nguyễn Việt Phong hay dành sự quan tâm đặc biệt tới Nguyễn Trần Việt Cường, tài năng U22 vừa chân ướt chân ráo lên đội một Bình Dương.

So với vị trí tiền đạo lùi/hộ công luôn đầy ắp tài năng, tiền đạo cắm thực sự là của hiếm ở bóng đá Việt Nam. Thiếu hụt ở vị trí này từng làm nổ ra những tranh luận nảy lửa trong giới bóng đá. HLV Lê Huỳnh Đức từng nói ông Park mà làm CLB, thì cũng phải dùng tiền đạo ngoại.

Chia sẻ với báo giới hồi tháng 12/2020, HLV Park Hang-seo nói: “Cái tôi muốn nói là chúng ta đang thiếu tiền đạo. Tôi vận hành tuyển Việt Nam mấy năm rồi mà chưa thấy thêm tiền đạo nào tốt cả. Vì sao? Vì ở Việt Nam, tiền đạo ngoại đá hết rồi”.

Đồng quan điểm với ông Park, BLV Ngô Quang Tùng cho rằng: “Phong độ của Đức Chinh rõ ràng không tốt, nhưng tôi nghĩ HLV Park làm gì còn lựa chọn. Thực tế là ông Park có triệu tập thử nghiệm Hồ Tuấn Tài và Nguyễn Xuân Nam, nhưng cả hai không đáp ứng được. Không Đức Chinh thì tuyển Việt Nam chẳng còn ai để đáp ứng nhu cầu của ông Park trong bối cảnh V.League đóng băng”.

 Chiến thuật của ông Park đòi hỏi các tiền đạo cũng phải tham gia nhiều vào việc phòng ngự và xây dựng lối chơi. Ảnh: Minh Chiến.

Thứ hai, bản thân Đức Chinh không phải chân sút duy nhất khan hiếm bàn thắng nhưng vẫn được HLV Park trọng dụng. Hai cái tên khác ở tuyển Việt Nam cũng có hiệu suất làm bàn rất thấp là Công Phượng, Văn Toàn vẫn được gọi. Học trò cưng Phan Văn Đức của ông Park cũng chưa có thêm bàn nào từ sau AFF Cup 2018.

Có những lý do rõ ràng cho sự khô hạn bàn thắng ấy.

Hệ thống phòng ngự phản công của ông Park đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của các cầu thủ tuyến trên. Công Phượng, Văn Toàn, Văn Đức và cả Đức Chinh đều cần đóng góp nhiều cho mặt trận phòng ngự. Cũng bởi vậy, đánh giá của HLV trưởng về nhóm cầu thủ này không chỉ nằm ở số pha lập công mà còn liên quan mật thiết tới đóng góp của họ vào lối chơi chung.

Lý do khác không kém phần quan trọng là trình độ của đối thủ. Sau AFF Cup 2018, độ khó trong các giải đấu của tuyển Việt Nam đã tăng rõ rệt. Không còn Lào, Campuchia hay Myanmar, tuyển Việt Nam đã liên tục chạm trán nhóm đội hàng đầu châu lục ở Asian Cup, King’s Cup hay vòng loại World Cup. Các đối thủ giao hữu của tuyển Việt Nam cũng mạnh hơn hẳn như Curacao, CHDCND Triều Tiên hay Jordan. Đá với đội mạnh, tuyển Việt Nam ghi ít bàn hơn là chuyện đương nhiên.

Đó có lẽ là lý do Đức Chinh vẫn có mặt ở tuyển Việt Nam. Bởi với ông Park, tiền đạo này vẫn còn những giá trị khác ngoài các bàn thắng.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: zingnews.vn