Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logistics trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Sáng 17/9, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị trực tuyến về tạo thuận lợi vận tải biển và dịch vụ logistics trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

 

 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Theo báo cáo tại hội nghị, dù đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng dịch vụ vận tải biển, Logistics vẫn vận hành đúng định hướng, bám sát các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội, với chất lượng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường biển ước đạt 54,5 triệu tấn, tăng 5%; luân chuyển hàng hóa đạt 111,6 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 08 tháng năm 2021 đạt 481 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng) tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 8 tháng năm 2021 đạt 16.699.000 Teus tăng 18% cùng kỳ năm 2020 mức tăng thấp so với 8 tháng đầu năm (do trong tháng 8, hàng container giảm 13% so với cùng kỳ).

Lượt tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài thông qua đạt 43.269 lượt tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Lượt tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam thông qua đạt 43.599 lượt, tăng 2% với cùng kỳ năm 2020. Số lượt thông qua bằng phương tiện thủy nội địa đạt 239.693 lượt, giảm 5% với cùng kỳ năm 2020.

Về chỉ số hoạt động Logistics (LPI), theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, LPI của Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 3 sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32). Theo xếp hạng này, bước đầu đã hoàn thành một trong những mục tiêu quan trọng tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, các đơn vị vận tải đường biển, dịch vụ logistics đã nêu lên một số vấn đề khó khăn như: Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, suy giảm kinh tế trên thế giới thời gian qua đã gây ra những tác động không nhỏ đến ngành Giao thông vận tải như sản lượng vận chuyển, luân chuyển toàn ngành giảm; gián đoạn việc triển khai một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và Logistics. Gần đây là tình hình giá cước vận tải biển, giá cước vận chuyển Container từ Việt Nam đi Châu Âu, Bắc Mỹ đang tăng rất cao.

Kết cấu hạ tầng giao thông, Logistics tuy đã được quan tâm đầu tư có thể đáp ứng phần nào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đầu tư để kết nối giữa các phương thức vận tải để phát huy hiệu quả của toàn hệ thống chưa cao. Năng lực của doanh nghiệp trong nước nhìn chung chưa cao, gặp nhiều khó khăn trong phát triển cũng như cung cấp các dịch vụ vận tải, dịch vụ Logistics chất lượng cao. Thiếu các doanh nghiệp có vai trò chủ đạo, có năng lực và thế mạnh để thực hiện liên kết, cung cấp các dịch vụ trọn gói. Mô hình “3 tại chỗ” phát sinh bất cập khi doanh nghiệp phải thực hiện trong thời gian dài, phát sinh chi phí hoạt động, cơ sở hạ tầng bố trí sinh hoạt tại chỗ cho người lao động không đảm bảo yêu cầu, tâm lý người lao động bị ảnh hưởng do cách ly với gia đình trong thời gian dài…

Tại Nghệ An, hàng hóa thông qua các cảng trong tháng 8 là 918.924 tấn, lũy kế trong 8 tháng đầu năm là 8,3 triệu tấn. Số lượng tàu thuyền thông qua cảng trong tháng 8 là 196; lũy kế 8 tháng đầu năm là 1.778 lượt. Hoạt động tại các cảng vẫn diễn ra bình thường và thực hiện biện pháp 3 tại chỗ, riêng Cảng Cửa Lò thì thực hiện “2 điểm đến, 1 cung đường” cho toàn bộ công nhân cảng; khi tàu thuyền cập cảng thì mọi thủ tục thông qua cảng đều được thực hiện trực tuyến, thuyền viên không lên bờ. UBND tỉnh đã bố trí 01 điểm Chốt tại Cảng Cửa Lò để thực hiện Test COVID-19 cho lái xe vận chuyển hàng hoá đến cảng và thuyền viên, cán bộ, công nhân của cảng.

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có khoảng trên 200 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Hầu hết đều là các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài. Do đó, dịch vụ Logistics ở Nghệ An mới chỉ phát triển ở mức độ tham gia vào việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, dịch vụ kho bãi,... Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019 đến nay, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến phát triển dịch vụ Logistics. Các đại lý hãng tàu như: Công ty Nhật Việt, Công ty tiếp vận Toàn Cầu, Công ty CP Container, Viconship, Naconship… và các doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng đã đầu tư phương tiện, đổi mới cách quản lý điều hành để phục vụ nhu cầu vận tải của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, hoạt động vận tải biển và dịch vụ Logistics đang gặp rất nhiều khó khăn trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan chuyên môn cần khẩn trương tham mưu các cơ chế, chính sách pháp luật về vận tải, Logistics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khó khăn do dịch bệnh, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh. UBND các tỉnh, thành phố ban hành các quy định về phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với đặc thù hoạt động của ngành hàng hải, Logistics nhằm duy trì lực lượng lao động, phục vụ chuỗi cung ứng hàng hóa tại khu vực cảng biển.

Đồng thời, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng yếu có vai trò thúc đẩy phát triển và tái cơ cấu vận tải; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cảng biển, đặc biệt là các cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế tại Lạch Huyện - Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ Logistics. Hoàn chỉnh hệ thống trung tâm logistics chuyên dụng tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu của dây chuyền logistics.

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải của các phương thức, thống kê số liệu vận tải. Đặc biệt chú trọng hoàn thiện, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia/cơ chế một cửa ASEAN. Tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải, khuyến khích, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp vận tải hàng hoá đa phương thức có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh.

Các địa phương tăng cường hợp tác quốc tế về vận tải, chủ động đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế về giao thông vận tải của Việt Nam. Nghiên cứu các phương án mở cửa thị trường phù hợp để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển hệ thống vận tải và Logistics của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố tiếp tục ưu tiên dành nguồn vắc-xin cho các đối tượng tham gia vận tải và Logistics.

Tác giả: Phương Thúy

Nguồn tin: nghean.gov.vn