Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giá thực phẩm giảm mạnh, hàng hóa dồi dào

Sau trời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, giá thực phẩm, rau xanh tại Hà Nội nhiều loại giảm mạnh.

 Rau xanh, trứng, thực phẩm dồi dào tại các chợ. Ảnh: Vũ Long

Sáng 16.9, khảo sát của PV Lao Động tại một số chợ dân sinh cho thấy, sau hơn 1,5 tháng thực hiện giãn cách xã hội, giá hàng hóa, thực phẩm tại Hà Nội không những không tăng, mà còn giảm mạnh.

Cụ thể, giá thịt lợn ngày 16.9 đã giảm tiếp thêm 10.000 đồng/kg, loại ngon nhất như sườn, ba chỉ, nạc vai, thịt đầu giòn… bán ra ở mức 150.000 đồng/kg.

“Giảm nhiều nhất là các loại thịt thăn, sấn, xương. Mức giảm trên 10.000 đồng/kg tùy tình hình chợ. Thịt sấn, thăn bán lẻ tại chợ hiện nay giá chỉ từ 110.000 đồng/kg” - anh Trần Văn Đê (Mê Linh – Hà Nội), cho hay.

Theo các thương nhân, ngày 16.9, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh đã rời ngưỡng 50.000 đồng/kg. Trong đó, lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc có giá thấp nhất: Phú Thọ: 48.000 đồng/kg; hàng loạt tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên, TP.Hà Nội đang bán lợn hơi với giá 49.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi cao nhất cũng chỉ 51.000 đồng/kg (Hà Nam).

Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi phổ biến ở mức 50.000-52.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi bán ra ở mức 48.000-52.000 đồng/kg. Địa phương có giá thấp nhất là Bình Định (48.000 đồng/kg), địa phương có giá lợn hơi cao nhất là Đồng Nai (52.000 đồng/kg).

Giá các loại thủy sản, hải sản, thịt gia súc, gia cầm cũng giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Giá rau xanh các loại cũng giảm khoảng 2.000-3.000 đồng/kg so với trước.

Lý giải nguyên nhân giá thực phẩm giảm, các tiểu thương cho biết: Do nguồn cung dồi dào, sức mua chậm bởi các bếp ăn tập thể tại trường học, nhà máy đóng cửa, các nhà hàng cũng đang thực hiện giãn cách. Ngoài ra, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa gần đây đã được cải thiện nhiều hơn, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa.

 Giá thực phẩm các loai thủy sản giảm nhẹ so với trước dịch. Ảnh: Vũ Long

Nguồn cung dồi dào, đa dạng cách bán hàng

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021 cả nước khoảng 995.000 hecta rau (tăng 20.000 hecta so với năm 2020), sản lượng đạt 18,5 triệu tấn, ngoài đảm bảo nhu cầu trong nước, còn dư 4 triệu tấn tính vào lượng rau thất thoát sau thu hoạch và sử dụng cho các mục đích khác.

Về chăn nuôi, năm 2021 cả nước có khả năng cung ứng khoảng 15 tỉ quả trứng, gần 6 triệu tấn thịt các loại, 43,3 triệu tấn thóc, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, vừa dư để xuất khẩu.

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện Hapro cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP.Hà Nội về việc đảm bảo dự trữ nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm cung ứng cho người dân Hà Nội trong mọi tình huống của dịch bệnh COVID-19, bên cạnh một số mặt hàng thiết yếu do chính các công ty thành viên sản xuất, Hapro và BRG Retail đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu, tập trung vào 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của TP.Hà Nội gồm gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến... Ngoài ra, hệ thống còn triển khai phương thức bán hàng đa kênh như nhận đặt hàng qua App mua sắm trực tuyến BRG shopping, bán hàng trên nhóm Zalo, qua số hotline, fanpage, dịch vụ giao hàng tại nhà…

Hàng loạt siêu thị như Big C, MM Mega Market Việt Nam... cũng tổ chức các ứng dụng bán hàng tương tự để phục vụ người dân yên tâm chống dịch.

Tác giả: VŨ LONG

Nguồn tin: Báo Lao Động