Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những người từ "đếm tiền đô" về "nhặt bạc lẻ" chờ vượt dịch

Ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không ít nhân sự trong ngành này phải chuyển hướng đi. Từ "đếm tiền đô", họ chuyển sang "nhặt bạc lẻ" với những công việc như hướng dẫn viên du lịch online, bán hoa lễ...

 

Thay đổi để sống còn

7h, anh Lê Hoàng, 28 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội, bắt đầu công việc với chiếc điện thoại thông minh, chân máy, micro, phin pha cà phê, sữa đặc và nước để dạy khách nước ngoài pha cà phê theo kiểu Việt Nam. Thời lượng của lớp học sẽ kéo dài từ 45 đến 60 phút và được phát sóng trên các nền tảng trả phí hoặc miễn phí có khuyến khích khách "tip".

"Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi chuyển sang dẫn tour du lịch trực tuyến cho khách. Tôi sẽ đưa khách đi tham quan một vòng Hà Nội, đến những địa điểm quen thuộc như phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, cầu Long Biên và những quán cà phê, quán ăn nổi tiếng", anh nói.

Ngoài Thủ đô, anh Hoàng còn đưa du khách nước ngoài đến tham quan các địa điểm như Ninh Bình, Lào Cai, Nha Trang, Đà Nẵng với tour du lịch trực tuyến. Điểm khác biệt của các tour này so với tour truyền thống là mọi người sẽ trải nghiệm thông qua màn ảnh nhỏ.

Còn anh Phúc Anh, chủ một công ty du lịch ở Hà Nội lại chọn cách phát triển nội dung đa kênh trên các nền tảng như mạng xã hội trong thời gian giãn cách xã hội. Anh dự kiến, các kênh này sẽ làm nhiệm vụ "kéo" khách hàng, kiếm tiền về cho công ty.

"Thời điểm du lịch trong nước vẫn hoạt động, một kênh mạng xã hội của công ty mang về doanh thu 500 triệu đồng/tháng. Chúng tôi nhận thấy, đây là cách bán hàng tốt nên sẽ phát thêm mảng này. Cho nên, trong thời gian giãn cách xã hội, thay vì ngồi một chỗ, tôi chọn cách phát triển để sống còn", anh Phúc Anh nhận định.

 

Sự linh hoạt, chuyển đổi nhanh ở mỗi giai đoạn cũng được chị Bùi Băng Giang, chủ một công ty du lịch inbound (hình thức đưa khách từ những quốc gia khác du lịch đến quốc gia sở tại) áp dụng.

Sau đợt Covid-19 lần thứ nhất, khi thị trường du lịch quốc tế bị đóng băng, chị đã nhanh chóng chuyển sang làm du lịch nội địa, tiếp đến là khởi nghiệp với mảng hoa lễ và nhận được khá nhiều thành công.

Đối đầu khủng hoảng

Chị Giang nhớ lại, vào tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, công ty chị đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn khi giải quyết cho khách quốc tế bay về nước. Các tour du lịch đều phải dừng lại hoặc hoàn, hủy chuyến.

"Công ty tôi chuyên về thị trường quốc tế nên khách đi du lịch khá dài ngày. Trung bình một chuyến đi sẽ khoảng 10 ngày với chi phí hơn 2.000 USD/người. Tháng 3 vẫn được coi giai đoạn cao điểm của du lịch thì chúng tôi sẽ đón khoảng 400 khách/tháng. Nếu thử nhân lên, con số thiệt hại ấy rất lớn", chị nói.

Tuy nhiên, giờ nghĩ lại, chị Giang thấy quyết định khi xưa của mình là đúng đắn. Bởi sau này, khi dịch diễn biến ngày càng phức tạp, việc đăng ký các chuyến bay cho khách về nước vô cùng khó khăn.

 

"Chúng tôi đã dành cả tháng 3/2020 để giải quyết tất cả hợp đồng, hoàn, hủy tour cho khách. Từ tháng 4 - 6, chúng tôi nghiên cứu, chuyển đổi từ thị trường du lịch khách quốc tế sang khách nội địa để phù hợp với tình hình và ổn định tài chính cho công ty", chị lý giải.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chị Giang hiểu rằng chị cần tìm ra một hướng đi mới, để phát triển ổn định và có thể đi xa hơn trong tương lai và chị đã chọn hoa lễ để khởi nghiệp.

"Tôi vẫn hay trêu mọi người là ngày xưa làm du lịch quốc tế thì quen đếm tiền đô, giờ quay sang làm hoa, về với ruộng vườn thì hay đếm tiền lẻ", chị tếu táo nói.

Có lẽ, tháng 3/2020 với anh Phúc Anh, chủ một công ty du lịch là quãng thời gian kinh hoàng, khó quên nhất trong cuộc đời. Người ngày hôm trước vừa là ông chủ công ty khởi nghiệp hôm sau bất giác biến thành con nợ gánh lãi theo ngày.

Với số tiền 200 triệu đồng anh đầu tư mở studio, mua thiết bị, máy móc tự nhiên "không cánh mà bay" trước thông tin Hà Nội có ca dương tính đầu tiên với Covid-19. Trong đó, toàn bộ số khách đặt phòng, đặt tour du lịch tuyên bố hủy tour khiến anh trắng tay, ngã ngựa ngay từ phút đầu.

"Tôi nhớ chỉ sau một đêm, bao nhiêu công sức giờ hóa thành công cốc, từ ông chủ tôi trở thành kẻ gánh nợ trên vai. Bởi có bao nhiều tiền tôi đều dốc hết vào dự án nhưng khi đó, tôi không thể giương mắt nhìn anh em của mình thất nghiệp, ra đường. Có khó anh em cùng nghĩ, cùng vượt qua để tất cả mọi người không ai bị bỏ lại phía sau" - anh nhớ lại.

 

Sau đó, để xốc lại tinh thần, anh ra một quyết định là trong thời điểm dịch bùng phát, toàn bộ anh em trong công ty sẽ tập trung giải quyết booking cho khách và phát triển nội dung du lịch theo hướng đa kênh, đa nền tảng.

"Khi đó, tôi xác định mỗi nhân viên ở công ty giờ không chỉ làm một việc mà phải làm nhiều việc cùng một lúc để tồn tại và sống còn. Điển hình như việc nhân viên kinh doanh cũng có thể viết nội dung, dựng video, làm truyền thông và ngược lại. Riêng với sếp, cái gì cũng phải thử, cũng phải làm, nếu nhân viên cố một thì sếp phải cố gắng 10", anh nói.

Gỡ rối

Sau khi công ty chuyển sang làm thị trường du lịch nội địa, chị Bùi Băng Giang cũng đưa ra một quyết định quan trọng về mặt nhân sự. Trong đó, nhân viên ở công ty sẽ phải kiêm nhiệm cùng một lúc nhiều nhiệm vụ. Nếu như trước đây, ai ở bộ phận kế toán chỉ chuyên làm sổ sách thì nay cũng phải biết bán hàng, hướng dẫn viên cũng có thể bán hàng, admin diễn đàn càng phải biết bán hàng.

"Lúc đó, tôi có nói với toàn bộ nhân viên ở công ty rằng các em đều làm được thị trường này. Bởi đây là thị trường khách nói tiếng Việt, chính là tiếng mẹ đẻ của mình. Nên mọi người đều có năng lực hiểu khách hàng, đều có thể giao tiếp, thuyết phục khách hàng mà không gặp trở ngại về mặt ngôn ngữ. Kỹ năng gì thiếu, công ty sẽ đào tạo. Giả sử trước đây, công ty chỉ có 3 nhân viên kinh doanh trên tổng 10 nhân viên thì nay phải là 10/10", chị Giang chia sẻ.

Tiếp đến giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị chuyển đổi từ làm du lịch sang lĩnh vực kinh doanh hoa lễ. 

"Đây mới là giai đoạn khó khăn nhất của công ty về mặt nhân sự. Bởi từ du lịch sang du lịch thì dễ, còn du lịch sang một công việc khác thì không phải ai cũng chấp nhận thay đổi. Còn như tôi ở vị trí lãnh đạo, tôi hiểu rằng, câu chuyện trước mắt là giải quyết bài toán về mặt kinh tế và ổn định thu nhập cho nhân viên trong thời gian du lịch trong nước và quốc tế đang bị đóng băng", chị nói.

Khi đó, chị Giang đưa ra 2 quyết định, một là, nếu ai chịu được "nhiệt" và ở lại, mọi người vẫn làm du lịch cùng với kinh doanh mảng mới là hoa lễ. Còn ai thấy không phù hợp, có thể xin nghỉ, bao giờ du lịch phục hồi có thể quay lại công ty.

Đồng thời, chị Giang cũng chuyển tạm thời địa điểm công ty từ tòa nhà văn phòng sang nhà mặt đất, để khu vực tầng 1 có chỗ rộng rãi, phục vụ công tác cắm hoa và để nguyên vật liệu, tầng 2 là công ty du lịch. Nhân viên có thể sáng cắm hoa nhưng chiều là đi làm giá tour và tư vấn du lịch cho khách.

 

Từ một hướng dẫn viên chuyên dẫn tour du lịch trực tiếp, chuyển sang dẫn tour trực tuyến, anh Lê Hoàng cũng gặp phải vô số thử thách, khó khăn.

Theo anh, việc truyền đạt thông tin qua màn ảnh nhỏ làm sao cho khách hiểu, hứng thú và theo dõi hết là một bài toán đặt ra cho anh trong những ngày đầu. Bởi mọi trải nghiệm của khách ngoài nhìn bằng mắt thì đa phần đều dựa trên lời thuyết minh và miêu tả của anh.

"Việc nói trực tiếp với nhau đã khó rồi, giờ chuyển sang livestream, chỉ cần tốc độ mạng của tôi hoặc khách có vấn đề là đã bị ảnh hưởng. Do đó, việc truyền đạt sẽ phải thay đổi và khác đi một chút. Thay vì nói dài dòng thì tôi chú ý vào những keywords cho khách hiểu", anh nói.

Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tour du lịch online của anh sẽ rơi vào 2 khung giờ chính là 5 - 7h và 21h mỗi ngày, đôi khi là có tour rơi vào lúc 1 - 2h sáng tùy theo nhu cầu của khách.

"1 - 2h sáng là khoảng thời gian khá nhạy cảm. Hồi đó, tôi thực hiện tour Hà Nội về đêm và đi qua cầu Long Biên mà trên cầu, tầm đó không đèn đường nên tôi phải cầm theo đèn để soi, phục vụ cho việc quay video diễn ra thuận lợi. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi còn phải rủ thêm một bạn nữa đi cùng", anh nhớ lại.

Nắm bắt cơ hội

Nhắc đến cơ duyên đến với tour du lịch trực tuyến, anh Hoàng nhận thấy đây là cơ hội mà chính khách hàng tạo ra cho anh.

Vào thời điểm tháng 4/2020, một vị khách người Anh có hỏi anh Hoàng là có thể đưa tour cà phê Hà Nội lên nền tảng trực tuyến được không. Ngay lập tức, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu về mô hình mới và nhận thấy đây chính là một cơ hội tốt.

"Tôi vẫn còn nhớ như in về tour du lịch đó, tôi đã dẫn khách đi trải nghiệm 4 quán cà phê ở Hà Nội qua hình thức online với thời lượng 1 tiếng đồng hồ. Số tiền tôi nhận được cho tour này là 20 USD. Sau đó, từ những tour truyền thống sẵn có, tôi đã phát triển thành tour online. Trong đó, số tiền lớn nhất mà tôi nhận được là dẫn tour cho khách tham quan Mù Cang Chải với 200 USD", anh kể.

 

Còn sau này, những khi Hà Nội bước vào đợt giãn cách xã hội, anh Hoàng sẽ ở nhà livestream dạy khách pha cà phê. Lớp học này đặc biệt ở chỗ, người nước ngoài học được cách pha cà phê kiểu Việt Nam vừa biết thêm những thông tin, câu chuyện về con người, cảnh đẹp của dải đất hình chữ S.

Tiết lộ thêm về cơ duyên đến với hoa lễ, chị Bùi Băng Giang hé lộ: "Cái thời điểm tôi nghĩ mình phải tìm ra một hướng đi mới, để có thể đi xa hơn là kinh doanh đồ ăn. Và thương vụ đầu tiên tôi triển khai là bán bánh trung thu của khách sạn 5 sao. Chúng tôi không lấy ảnh bánh của khách sạn mà muốn tự tay chụp ảnh cho độc đáo.

Để hình ảnh ra đúng chất trung thu, chúng tôi có mua thêm quả thị, hoa hoàng lan, hoa nhài đặt bên cạnh bánh trang trí. Nhưng khi đăng tải bức hình lên, khách vào xem thì lại không hỏi mua bánh trung thu mà hỏi mua thị, hoàng lan và hoa nhài. Do đó, chúng tôi đã đọc ra nhu cầu của khách là gì", chị nói.

 

Ngay trong một buổi sáng, chị Giang và cộng sự đã quyết định "đập đi xây lại" mô hình kinh doanh, từ đồ ăn chuyển sang bán hoa lễ. Chính nhờ quyết định nhanh chóng, táo bạo đó mà chị đã có bước chuyển mình thành công.

Chỉ tính riêng mùa Vu lan năm trước, nhà chị ngập đơn đặt hàng và thu về lợi nhuận cực kỳ lớn. Dự kiến, mùa Vu lan năm nay, cơ sở hoa lễ của chị Giang sẽ nhận hơn 2.000 mẹt hoa cúng lễ.

"Tương lai thì khó nói trước nhưng sau này, khi cuộc sống trở lại bình thường, du lịch được hồi phục, tôi vẫn muốn làm mảng hoa lễ. Bởi tôi nhận thấy, bất cứ công việc cũng sẽ mang lại cho tôi những trải nghiệm, cơ hội và sự phát triển", chị tâm sự.

Ngoài ra chị Giang còn tiết lộ, công ty du lịch của chị luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng. Bởi hơn một năm qua, dù tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhưng chị vẫn thường xuyên đào tạo, trau dồi kiến thức cho nhân viên.

Hiện tại, công ty chị đang làm giá tour cho năm 2022 - 2023 và hỗ trợ, tư vấn cho khách về những điểm đến du lịch mới. Chị hy vọng sự xuất hiện vắc xin chính là "phao cứu sinh" khiến ngành du lịch được phục hồi.

Và đây cũng là mong ước của anh Phúc Anh, bởi anh cho rằng, nếu đại bộ phận người dân được tiêm vắc xin sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, từ đó, cuộc sống sẽ trở lại bình thường và ngành du lịch sẽ được phục hồi, phát triển.

Tác giả: Hoàng Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí