Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người dân ngày càng ít gửi tiền vào ngân hàng

Số liệu của NHNN cho biết trong tháng 5, lượng tiền gửi của cư dân tại các nhà băng chỉ tăng 13.400 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 so với năm 2020 và bằng 1/3 so với năm 2019.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, tổng phương tiện thanh toán toàn thị trường (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) đã đạt trên 12,558 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2020.

Trong đó, mức tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giai đoạn này là 3,26%, đạt 5,036 triệu tỷ đồng và tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 2,6%, đạt 5,275 triệu tỷ đến cuối tháng 5.

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng đã tăng gần 159.000 tỷ, trong khi số dư tiền gửi của người dân tăng thêm gần 134.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, với mức tăng trưởng tiền gửi của cư dân chỉ ở mức 2,6%, đây là mức tăng thấp nhất trong gần một thập niên qua (từ khi NHNN thống kê số liệu này).

Cụ thể, mức tăng trưởng tiền gửi của người dân 5 tháng đầu năm nay đã thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 4%) và chưa bằng 1/2 so với 5 tháng đầu năm 2019 (đạt 6,84%).

Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng tiền gửi của người dân ghi nhận xu hướng chậm lại. Điều này cho thấy người dân đang ngày càng ít gửi tiền vào ngân hàng.

 

Một số liệu khác cho thấy lượng tiền người dân gửi vào ngân hàng chậm lại là mức tăng ròng của chỉ tiêu hàng tháng.

Riêng tháng 5, tiền gửi của người dân tại các ngân hàng tăng ròng hơn 13.400 tỷ, tuy cao hơn 2 tháng liền trước, nhưng số này lại thấp hơn một nửa so với cùng kỳ tháng 5/2020. Thậm chí, mức tăng ròng này chỉ tương đương 1/3 so với cùng kỳ năm 2019 với gần 38.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tiền gửi của dân cư chậm lại có một phần nguyên nhân đến từ việc lãi suất huy động thấp.

Theo đó, từ năm 2020 đến nay (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát), mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm 1-2 điểm %/năm ở hầu hết kỳ hạn.

Lãi suất bình quân tiền gửi bằng VND với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm từ 4,3-5%/năm xuống 3,1-3,8%/năm; tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 5,3-7%/năm xuống 4-5,9%/năm.

Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện phổ biến có mức lãi suất ở 5,6-6,7%/năm, trong khi đầu năm 2020 là 6,6-7,5%/năm.

 

Ngoài việc dòng tiền chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác có lợi suất hấp dẫn hơn, việc người dân hạn chế gửi tiền ngân hàng hơn cũng đến từ việc các nhà băng chủ động giảm tăng trưởng ở chỉ tiêu này để cân bằng tỷ lệ LDR (cho vay/huy động).

Theo ACBS, năm 2020, tăng trưởng huy động vốn các ngân hàng đã đạt 14% trong khi tín dụng tăng trưởng thấp hơn (12,13%). Điều này đã gây ra tình trạng dư thừa thanh khoản lớn trong hệ thống ngân hàng nửa cuối năm.

Một số nhà băng như Techcombank, TPBank, MSB đã tận dụng tình hình thanh khoản dồi dào để tăng cường đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp, qua đó giảm chi phí vốn và cải thiện NIM.

Thực tế, các ngân hàng kể trên hiện cũng nằm trong nhóm có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống với bình quân chỉ vào khoảng 5-5,6%/năm (kỳ hạn 12 tháng), thấp hơn mặt bằng chung là 5,6-6,7%/năm.

Theo các chuyên gia của ACBS, dù tình trạng dư thừa thanh khoản đã giảm trong 6 tháng đầu năm nay nhưng chênh lệch huy động – cho vay chỉ giảm khoảng 100.000 tỷ so với đỉnh điểm dư thừa ở năm ngoái. Và điều này là do xu hướng cải thiện tỷ lệ LDR nhằm tối ưu hóa bảng cân đối của phần lớn ngân hàng, chứ không phải dấu hiệu cho thấy thanh khoản căng thẳng.

Ngoài ra, việc NHNN mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng giá trị 7 tỷ USD trong quý I dự kiến đưa vào hệ thống 150.000 tỷ tiền đồng trong quý III này có thể khiến thanh khoản tiếp tục dồi dào. Vì vậy, mặt bằng lãi suất huy động vẫn sẽ thấp, đi cùng với đó là số dư tiền gửi của cư dân chậm lại.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zingnews.vn