Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cô giáo Vật lý thu hút 1,6 triệu lượt xem khi livestream

Trước khi trở thành giáo viên Vật lý thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, cô Minh Thu từng là học sinh cá biệt và phải đấu tranh để được theo ngành sư phạm.

Buổi livestream của cô Minh Thu tối 22/7 với tiêu đề "Đại cương con lắc lò xo" đạt 1,6 triệu lượt xem. Con số này giúp giáo viên Vật lý tại Hà Nội trở thành gương mặt đáng chú ý trên mạng xã hội.

"Tôi rất bất ngờ. Buổi livestream đầu tiên chỉ có khoảng vài chục người xem. Số lượt xem tăng dần qua các buổi. Tôi biết một số diễn đàn có chia sẻ lại nhưng không nghĩ thu hút được nhiều người đến vậy", cô Trần Thị Minh Thu (24 tuổi), nói với Zing.

 Buổi livestream của cô Minh Thu có 1,6 triệu lượt xem. Ảnh chụp màn hình.

Thức đến 3h để trả lời tin nhắn học sinh

Cô Minh Thu cho biết cô từng học lớp chuyên Vật lý tại trường THPT chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) trước khi học ĐH Sư phạm Hà Nội.

Cô giáo trẻ đam mê với nghề giáo từ nhỏ. Thời còn học cấp 3, cô Minh Thu đã mở lớp hỗ trợ học sinh THCS trong xã ôn thi vào trường chuyên. Lên đại học, cô gắn bó với công việc gia sư, ôn thi Olympic, học sinh giỏi và luyện thi đại học suốt 4 năm. Thậm chí, từ năm 3, cô đã tự lập tài chính hoàn toàn nhờ dạy thêm.

Tốt nghiệp đại học, cô Minh Thu dạy STEM tại hai trường phổ thông liên cấp ở Hà Nội. Nhưng cách đây một tháng, khi dịch Covid-19 khiến việc dạy học tại trường cũng như dạy thêm tại nhà trì trệ, cô giáo trẻ quyết định chuyển sang tập trung hoàn toàn ở mảng online.

Thực tế, ngoại hình là một trong những yếu tố giúp cô Minh Thu thu hút người xem trong các buổi livestream.

Cô Trần Thị Minh Thu thừa nhận mọi thứ đến quá nhanh khi cô mới chỉ tập trung cho nội dung của trang từ một tháng trước. Vốn là người hướng ngoại, tự tin, cô không quá áp lực. Tuy nhiên, việc "nổi" quá nhanh, có cả ý kiến tích cực lẫn trái chiều khiến cô có phần lo lắng do chưa chuẩn bị cho tình huống như vậy.

"Ngoại hình là một lợi thế nhưng nó chỉ là yếu tố phụ. Làm giáo viên, điều quyết định vẫn là chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Ngoại hình giúp tôi thu hút người xem lúc mới bắt đầu song để giữ chân học sinh, tôi cần đảm bảo chất lượng giảng dạy", cô Minh Thu tâm sự.

Vì thế, sau mỗi buổi livestream, cô chủ động xin ý kiến đánh giá từ các đồng nghiệp để biết bản thân cần cải thiện thêm ở mặt nào.

Ngoài ra, trong thời gian này, cô đặt rất nhiều sách, trau dồi chuyên môn để các buổi livestream kế tiếp, cô sẽ thu hút người xem chất lượng giảng dạy chứ không chỉ nhờ ngoại hình.

Mỗi ngày, cô Minh Thu luôn dậy sớm, soạn bài, lên nội dung cho các clip dạy học đăng trên một nền tảng chuyên chia sẻ video. Cô còn đọc báo liên quan đến giáo dục, đọc tài liệu. Buổi tối, giáo viên trẻ trang điểm rồi lên livestream. Sau đó, cô dành thời gian luyện đề để củng cố kiến thức.

Trong những ngày hạn chế ra ngoài vì dịch Covid-19, việc phát sóng trực tiếp mang lại nhiều niềm vui cho cô giáo trẻ. Cô có thể tương tác với học sinh. Sự đón nhận của học trò là động lực đối với cô.

Số lượng học sinh gửi tin nhắn nhờ giải bài cũng tăng lên nhiều. Nhiều hôm, cô phải thức đến 3h để trả lời các câu hỏi. Ngoài ra, cô cũng gửi tài liệu miễn phí cho những em có nhu cầu.

 Cô Minh Thu nghỉ công việc ở trường để tập trung mảng online.

Từng phải đấu tranh để vào sư phạm

Khi phát sóng trực tiếp, cô Trần Thị Minh Thu thường thích trò chuyện, trao đổi với học sinh. Cô cũng chịu khó trả lời các bình luận để cô trò tương tác nhiều hơn.

Cô giáo trẻ cho biết cô hy vọng có thể giúp các em tìm ra bản thân mình thay vì chỉ biết mỗi việc học.

"Có lẽ, việc từng là học sinh cá biệt giúp tôi hiểu và dễ tương tác với học trò. Nhiều khi các em nghịch ngợm chỉ để giải trí và làm tuổi học trò thú vị hơn. Thậm chí, trước khi trở thành giáo viên, tôi đã mong khi theo nghề, nếu gặp học sinh cá biệt, tôi vẫn sẽ yêu quý các em. Tôi chỉ cần các em tôn trọng giáo viên", cô giáo trẻ tâm sự.

 Nữ giáo viên được yêu thích trên mạng xã hội.

Cô Minh Thu kể hồi THCS, dù học tại ngôi trường mà học sinh có tiếng giỏi và ngoan, cô vẫn đi học muộn, không mặc đồng phục, nói chuyện riêng, ăn quà vặt trong lớp và thỉnh thoảng trốn học. Là học sinh cá biệt nhất trường, không ít lần, cô phải lên gặp hiệu trưởng.

Lên cấp 3, cô vẫn phạm những lỗi như vậy. Tuy nhiên, cô luôn tôn trọng giáo viên, không hỗn láo. Cô chỉ nghĩ tại sao học sinh không thể chọn cho mình cách học riêng, miễn là đảm bảo kết quả tốt.

Chính suy nghĩ đó thôi thúc cô học trò trường THPT chuyên ĐH Vinh lựa chọn ngành sư phạm. Tuy nhiên, lựa chọn này không được gia đình ủng hộ.

Năm đầu tiên, Minh Thu đấu tranh thất bại và nghe theo định hướng của bố mẹ, thi vào trường công an. Năm đó, cô không trúng tuyển.

Sang năm thứ hai, cô tiếp tục đấu tranh để được thi vào trường sư phạm. Lúc này, bố mẹ đã "xuôi xuôi". Đến nay, chứng kiến cách con gái gắn bó với nghề giáo, họ thừa nhận đây mới thực sự là nghề phù hợp với con.

Việc chuyển sang tập trung vào mảng online cũng giúp cô giáo trẻ theo đuổi mục tiêu đặt ra từ trước - trở thành giáo viên tâm lý, được học trò yêu quý, tiếp cận nhiều học sinh.

Sắp tới, cô Trần Thị Minh Thu dự định sẽ mở các buổi livestream trên nhóm kín có thu phí hoặc dạy học qua nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, cô chưa có kế hoạch cụ thể cho việc này.

Ngoài ra, trong 1-2 năm tới, cô Minh Thu sẽ đăng ký học cao học tại trường đại học trong hoặc ngoài nước để nâng cao chuyên môn.

Tác giả: Bách Linh

Nguồn tin: zingnews.vn