Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bệnh viện điều trị COVID-19, bệnh viện dã chiến ở TP.HCM cấp bách tìm máy thở, nguồn oxy

Số ca mắc COVID-19 tăng kéo theo tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng cũng nhiều lên, việc trang bị các thiết bị y tế để kịp thời cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch như máy thở, oxy, máy thở di động, khẩu trang N95, đồ bảo hộ… trở nên cấp bách.

 Nhân viên y tế thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính hết ngày 17-7, TP.HCM có 27.668 trường hợp mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố.

Hiện thành phố đang phải điều trị cho 26.873 bệnh nhân dương tính mới. Sở Y tế phân cho 12 bệnh viện dã chiến với quy mô 34.500 giường. Tuy nhiên hiện nhiều bệnh viện không chỉ trong tình trạng quá tải mà thiếu một số trang thiết bị y tế.

Cần chi viện máy thở, oxy nhiều hơn

Bác sĩ Trần Chánh Xuân - giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - cho biết bệnh viện đang phải điều trị cho 700 trường hợp F0 từ nhẹ đến nặng. Bệnh viện chỉ có 20 máy monitor (thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân), trong khi đó số giường cần máy này lên đến 100 máy.

"Những ngày qua bệnh viện thiếu máy thở di động nên phải mượn từ các đơn vị khác. Hiện tại chúng tôi cần thêm 2 máy thở di động nữa và 80 máy monitor" - bác sĩ Xuân nói.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Th.S BS Phạm Thái Sơn - phó khoa nhiễm - thông tin hiện bệnh viện đang điều trị cho hơn 140 trường hợp F0 gồm cả người lớn và bệnh nhi. Bệnh viện cần thêm 10 máy thở nữa mới đáp ứng nhu cầu.

Còn bác sĩ Nguyễn Trần Nam - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, đồng thời phụ trách Bệnh viện dã chiến số 4 - cho hay bệnh viện chỉ có 2 máy thở, vẫn còn thiếu máy thở. Tại Bệnh viện dã chiến số 4, có hơn 4.000 người bệnh nhưng chưa được trang bị máy thở nào.

"Bệnh viện dã chiến phải trang bị thêm máy thở trong quá trình chờ đợi cho bệnh nhân lên tuyến trên, đồng thời cần nguồn oxy lớn, vì số lượng bệnh nhân nhiều, thời gian sắp tới dự báo lượng bệnh nhân nặng còn tăng", bác sĩ Nam nói.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Linh - khoa hô hấp Bệnh viện điều trị COVID-19 Gò Vấp - cho biết đang chăm sóc một số bệnh nhân có diễn biến nặng, phải thở oxy dòng cao (HFNC). Hiện bệnh viện này đang thiếu thuốc men, máy xét nghiệm cho bệnh nhân.

 Các bác sĩ đang cấp cứu cho một bệnh nhân COVID-19 nguy kịch - Ảnh: Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi

Đồ bảo hộ chỉ còn đủ dùng trong 10-15 ngày

Cũng theo bác sĩ Nam, tại Bệnh viện dã chiến số 4, trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế dự trù chỉ còn đủ sử dụng trong 10-15 ngày tới. Nếu không được cung cấp thêm thì sau thời gian trên sẽ không còn đồ bảo hộ cho nhân viên y tế nữa.

Bác sĩ Chánh Xuân - Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - cho hay bệnh viện cần 2 xe cứu thương để gửi mẫu và rất nhiều công việc khác, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế...

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 1 - chia sẻ hiện nay Bệnh viện dã chiến số 1 đang có khoảng 4.500 ca F0 không có triệu chứng, và có gần 250 y bác sĩ đang làm việc tại đây.

"Chúng tôi rất cần thêm xe cứu thương để việc vận chuyển bệnh nhân đúng giờ, không làm chậm quá trình cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Trung bình một ngày các bác sĩ phải dùng đến 4-5 chiếc khẩu trang, nếu được trang bị thêm chúng tôi sẽ an tâm hơn", bác sĩ Tâm chia sẻ.

Đại diện Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ chia sẻ bệnh viện đang điều trị cho khoảng 600 F0 có triệu chứng nhẹ. Huyện lại cách xa khu vực trung tâm đến 2 tiếng đồng hồ xe chạy, việc cấp cứu cho bệnh nhân phải hết sức quan tâm. Nhưng hiện nay bệnh viện chỉ có 1 chiếc xe cứu thương, không thể lắp đặt được hệ thống oxy nên rất vất vả trong quá trình vận chuyển bệnh nhân nặng cấp cứu.

Bác sĩ Phạm Gia Thế phụ trách Bệnh viện dã chiến số 3 phân tích: "Trong tình hình phức tạp như hiện nay, khi bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng trên hạn chế khả năng nhận bệnh, bệnh viện dã chiến sẽ phải tăng sức chiến đấu.

Các bệnh viện dã chiến sẽ xử lý bệnh tại chỗ nếu không kịp chuyển tuyến, do đó bệnh viện dã chiến sẽ cần đến các thiết bị y tế như máy chụp X-quang, điện tim, siêu âm, hệ thống xét nghiệm... Vấn đề quan tâm hiện nay nữa là tốc độ triển khai xét nghiệm RT-PCR cho bệnh nhân trước khi xuất viện vẫn còn chậm".

Tác giả: Thu Hiền 

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ