Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giải ngân vốn đầu tư công – không thể “thích” thì xin rồi "ngâm"

Theo các chuyên gia kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ góp phần quan trọng trong việc đạt các mục tiêu kinh tế đã đề ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

 Đầu tư công là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa: TL

Bức tranh nhiều gam xám

Hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành vẫn rất chậm do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19…

Một số dự án đầu tư công có tốc độ giải ngân "ỳ ạch" có thể tính đến như: Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 (huyện Bình Chánh, TPHCM); Dự án Nhà máy nước thải Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội) đang gặp khó khăn do nhiều thiết bị trong gói thầu số 1 phải nhập khẩu từ EU và Nhật Bản bị chậm trễ.

Dự án Nhổn - Ga Hà Nội cũng có tốc độ "rùa" điển hình do nhiều phát sinh. Được khởi công từ tháng 9.2010, sau gần 11 năm, đến ngày 1.7.2021, đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội mới được chạy thử toàn tuyến trên cao. Công trình này dự kiến hoàn thành, khai thác đoạn trên cao cuối năm 2021, đoạn ga ngầm vào cuối năm 2022.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh: Vai trò của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế rất quan trọng, tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Như vậy, nếu chậm trễ trong giải ngân, đồng nghĩa là cản trở bánh xe tăng trưởng đang quay.

Theo Bộ Tài chính, ước tính giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2021 mới đạt trên 102.029 tỉ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%).

Lấy kết quả giải ngân năm 2021 làm tiêu chí đánh giá thi đua

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý, năm 2021 một trong những lý do khiến dự án đầu tư công chậm do giá thép và giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác tăng cao, nếu không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đặt ra. Cần tính đến hiệu quả của các dự án đầu tư, không thể cứ "thích" thì xin rồi "ngâm" không thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 13/2021/CT-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương, cần lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của các đơn vị làm tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu.

Bộ KHĐT cũng đề nghị lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Trong gần nửa đầu năm 2021, có 15/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 3% gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Bạc Liêu.

Đặc biệt, hiện có tới 37/63 địa phương tỉ lệ giải ngân là 0%.

Tác giả: VŨ LONG

Nguồn tin: Báo Lao Động