Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh

Thanh toán thẻ không tiếp xúc được dùng nhiều nhất khi ăn uống, trong khi mã QR phổ biến trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn, mua sắm...

Đây là những thông tin vừa được công bố trong báo cáo mới nhất của Visa về xu hướng thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng 34% trong quý 1/2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230%. Đồng thời, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử cũng tăng 5,5 lần so với quý 4/2020.

Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, thanh toán không tiền mặt đang tăng trưởng đáng kể qua tần suất sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và mã QR.

Trong đó, thẻ không tiếp xúc được dùng nhiều nhất trong danh mục thực phẩm và ăn uống, với 67% người tiêu dùng tăng cường sử dụng phương thức này trong năm 2020.

Thanh toán qua mã QR cũng tăng vọt, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn (71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (58%) và tại siêu thị (57%).

 Thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là không tiếp xúc, ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam. Ảnh: Visa.

Trong khi đó, thanh toán không tiếp xúc bằng di động dần trở nên phổ biến, với mức tăng cao nhất trong các giao dịch thuộc lĩnh vực sức khỏe và thể thao (55%). Có đến 88% người được khảo sát biết đến và 45% đang sử dụng phương thức này.

“Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc và ngày càng nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số. Các xu hướng này sẽ còn được duy trì”, bà Đặng Tuyết Dung nhìn nhận.

Thực tế, ngày 28/4, ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cũng cho biết đến nay, 98,61% khách hàng đã chuyển sang thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

Trong đó, tỷ lệ khách hàng thanh toán qua ví điện tử nhảy vọt lên con số hơn 18 triệu người, chiếm đến 68% trong tỷ trọng các hình thức thanh toán. Theo sau về mức độ phổ biến là SMS & Mobile banking (12,07%), trích nợ tự động (8,51%) và Internet Banking (8,45%)...

Mặc dù vậy, EVNHCMC nhìn nhận vẫn có trường hợp thanh toán tiền mặt tại quầy ngân hàng hoặc tại các điểm thu chuyển vào ví điện tử... Cụ thể, qua ghi nhận hàng quý, có từ 3,88-5% khách hàng còn giao dịch tiền mặt khi nộp tiền điện qua ngân hàng, còn tỷ lệ này với các đơn vị trung gian thanh toán khác lên đến hơn 63%.

Do đó, doanh nghiệp đang hướng đến những giải pháp tích cực hơn để dần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc thanh toán tiền điện nói riêng và thanh toán hóa đơn nói chung để hướng đến một xã hội không tiền mặt. EVNHCMC đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% khách hàng thanh toán tiền điện tại TP.HCM sẽ không dùng tiền mặt.

Tác giả: Lan Anh

Tác giả: zingnews.vn