Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bé 5 tuổi bị hại và giết: Đừng bắt con nghe lời để khen, đừng để con 1 mình

Vụ việc bé gái 5 tuổi ở Vũng Tàu bị hàng xóm xâm hại và giết chết làm nhiều người phẫn nộ. Đứa bé chết trong hoảng loạn lần nữa cảnh báo về nạn xâm hại trẻ em và vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ.

Thông tin từ cơ quan điều tra tỉnh Vũng Tàu, Phạm Văn Dũng, 46 tuổi, bị bắt sau khi đến đám tang chia buồn với cái chết của bé gái 5 tuổi với cáo buộc là hung thủ sát hại nạn nhân. Dũng làm nghề giá đỗ, sống sát vách nhà nạn nhân, hay cho trẻ con kẹo, được khen là tử tế, đàng hoàng...

 Thủ phạm xâm hại và giết bé gái 5 tuổi là hàng xóm sát nhà nạn nhân

Lâu nay, câu cửa miệng của nhiều người, của nhiều sách vở với trẻ là tránh xa người lạ. Vậy nên, khi một sự việc xảy ra, nhiều người lại té ngửa khi thủ phạm là người thân quen ngay bên cạnh.

Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) có 93% kẻ xâm hại là người quen, chỉ có 7% là người lạ.

Đừng bắt con phải chấp hành mọi yêu cầu từ người khác để được khen là ngoan

Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh (Anh Ba Sài Gòn) chia sẻ trên trang cá nhân về sự việc:

Cháu gái quá nhỏ để biết chuyện gì đang xảy ra trước khi tắt thở. Võng mạc của con ở tuổi này hàng ngày lẽ ra chỉ lưu trữ hình ảnh của gấu bông, của bánh, kẹo, bạn bè, cha mẹ... nhưng xót xa thay trong giây phút cuối đời ánh mắt thơ ngây của cháu lại phải mở to hoảng loạn vì đớn đau thể xác mà kẻ thủ ác gây ra.

 Hiện trường vụ việc nơi phát hiện thi thể cháu bé

Nhiều khi đi thang máy các chung cư, tôi ngạc nhiên vì có nhiều cháu bé 5-7 tuổi đi thang máy một mình, thậm chí là vào đêm muộn. Hoặc khi về quê, các cháu nhỏ vẫn được thả tự do để chạy khắp xóm vui đùa, tiếp xúc với người quen lẫn người lạ không hề có sự quan tâm, giám sát của phụ huynh.

"Có lần tôi góp ý với bà chị người quen rằng cho cháu chạy lung tung như thế không an toàn, thậm chí có thể bị xâm hại nếu cháu không may gặp phải loại ác quỷ đội lốt người.

Nhưng đáp lại là thái độ thờ ơ, chủ quan vì: Anh lo xa quá, ở quê người ta biết nhau cả mà", Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh kể.

"Anh chị hãy nhớ rằng xã hội ngày càng phát triển không có nghĩa rằng bất cứ thành viên nào xã hội cũng văn minh. Cứ một người tốt bụng, hiền lành thì thấp thoáng đâu đó sẽ có một kẻ vô lại núp dưới đủ vỏ bọc của loài người.

Từ việc các cháu rơi từ tầng cao chung cư cho đến việc bị kẻ gian hãm hại nơi quãng vắng. Hầu như bất kỳ sự cố, tai nạn nào liên quan đến trẻ em đều có mối quan hệ nhân quả đến việc lơ là, chủ quan của người lớn", bác sĩ bày tỏ.

Tội phạm là vấn đề quy luật, xã hội vĩnh viễn không bao giờ hết tội phạm những người lớn lương thiện hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ giữ gìn cho môi trường sống của các con an toàn, lành mạnh hơn. Phải làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ án đau lòng hoàn toàn có thể phòng ngừa này.

Trong mắt cha mẹ thì con cái chỉ là đứa trẻ hồn nhiên, vui tươi nhưng trong mắt một kẻ bệnh hoạn gần nhà thì cháu lại là con mồi và chúng nó chỉ đợi thời cơ thuận lợi để xâm hại, lạm dụng, thực hiện tội ác để thỏa mãn dục vọng đê hèn.

Theo ông, không thể lấy bất kỳ lý do gì để biện minh cho sự vô trách nhiệm với con cái của mình.

Để nhận diện được những kẻ bệnh hoạn, lệch lạc trong đời sống thường ngày là không thể. Đó có thể là một tên nghiện nhưng cũng có thể là ông lão hiền lành suốt ngày chỉ biết tập dưỡng sinh. Để tránh nguy cơ thì chỉ có thể chọn giải pháp phòng ngừa từ bên trong, từ chính gia đình mình.

Hãy dạy con cách chào hỏi nhưng đừng bắt con phải chấp hành mọi yêu cầu từ người khác để được khen là ngoan.

Hãy dạy con không cần phải nghe lời người lạ nếu không có ba mẹ đi cùng, hãy dạy con biết cách phản ứng và kêu cứu nếu có ai đó cố ý sờ mó cơ thể của con.

Và cuối cùng, hãy dành nhiều thời gian hơn cho con cái để lắng nghe những gì con làm suốt một ngày, dò hỏi xem khi đi học con có phải sợ một điều gì đó không? Có ai dặn con không được kể việc A, việc B cho bố mẹ không? Khi tắm rửa cho con hãy để ý xem cơ thể con có những vết bầm, trầy xước bất thường để tìm hiểu kỹ nguyên nhân...

 Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) có 93% kẻ xâm hại là người quen (Ảnh minh họa)

Không có thứ lịch sự nào cho phép người khác nựng con mình bằng cách sờ vào chim cháu hay thoải mái ôm hôn mặt, miệng của con chỉ vì "cháu dễ thương quá" dù đó là hàng xóm láng giềng hay bạn bè thân thiết.

Trẻ con không bao giờ thích người lạ dù cháu không dám nói ra. Hãy bảo vệ và tôn trọng cảm xúc của con, bởi vì chỉ có cha mẹ mới hiểu cả những điều con không nói mà thôi...

Con phải biết mẹ yêu con vô điều kiện, kể cả khi sai lầm

Bà Trần Thu Hà, tác giả cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết" cho hay: Cần phải dạy giới tính cho con bắt đầu từ 0 tuổi!

Từ nhỏ, dạy con biết yêu thương mình, gìn giữ giá trị của mình. Từ nhỏ, đừng bao giờ chê bai ngoại hình của con. Từ nhỏ, con phải biết mình quý giá và đáng trân trọng.

Cơ thể con là của riêng con. Con được quyền từ chối. Không ai có quyền được nói xấu hay xâm hại con.

Thậm chí con có thể làm những việc trái ngược với tập quán truyền thống như từ chối ôm, hôn ai mà con không muốn, kể cả bố mẹ ông bà, chú bác, thầy cô giáo...

Về quê, gặp ông bà nào sờ vào vùng kín giỡn "cho ông/bà xem chim nào", thì cứ từ chối thẳng thắn, cứ hét lên. Thà bị cho là ghê gớm mất nết, còn hơn là mất mạng.

"Nền móng là dạy con biết yêu thương mình, gìn giữ giá trị của mình. Từ nền móng đó sẽ dần dần dẫn tới việc con sẽ biết làm thế nào. Chúng ta sẽ cư xử sẽ khác hẳn khi biết mình có giá trị", tác giả nhấn mạnh.

Bà Hà cũng chia sẻ một thống kê bà đọc được, kẻ ấu dâm thực hiện 117 tội ác tình dục trong đời. Và trung bình một gã khốn cưỡng hiếp 50 trẻ em trước khi có một em dám nói ra.

Vậy nên, chúng ta phải cho con biết mẹ yêu con vô điều kiện, ngay cả khi con phạm sai lầm, con bị lừa, tai nạn, con vẫn tốt đẹp. Dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, dù cả bạn bè con quay lưng lại với con, dù họ hàng, cộng đồng, cả thế giới không tin con, thì con vẫn còn mẹ.

Bà mẹ hai con cũng chia sẻ, giáo dục giới tính vẫn là vấn đề cha mẹ ngại ngần. Trong khi học về giới tính và tình dục, không mang lại bằng cấp, nhưng có thể sẽ cứu cả cuộc đời con.

Tập thói quen văn minh đứng xa trẻ nhỏ ít nhất 1m

"Mỗi chúng ta bắt đầu từ giờ nên tập một thói quen văn minh là đứng xa các cháu ít nhất 1m trong không gian hẹp và hạn chế việc bắt chuyện làm quen nếu không có cha mẹ các cháu đứng cùng.

Hãy báo cho bảo vệ, người quản lý tòa nhà nếu thấy có bất thường dù là nhỏ nhất. Yêu thương trẻ con như thế mới là thật sự yêu thương", Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí