Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 với những khoản nợ “khổng lồ”

Trải qua thời gian, hàng trăm chiếc tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của tỉnh Nghệ An đang gánh những khoản nợ “khổng lồ” từ ngân hàng. Lúc này, các ngư dân đang cần sự chia sẻ, tháo gỡ khó khăn từ chính sách tín dụng, bảo hiểm và chính sách hỗ trợ đầu tư.

 Tàu cá vay vốn theo Nghị định 67.

Tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 với những khoản nợ “khổng lồ”

Từ khi thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 17/2018/NĐ-CP đến nay, thủy sản nghệ An đã có bước phát triển mạnh mẽ và khá đồng bộ. Hạ tầng thủy sản từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Cơ cấu đội tàu khai thác được chuyển dịch theo hướng tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, công nghệ khai thác tiên tiến và có khả năng khai thác xa bờ tăng nhanh, tàu nhỏ khai thác ven bờ ngày một giảm dần, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia.

Trình độ về quản lý kinh tế, quản lý và vận hành tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại được nâng cao. Quan hệ sản xuất trong khai thác đổi mới và phát triển phù hợp với lực lượng sản xuất, hình thành và phát triển nhiều tổ hợp tác, tổ đội khai thác nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác và vận chuyển vật tư, sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác; đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân ngày một nâng cao.

Nhờ có đội tàu khai thác xa bờ tăng, mở rộng ngư trường nên sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh nhà cũng tăng nhanh qua các năm.

 Ngư dân buôn bán hải sản từ việc đánh bắt xa bờ.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Nghệ An, năm 2020, sản lượng khai thác biển đạt 179.000 tấn, tăng 80.902 tấn, bằng 196% so với năm 2014 (98.098 tấn). Cơ cấu sản phẩm khai thác thay đổi theo hướng tăng nhanh các loài có chất lượng, giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, song, vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ đối với những tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 này.

Hiện, do ảnh hưởng dịch Covid-19 làm cho giá cả thuỷ sản giảm xuống trong khi đó đội tàu đánh bắt hải sản không phải là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42. Bên cạnh đó, nguồn lợi thuỷ sản đang dần cạn kiệt, đang phải chịu thẻ vàng Châu Âu, vùng đánh bắt bị hạn chế. Lao động rời biển để làm ăn trên bờ, hoặc đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều...

Chia sẻ với PV, ông Vũ Ngọc Chắt, chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trước đây, Quỳnh Long được xem là 1 trong những địa phương có tỷ lệ tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung. Thời kỳ cao điểm, có đến hơn 100 chiếc tàu tham gia đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 50 chiếc tàu này, trong đó có 14 chiếc tham gia vốn vay theo Nghị định 67. Tuy nhiên, vừa qua, đã có 3 chiếc tàu trong số đó đã bị ngân hàng cưỡng chế, phát mãi tài sản”.

Tính đến thời điểm ngày 28/2/2021, trên địa bàn Nghệ An đã triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với tổng số tiền đã giải ngân là 860 tỷ đồng. Hiện, các chủ tàu dư nợ tại ngân hàng với tổng dư nợ 660,4 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 121,74 tỷ đồng; nợ lãi tiền vay 27,82 tỷ đồng.

Tàu cá tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67 bị cháy, chìm trên biển tăng đột biến

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn có 104 tàu được đóng mới theo Nghị định 67 với tổng công suất máy chính theo thiết kế là 83.832 CV.

Trong tổng số 104 tàu được ngân hàng tài trợ cho vay vốn có 3 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay. Toàn bộ số còn tàu lại đang nằm trong diện nợ quá hạn, nợ lãi tiền vay.

Đứng trước khoản nợ ngân hàng “khổng lồ” trên, khiến cho nhiều gia cảnh của các chủ tàu khốn đốn, thậm chí có trường hợp mất nhà cửa vì ngân hàng cưỡng chế tài sản.

Qua tìm hiểu thực tế được biết, hiện nay, một số ngân hàng thương mại cho vay đang giữ sổ đỏ của chủ tàu vay vốn và các cá nhân tham gia góp vốn với chủ tàu.

Vì vậy, theo một số chủ tàu cũng như lãnh đạo các địa phương cho rằng, việc khởi kiện các chủ tàu vay vốn đóng tàu thực hiện chưa đúng cam kết trả nợ theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ là giải pháp cần thiết và đúng quy định của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cần xem xét một cách thận trọng nguyên nhân nợ đọng và tạo điều kiện để tàu cá ra khơi tạo thu nhập và nguồn trả nợ của chủ tàu…

Chia sẻ trước thực trạng trên, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay: UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở NN&PTNT chủ trì với các đơn vị, địa phương, tổ chức có liên quan rà soát làm việc với các chủ tàu để đánh giá, phân loại hoạt động sản xuất thực tế theo các trường hợp: Thật sự khó khăn không làm ăn được, không thể trả nợ được, hoạt động không hiệu quả nhưng có khả năng đầu tư chuyển đổi nghề. Trường hợp khai thác có hiệu quả nhưng chây ì, không chịu trả nợ thì tham mưu UBND tỉnh giải pháp xử lý.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An chỉ đạo các ngân hàng theo hướng động viên, đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ đúng hạn, những chủ tàu làm ăn có hiệu quả nhưng cố tình không trả có thể khởi kiện ra Toà. Đối với những tàu có khó khăn do nguyên nhân khách quan có thể thực hiện giản nợ. Những chủ tàu có mong muốn được chuyển đổi thì tạo điều kiện để thực hiện. Thậm chí, đối với các tàu nợ trả nợ đầy đủ theo tiến độ, có thể xem xét trả bớt bìa đất cho các chủ tàu.

Đặc biệt, qua tìm hiểu, số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67 những năm gần đây xảy ra nhiều sự cố. Theo báo cáo của Công ty bảo hiểm PJICO Nghệ An, riêng trong năm 2019 đã xảy ra tới 9 vụ tai nạn cháy chìm tàu, mà trong đó có tới 5 tàu đóng mới theo Nghị định 67. Ước tổn thất của 9 chiếc tàu này lên tới 63 tỷ đồng.

Xét về vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết thêm, UBND tỉnh sẽ đề nghị Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc xác minh thêm nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy tàu.

 Tàu đánh bắt cá bị cháy. 

Việc xảy ra các sự cố, đã dẫn đến tổn thất tăng đột biến. Thiệt hại đó, không riêng gì ngư dân mà cả các công ty bảo hiểm bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc “đau lòng” này lại xuất phát từ việc cháy và chìm tàu trên biển.

Có thể nói, trong thời điểm này, các chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 hiện đang gặp nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, ngư dân đang cần sự sẻ chia, tháo gỡ từ tỉnh cũng như cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty bảo hiểm… nhất là, trong chính sách tín dụng, bảo hiểm và chính sách hỗ trợ đầu tư.

Tác giả: Ngọc Tuấn

Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn