Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh - một đời dung dị!

Rời xa cõi tạm ở tuổi 93, NSND Trần Hạnh vẫn mãi được nhớ tới như một nghệ sĩ với gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ và phong thái chân chất.

 NSND Trần Hạnh qua đời ở tuổi 93

Qua các vai diễn ấn tượng, công chúng và nhiều nghệ sĩ trìu mến gọi ông là “lão nông” Trần Hạnh, “người ông quốc dân”...

Từ lão nông nồng hậu trên màn ảnh

Nhắc đến NSND Trần Hạnh, người ta nhớ đến những vai diễn đã đi vào lòng khán giả với vẻ khổ hạnh, chất phác. Trong đó, có thể kể đến vai ông Bí thư Đảng ủy của phim “Làng nổi”, bố An trong “Truyện cổ tích tuổi 17”, bố Lài trong “Tướng về hưu”, ông Khiển trong “Người cầu may”, ông Cần trong “Cuốn sổ ghi đời”, ông Lâm trong “Chiếc bình tiền kiếp”, bố Mai trong “Hãy tha thứ cho em”...

Là một người từng hợp tác với cố nghệ sĩ trong nhiều tác phẩm, NSƯT Phương Lâm thừa nhận, có một đều đặc biệt là vai diễn nông dân nào của NSND Trần Hạnh cũng được khán giả yêu mến.

“Chất nông dân” được ông tái hiện rất đời, chân thực dù ông xuất thân là một người Hà Nội gốc. Sự thành công đó một phần cũng từ thái độ làm việc nghiêm túc và cái tâm của người nghệ sĩ chân chính.

“Tôi nhớ nhất là kỷ niệm quay với bác trong bộ phim “Chiếc bình tiền kiếp” vào năm 1990 của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Trong phim, tôi vào vai bà vợ của ông Lâm do bác Hạnh đảm nhiệm. Nhớ nhất là cảnh bác sẵn sàng ngâm mình hàng giờ trong nước cho phân cảnh ông Lâm tìm chiếc bình bị trộm giữa trời rét.

Ngay sau đó, cả đoàn phải đốt một đống lửa thật to cạnh bờ ao để bác sưởi ấm. Quay cực như vậy, nhưng bác chưa hề than vãn một lời. Một vài chỗ, bác còn vui vẻ góp ý để lời thoại nhân vật phù hợp, chân thực hơn”, NSƯT Phương Lâm nhớ lại.

Còn đạo diễn Lương Đình Dũng từng phải thốt lên khi làm việc với lão nông Trần Hạnh trong “Cha cõng con”. “Bác Hạnh là diễn viên gạo cội nhưng rất giản dị, không bao giờ tỏ vẻ lên lớp người khác”, anh nói và cho biết, từ khi viết kịch bản đã nghĩ ngay đến NSND Trần Hạnh và quyết mời “cụ Hạnh” bằng được, bất chấp đồng nghiệp cảnh báo “mời cụ Hạnh chắc khó”, bởi dù vai diễn không hề nhỏ nhưng lại có những tình tiết đôi khi khiến người diễn viên không thích.

Thế nhưng, bất ngờ hơn khi anh nhận được câu trả lời từ cố nghệ sĩ: “Cứ mời đi, tôi đi được thì đi chứ sao phải ngại. Tôi đóng góp được gì thì sẽ làm!”.

NSND Trần Hạnh là thế, trong mắt hậu bối, ông hiện lên như một người đi trước lúc nào cũng đầy nhiệt huyết. “Dù lúc quay đã 85 tuổi nhưng sức làm việc của bác cực tốt.

Tôi nhớ bác có dặn tôi: Khi làm bác có thể sẽ mệt đấy, ý là cứ làm việc đi, lúc nào mệt bác sẽ bảo. Bác thực sự là một diễn viên hiếm có, sống giản dị, yêu nghề và với tôi, bác Trần Hạnh luôn luôn để lại một sự tôn trọng”, đạo diễn phim “Cha cõng con” bày tỏ.

Đến người cha thương con hết mực

Nhiều người nói rằng, cuộc sống của NSND Trần Hạnh khắc khổ như những vai diễn trong phim, vất vả vì chuyện mưu sinh. Gần chục năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau khi bị tai biến mạch máu não.

Năm 2011, người vợ tào khang qua đời sau một thời gian dài nằm liệt giường. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn chăm cậu con trai út, bị ảnh hưởng bởi di chứng sau vụ tai nạn xe máy chấn thương sọ não nhiều năm trước. Thân gà trống nuôi con, ở tuổi gần 90, ông vẫn ngày ngày ngồi góc cổng khu B ga Hà Nội bán xăng và rất nhiều thứ lặt vặt khác để mưu sinh.

Nhưng cũng chính ông từng khẳng định mình không khổ như người ta nói: “Giờ một ngày của tôi trôi qua cũng an nhàn lắm. Sáng 6h ra đây trông hàng cho con cái, chốc nữa về. Buổi chiều không phải ra, buổi tối tiện thì ra một tí còn không thì thôi. Công việc chỉ có thế chứ ở nhà buồn bã có làm gì đâu... Nhiều người còn khổ hơn tôi ấy chứ!”.

Là một hậu bối thân thiết, thậm chí còn dành cả 5 chương hồi ký nhắc đến NSND Trần Hạnh, diễn viên Tùng Dương cho biết, ấn tượng của anh về cố nghệ sĩ là một người vô cùng giản dị và lạc quan. Anh thân mật gọi nam nghệ sĩ gạo cội là “bố”.

“Mọi người nhìn vào ai cũng nghĩ bố Hạnh khổ, nhưng thực tế cụ không cảm thấy vậy. Lúc nào cụ cũng vui vẻ, lạc quan. Cụ thích đỡ đần các con trong công việc hàng ngày cho khuây khỏa tuổi già.

Thời gian qua, sức khỏe của cụ ngày càng yếu, một mắt gần như “tịt”. Dù di chuyển chậm chạp, đi lại khó khăn hơn trước nhưng cụ vẫn cố gắng tự lo cho bản thân. Cụ cũng thích nghe thời sự qua ti vi, đài và cười hiền mỗi khi chúng tôi đến trò chuyện”, nam diễn viên tâm sự.

Trong mắt diễn viên Tùng Dương, NSND Trần Hạnh lúc nào cũng giản dị, gần gũi, vừa hiền lành vừa hóm hỉnh...

Theo lời kể của diễn viên Tùng Dương, tài sản của NSND Trần Hạnh những năm cuối đời chỉ có 3 bộ quần áo, 1 đôi giày, 1 chiếc xe “cúp” lâu đời.

Không phải vì quá nghèo đến mức không mua được nhiều quần áo mà đơn giản ông chẳng cần những thứ mà ông cho là phù phiếm, xa hoa đó. “Đến tiền lương hưu vài triệu đồng, ông cũng chẳng tiêu hết. Vì nhu cầu của ông chỉ có thế, bình dị”, diễn viên Tùng Dương bộc bạch.

Cuộc hành trình với nghệ thuật và cuộc đời đã dừng lại, nhưng hậu bối vẫn tin rằng, nhân cách của ông còn lưu mãi, ngọn lửa nghề vẫn lan tỏa.

Hay như lời của NSƯT Chiều Xuân: “Ông sống thanh bạch, khảng khái. Thương lắm. Dẫu biết ông đã lớn tuổi, không tránh khỏi quy luật cuộc đời nhưng vẫn cảm thấy mất mát, xót xa. Ông sinh ra để dành cho nghiệp diễn. Có lẽ khi sang thế giới bên kia, ông vẫn theo nghề này. Ở nơi đó, ông sẽ hội ngộ bạn bè, đồng nghiệp và tiếp tục làm công việc mình yêu thích”.

NSND Trần Hạnh sinh năm 1929. Ông được công chúng yêu mến qua nhiều vai diễn gắn với hình ảnh người nông dân chất phác. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngày 25/1/1994, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào ngày 29/8/2019.

Năm 1996, ông giành giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim truyện “Nước mắt đàn bà” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim “Ngõ lỗ thủng” của đạo diễn Quốc Trọng.

Những năm 1970, 1980, ông có nhiều vai diễn thành công trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, điển hình là vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa”. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm một vai chính trong các vở: “Tiền tuyến gọi”, “Âm mưu và tình yêu...

Tác giả: Bạch Dương

Nguồn tin: Báo Giao thông