Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


5 địa phương dự kiến có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị 'mở rộng cửa' hơn cho ứng cử viên là nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người ngoài Đảng, người dân tộc thiểu số.

 Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác giám sát bầu cử ngày 23-2 - Ảnh: Q.V.

Ngày 23-2, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ VN Hầu A Lềnh báo cáo kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề như giữ nguyên số lượng đại biểu khối MTTQ VN và các tổ chức thành viên như số lượng đại biểu của khóa XIV nhằm bảo đảm và phát huy vai trò đại diện của nhân dân trong Quốc hội, phù hợp với xu hướng ngày càng mở rộng về tổ chức thành viên của MTTQ VN.

Đoàn chủ tịch cũng đề nghị tăng thêm tỉ lệ đại biểu là người ngoài Đảng so với dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm sự phù hợp giữa số lượng đảng viên và người ngoài Đảng; bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử có ít nhất 35% trên tổng số người ứng cử ĐBQH;

Quan tâm đến cơ cấu ĐBQH đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, những lĩnh vực quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển; tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số có người được ứng cử ĐBQH so với dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, khối Ủy ban MTTQ VN và các tổ chức thành viên (gồm cả Trung ương và địa phương) có 70 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV (trong đó có 11 người thuộc Ủy ban MTTQ VN, 2 người là cá nhân tiêu biểu và 57 người thuộc các tổ chức thành viên của Mặt trận)" - ông Hầu A Lềnh nói.

Đồng thời cho biết thêm: "Chỉ có 5 tỉnh, thành phố đã dự kiến số lượng cụ thể những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang). Còn 58 tỉnh, thành phố còn lại không dự kiến số lượng người tự ứng cử".

Tại hội nghị nêu trên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN yêu cầu ban thường trực MTTQ VN các cấp lập các đoàn kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử. Hoạt động của các đoàn kiểm tra, giám sát chia làm 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 20-2 đến 13-4. Đợt 2 từ 13-4 đến 22-5. Đợt 3 giám sát trong ngày tổ chức bầu cử 23-5.

Lưu ý công tác giám sát việc giới thiệu người ứng cử sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 22-2 đến 14-3 (thời điểm kết thúc hội nghị hiệp thương lần 3), các nội dung tập trung kiểm tra, giám sát gồm việc phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu, việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, việc lãnh đạo, chỉ huy đơn vị dự kiến người để giới thiệu ứng cử, việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác của người được giới thiệu ứng cử.

MTTQ cũng sẽ tập trung kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử của cơ quan có thẩm quyền. Kiểm tra việc vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, qua phương tiện thông tin đại chúng thực hiện từ ngày 29-4 đến 7h sáng ngày 22-5, để đảm bảo công bằng về số lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri, công bằng về số lượng các lần trả lời phỏng vấn, đăng tải chương trình hành động giữa những người ứng cử.

 Tác giả: Lê Kiên

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ