Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhìn lại thập kỷ vinh quang của SLNA và bóng đá xứ Nghệ

Suốt một thập kỷ qua, bóng đá xứ Nghệ nói chung và biểu tượng Sông Lam Nghệ An nói riêng đã làm được rất nhiều điều đáng tự hào, cho cả địa phương lẫn bóng đá Việt Nam.

Năm 2010, CLB SLNA được UBND tỉnh Nghệ An chuyển giao cho Ngân hàng Bắc Á. Người được mệnh danh “Khổng Minh xứ Nghệ” Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Hữu Thắng trở về để chèo lái đội bóng. Chức vô địch Cúp Quốc gia năm đó đã bắt đầu cho một thập kỷ đầy biến động cũng những nhiều vinh quang của SLNA.

Năm 2011, với “thế hệ 8X” của những Huy Hoàng, Trọng Hoàng và dàn cầu thủ trẻ 9X, SLNA trở thành nhà vô địch V.League sau trận “chung kết” nghẹt thở trước Hà Nội T&T trên sân Vinh. Ngôi vương năm ấy cùng Siêu cúp Quốc gia 2021 không chỉ giúp SLNA khẳng định sự trở lại mà còn đưa đội bóng xứ Nghệ trở thành một biểu tượng.

Với bàn đạp ấy, SLNA luôn nằm trong nhóm tranh đua chức vô địch ở những mùa giải tiếp theo, tạo nên khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ. Sân Vinh khi ấy được xem là "chảo lửa" với những khán đài chật kín khán giả và cuồng nhiệt bậc nhất V.League.

Tuy sở hữu dàn nội binh và ngoại binh chất lượng, song cả 2 mùa giải 2012, 2013, SLNA đều lỡ hẹn với chức vô địch khi đứng hạng 4 chung cuộc. Thậm chí, sang đến mùa bóng 2014, trước sự ra đi của nhiều trụ cột, SLNA xếp hạng 5.

 HLV Nguyễn Hữu Thắng gắn liền với quãng thời gian vinh quang của SLNA

Sau khi HLV Hữu Thắng dứt áo ra đi, thành tích tại V.League của SLNA xuống dốc không phanh. Những người được tín nhiệm thay thế là HLV Ngô Quang Trường và HLV Nguyễn Đức Thắng đều không đem lại thành công. Mùa bóng 2015 và 2016 được xem là khó khăn nhất khi đội bóng xứ Nghệ chỉ xếp thứ 7 và 9 chung cuộc.

Mùa giải 2017, SLNA dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Đức Thắng chỉ đứng hạng 8 tại V.League, song chức vô địch cúp Quốc gia năm đó cho thấy, SLNA vẫn là có vị thế nhất định ở đấu trường quốc nội. Nếu may mắn hơn, SLNA đã có thể đoạt tấm HCĐ V.League 2018 bên cạnh tấm HCĐ ở Cúp Quốc gia. Những năm tiếp theo, SLNA đều nằm ngoài top 5 ở sân chơi V.League, nhưng vẫn là một đội bóng rất khó chịu ở mọi đấu trường.

Dù không còn "hô mưa gọi gió" tại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam, song SLNA vẫn có những sự tiến bộ nhất định về mặt lối chơi. Bất chấp việc năm nào cũng đối mặt với tình trạng "chảy máu" nhân tài khi các trụ cột lần lượt dứt áo ra đi, SLNA vẫn là đội bóng có bản sắc và mang 100% chất Nghệ.

Năm 2018, SLNA được công nhận là đội bóng “Fairplay” nhất với giải Phong cách bên cạnh đội bóng có công tác đào tạo trẻ tốt nhất. Tương tự năm 2020, SLNA cũng là đội bóng đoạt giải Phong cách tại sân chơi V.League, giải U17 lẫn U21 Quốc gia.

Từ một đội bóng bị mang tiếng “chém đinh chặt sắt”, SLNA đã tiệm cận với thứ bóng đá đẹp hơn, làm rõ ranh giới giữa sự máu lửa, quyết liệt truyền thống và triệt hạ.

 Phòng truyền thống với rất nhiều danh hiệu của SLNA

Và đáng tự hào hơn cả là trái ngọt từ công tác đào tạo trẻ. Từ năm 2012, công tác đào tạo trẻ của SLNA bắt đầu trỗi dậy sau quãng thời gian trầm lắng. Đầu tiên là chức vô địch U17 Quốc gia 2012 của HLV Ngô Quang Trường và lứa cầu thủ Văn Khánh, Tuấn Tài, Văn Đức, Xuân Mạnh. Sau đó là chức vô địch U21 Quốc gia 2012, 2014 và chức vô địch U13 Quốc gia năm 2013, 2014.

SLNA 4 năm liên tiếp vô địch giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc, từ 2017 đến 2020, nâng tổng số lần vô địch lên con số 6. Ở sân chơi Thiếu niên toàn quốc, SLNA cũng có 3 chức vô địch liên tiếp vào các năm 2018, 2019, 2020 để duy trì kỷ lục 8 lần đăng quang.

Đội U15 SLNA cũng giải cơn khát danh hiệu sau 15 năm bằng 2 chức vô địch liên tiếp vào các năm 2018 và 2019.Trong khi đó, chức vô địch U17 Quốc gia năm 2020 SLNA thống trị và nắm kỷ lục về số lần vô địch từ cấp độ U17 (8 lần), U19 (5 lần) đến U21 Quốc gia (5 lần).

Trong đó, năm 2018 và 2020, tất cả các đội trẻ của SLNA đều giành quyền tham dự các vòng chung kết. Đặc biệt, năm 2020, bóng đá xứ Nghệ giành trọn 6 bộ huy chương Vàng, Bạc và Đồng ở các cấp độ lớn nhỏ, tiếp tục trở thành CLB có công tác đào tạo trẻ tốt nhất do VFF và VPF công nhận.

 Các cấp độ trẻ SLNA có một năm 2020 đại thành công

Không chỉ vang danh ở cấp CLB, những người con xứ Nghệ cũng góp phần không nhỏ vào thành công của bóng đá nước nhà 10 năm qua. Chỉ tính trong năm 2020, số lượng cầu thủ, cán bộ, huấn luyện viên làm việc tại ĐTQG đã lên đến con số 12. Trong khi đó, số lượng cầu thủ Nghệ An và SLNA chiếm 11/14 đội bóng tại đấu trường V.League.  

Nhìn lại một thập kỷ vinh quang đã qua, bóng đá xứ Nghệ thực sự xứng đáng với biệt hiệu “Brazil” của Việt Nam nhờ lò đạo tạo sản sinh ra những tên tuổi hàng đầu của bóng đá Việt Nam.

Tác giả: Băng Tâm

Nguồn tin: bongda365.club