Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tâm sự nhói lòng của người đàn ông mất vợ chỉ vì cố sinh con nối dõi: "Người đàn ông cần không phải là con trai hay con gái mà là mái ấm và người vợ tào khang"

Dù đã có 2 cô con gái nhưng vẫn cố sinh thêm cậu con trai vì chồng là độc đinh phải hoàn thành nghĩa vụ "nối dõi tông đường", người phụ nữ ra đi ngay trên bàn sinh để lại cho người chồng biết bao nhiêu dằn vặt, ân hận và nuối tiếc.

Tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt Nam từ bao đời nay và dù cuộc sống đang ngày một hiện đại thế nhưng tư tưởng đó vẫn còn hiện hữu ở nhiều gia đình, vùng miền. Sau khi kết hôn, áp lực lớn nhất với nhiều người phụ nữ không phải chuyện cơm áo gạo tiền mà là trách nhiệm sinh con trai để nhà chồng có người nối dõi. 

Và để có thể thực hiện được trách nhiệm nặng nề đó, biết bao người phụ nữ đã phải bất chấp sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng của bản thân để cố sinh cho bằng được 1 cậu con trai. 

Trong những ngày cuối năm, khi nhiều người đang háo hức chờ đến Tết Nguyên đán để sum họp gia đình thì câu chuyện của người đàn ông có vợ không may mất mạng ngay trên bàn sinh được đăng tải khiến nhiều người suy tư. Có lẽ cũng đã phải tự dằn vặt bản thân, tự gặm nhấm nỗi đau mất vợ suốt những tháng ngày qua thì người đàn ông mới đủ dũng khí để chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.

 Tủ quần áo cũ của vợ khiến người đàn ông nhói lòng

Nguyên văn câu chuyện được đăng tải lên mạng xã hội như sau: 

"Mùa đông năm nay lạnh quá!

Ngày mai là tôi phải thu dọn quần áo của vợ đem đi cho cô ấy rồi. Tôi đã giữ nó 2 năm nay, để nguyên mọi đồ đạc trong nhà từ khi cô ấy mất.

Vợ chồng tôi lấy nhau 10 năm rồi. Tôi là đứa con độc đinh duy nhất của dòng họ. Con trai trưởng nên áp lực sinh con trai lớn lắm dù không khá giả gì. 2 đứa đầu đều con gái lại sinh mổ, tôi cũng không muốn sinh con thứ 3 vì sợ nguy hiểm tính mạng vợ. Nhưng rồi vợ tôi đi soi trứng và quyết định sinh đứa nữa, canh con trai. Và lần này vợ tôi bầu con trai thật. Cả nhà tôi mừng lắm.

Khó khăn áp lực con cái học hành cộng khoản tiền canh trứng con trai khiến cơm áo gạo tiền cứ ngày một nặng lên. Chúng tôi đành gửi một cháu về quê học. Vợ chồng đi làm tích góp gửi tiền về quê cho ông bà chăm giúp, chẳng dám sắm thứ gì. 

Đến ngày gần sinh vợ tôi vẫn bình thường, sức khoẻ tốt. Cả gia đình hân hoan đón con chào đời. Hôm đó là ngày bọn tôi chọn sinh mổ sớm hơn dự tính. Vợ tôi trước khi vào phòng vẫn cười nắm tay tôi và nói "đợi em nhé" nhưng trong lòng tôi tự nhiên bất an vô cùng.

Vẫn là tiếng người và âm thanh bệnh viện như mọi khi. Rồi lúc sau là dồn dập những âm thanh khác nữa. Vợ tôi bị tai biến sản khoa.

Được chuyển lên Bệnh viện Trung ương cấp cứu luôn nhưng không cứu được. Chỉ còn lại thằng bé con, tôi đỡ con, thất thần mất ngủ mấy tháng liền. Cuộc sống không đủ ăn đủ mặc khiến vợ tôi gầy gò nằm đó. Tôi ôm con đỏ hỏn với 2 đứa nhỏ nhìn vợ lần cuối. 

Tôi vẫn nhớ như in hình bóng của vợ tôi, nhớ những món thức ăn vợ nhịn ăn ở công ty phần về cho con nhỏ, nhớ vợ nhịn mặc cả năm có mấy bộ quần áo cũ cũng chẳng dám mua. Tôi xót vợ lắm. Vợ tôi mất chẳng kịp nói câu nào. Tôi nén lòng mua cho cô ấy bộ váy cô ấy thích. Tự tay tắm rửa, thay cho vợ tôi. Tới hôm nay khi thằng bé đã 2 tuổi, tôi mới quyết định dọn quần áo của vợ mang đi.

Giờ tôi đã hiểu cái người đàn ông cần không phải là con trai hay con gái mà chính là mái ấm và người vợ tào khang bên cạnh. Tại sao phải chạy theo dư luận dù nó nguy hiểm đến tính mạng vợ con?

Lòng tôi hôm nay đau quá. Chỉ muốn thú nhận tôi có tội với vợ tôi, nợ cô ấy cả cuộc đời".

Những dòng tâm sự được người đàn ông chia sẻ trong một group có hơn 1 triệu thành viên. Ngay sau khi được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và nhận về hàng chục ngàn lượt bày tỏ cảm xúc. Nhiều dân mạng lên tiếng động viên, an ủi người chồng cố gắng vượt qua nỗi mất mát để làm chỗ dựa tinh thần và lo cho các con khôn lớn, nên người. Bởi không chỉ làm cha, mà người đàn ông ấy còn phải kiêm luôn việc làm mẹ để chăm sóc cho đàn con - "món quà" mà người vợ tào khang đã phải đánh đổi bằng cả sinh mạng. 

"Đọc xong mà không cầm nổi nước mắt. Không biết là người dễ mủi lòng rung cảm, hay vì nghĩ đến những người xung quanh mình cũng đang áp lực vì chuyện 'nếp tẻ'. Liệu rằng, khi có đủ nếp tẻ rồi, mà lại không còn vợ bên cạnh, thì hạnh phúc tìm đâu? Thương cho anh chồng và những đứa trẻ mồ côi mẹ. Mất vợ là mất đi một nửa gia đình, hạnh phúc cũng chẳng vẹn tròn nữa", tài khoản S.P. xót xa. 

Bên cạnh đó, không ít người cũng suy tư khi trong thời hiện đại nhưng tâm lí phải có con trai để nối dõi tông đường, để lo nhang khói cho ông bà tổ tiên vẫn ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ của nhiều người. Để có được "quý tử" nhiều gia đình đã đánh đổi bằng tiền bạc, bằng hạnh phúc gia đình và đau đớn hơn là sự thiệt thòi, tổn thương của những người phụ nữ. 

"Con nào cũng là con, dù gái dù trai lúc nào cũng chỉ mong mỏi chúng khỏe mạnh, chăm ngoan là an tâm rồi. Cần gì cứ phải có con trai thì gia đình mới hạnh phúc. Ai cũng nghĩ phải có con trai nối dõi tông đường, sợ sau chết đi không có người hương khói, nhưng mấy ai nghĩ rằng người sống mới là quan trọng nhất. Thương cho anh và mong anh mạnh mẽ vượt qua để lo cho 3 đứa nhỏ", một bạn khác chia sẻ.

Chỉ mong rằng câu chuyện trên như một hồi chuông nhằm thức tỉnh suy nghĩ của nhiều người, để không phải đi vào vết xe đổ ấy và làm khổ chính người phụ nữ bên cạnh mình. 

Nguồn tin: Nam An

Tác giả: Pháp luật & Bạn đọc