Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xét công nhận GS, PGS 2020: Góc khuất

Kết quả xét công nhận giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2020 đã được công bố. Tuy nhiên, những vấn đề hậu trường trong quá trình xét công nhận không phải lúc nào cũng được nhìn nhận thấu đáo.

 Vẫn còn những “điểm mờ” trong quá trình xét, công nhận giáo sư, phó giáo sư. Ảnh: Diệp An

Có tình trạng đánh giá hồ sơ ứng viên “trên giấy”

Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước (HĐGSNN) thông tin, trong thời gian các Hội đồng GS Ngành, Liên ngành (Hội đồng GS Ngành) xét duyệt hồ sơ, Văn phòng đã tiếp nhận 57 lượt đơn thư, liên quan 16 Hội đồng GS Ngành (đến ngày 27/11/2020). Trong đó có 5 lượt đơn thư tố cáo qua email liên quan đến 36 ứng viên ngành Y học và 6 ứng viên ngành Dược học; 46 lượt đơn thư tố cáo 39 ứng viên; 2 lượt đơn thư kiến nghị của ứng viên đối với Hội đồng GS Ngành Toán, Vật lý; 2 đơn thư liên quan đến thành viên Hội đồng GS Ngành Giáo dục, Vật lý. Trong đó có nhiều lượt đơn thư và nhiều ứng viên bị tố cáo nhất là ngành Dược và ngành Y.

Theo Văn phòng HĐGSNN, vấn đề nổi bật nêu trong các đơn thư liên quan đến chính trị, tư tưởng, vi phạm đạo đức nhà giáo, viên chức; mua bán bài, đăng nhiều bài trong thời gian ngắn, tổ chức số tạp chí để đăng nhiều bài…; đăng báo trên tạp chí không uy tín; công trình khoa học không đúng chuyên ngành. Kết quả, sau khi cơ quan chức năng xử lý, có 10 ứng viên bị loại hoặc xin rút; 4 ứng viên không đạt tiêu chuẩn.

Văn phòng HĐGSNN nhìn nhận, vẫn còn tình trạng một số chuyên gia được mời thẩm định hồ sơ ở một số Hội đồng chưa rà soát kỹ các minh chứng, chủ yếu đánh giá dựa vào bản đăng ký của ứng viên, dẫn đến thiếu minh chứng hoặc minh chứng chưa chính xác, không đúng thẩm quyền ở một số tiêu chuẩn. Do đó, dẫn đến việc chênh với kết quả đánh giá của các chuyên gia thẩm định khác; việc tổ chức trình bày báo cáo khoa học tổng quan còn mang tính hình thức ở một số Hội đồng (thời gian báo cáo, hỏi và trả lời quá ngắn; chưa xem xét kỹ mối liên hệ chặt chẽ giữa các công trình khoa học được công bố với hướng nghiên cứu của ứng viên nêu trong báo cáo khoa học tổng quan); đánh giá giao tiếp bằng tiếng Anh còn chiếu lệ; tự bổ sung về công nhận tác giả chính bài báo quốc tế uy tín là người hướng dẫn nghiên cứu sinh (ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản), công nhận báo cáo khoa học tại hội thảo quốc tế tập hợp đăng tạp chí là bài báo quốc tế uy tín như Hội đồng GS ngành Giáo dục; công nhận cả bài báo đăng trên tạp chí của Tập đoàn TNHH của Trung Quốc là bài báo quốc tế uy tín như Hội đồng GS Ngành Văn hoá - Nghệ thuật - Thể dục thể thao.

“Đây là những vấn đề sai sót cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và tìm giải pháp ngăn chặn trong năm tới vì dễ làm phát sinh các khiếu kiện và thắc mắc về tính thống nhất, chất lượng giữa các Hội đồng GS”, Văn phòng HĐGSNN khẳng định. Đồng thời, đơn vị này cũng nhắc nhở và có chế tài xử lý đối với các Hội đồng GS cơ sở chưa thẩm định tốt hồ sơ, minh chứng về thâm niên, giờ giảng; các Hội đồng GS Ngành xét duyệt các hồ sơ còn để xảy ra nhiều sai sót dẫn đến nhiều đơn thư, khiếu kiện.

Ứng viên ngành Y, Dược bị khiếu kiện nhiều

GS. TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã thẩm định hồ sơ khoa học của các ứng viên ngành Y bị tố cáo. Ông là một trong những người trực tiếp thẩm định các công bố của ứng viên, cũng là người tham gia cuộc họp với hai Hội đồng GS ngành Y và Dược. Ông đặt câu hỏi: Tại sao hơn 80% số ứng viên GS, PGS ngành Y và 70% số ứng viên GS, PGS ngành Dược dù đã được hai Hội đồng GS Ngành thông qua nhưng vẫn bị tố cáo, trong khi các ngành khác không có hoặc hãn hữu chỉ một vài trường hợp bị kiện?

GS Châu cho rằng, lĩnh vực Y và Dược, đặc biệt ngành Y, chiếm ưu thế trong công bố quốc tế do có nhiều nguồn thực chứng khá tốt để thu thập, xử lý số liệu phục vụ cho công bố. Vì vậy, số ứng viên GS, PGS ngành Y hằng năm vào loại cao nhất trong 28 Hội đồng GS Ngành. Tuy nhiên, xuất hiện không ít ứng viên GS, PGS có năng lực nghiên cứu và công bố hạn chế, nhưng muốn được công nhận GS, PGS bằng mọi cách như: gửi bài công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thấp…

Hiện tượng khá phổ biến là ứng viên công bố nhiều bài trên cùng một số phụ trương để có đủ bài đăng ký và tính điểm công trình. Ngoài ra, có trường hợp thông qua dịch vụ nhận bài của nhiều tổ chức, cá nhân trên mạng để sản xuất bài và trả tiền. Thậm chí, có người còn đứng ra liên kết với một số tạp chí thu gom hàng trăm bài của cộng đồng khoa học Y - Dược để tổ chức xuất bản trong các số báo đặc biệt của một số tạp chí ít tên tuổi. Những hiện tượng như trên được GS Châu “định danh” bằng khái niệm “tiểu xảo” trong các công bố của một số ứng viên GS, PGS hai ngành Y, Dược.
Theo đánh giá của GS Châu, năng lực công bố quốc tế của các thành viên Hội đồng GS hai ngành Y và Dược là vấn đề cần quan tâm. Nếu xét về thành tích công bố ISI/SCOPUS (các tạp chí nổi tiếng) với tư cách là tác giả đứng tên đầu hoặc tác giả liên hệ thì chỉ có 7/15 thành viên Hội đồng GS ngành Y có từ 1-5 công bố, còn lại không có công bố này. Trong số 7 thành viên Hội đồng GS ngành Dược, chỉ 3 thành viên có công bố ISI/SCOPUS. Như vậy, theo quy định, đa số thành viên hội đồng hai ngành này không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm thành viên Hội đồng GS Ngành - Liên ngành.

Trong quá trình thẩm định lại hồ sơ của các ứng viên ngành Y, Dược, GS Châu nhận thấy, có thành viên Hội đồng GS Ngành là đồng tác giả bài báo với ứng viên tham gia xét duyệt. Do vậy, ông đề xuất nên có quy định người có quyền lợi liên quan là các GS thành viên Hội đồng có công bố với ứng viên GS, PGS không tham gia thẩm định và ngồi trong Phiên họp Hội đồng đánh giá, bỏ phiếu ứng viên, tránh các ứng viên lợi dụng đưa tên các GS hội đồng vào công bố để mong “được giúp đỡ”.

Năm 2020, số ứng viên GS, PGS đủ tiêu chuẩn công nhận là 339 người. Trong đó có 39 GS và 300 PGS, đạt tỷ lệ tương đương 50,65% và 64,52% so với số lượng ứng viên đăng ký tại các Hội đồng GS cơ sở.

 

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn tin: Báo Tiền phong