Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chân dung đại gia Phan Huy Lệ Hà Thành Group “bị gọi tên” vụ án Nguyễn Đức Chung

Ngoài giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Hà Thành Group, đại gia Phan Huy Lệ còn còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Thiết bị Vật tư Ngân hàng, Công ty CP Ô tô Vận tải Hà Tây…

Đại gia Phan Huy Lệ - người “bị gọi tên” trong vụ án ông Nguyễn Đức Chung "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" - sinh năm 1964, là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành (Hà Thành Group).

 Ông Phan Huy Lệ - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành. (Ảnh: Thikeko).

Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 1997, đóng trụ sở tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa và thuộc sở hữu 100% của vợ chồng đại gia Phan Huy Lệ. Tại ngày 21/1/2020, Hà Thành có vốn điều lệ 568 tỷ đồng, trong đó ông Phan Huy Lệ chiếm 98,63%, bà Phạm Thị Tình sở hữu 1,37% còn lại.

Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chính là "Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác - mã ngành 4659".

Hà Thành Group còn mở rộng hoạt động sang Nghệ An, với loạt doanh nghiệp như Công ty CP Thủy điện TLT (vốn 100 tỷ đồng) và Công ty CP Xi măng và VLXD Cầu Đước (chủ Nhà máy Xi măng Cầu Đước nay đã giải thể).

Tại Thanh Hóa, Hà Thành được biết đến nhiều với dự án thủy điện Thành Sơn công suất 30MW, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tại huyện Quan Hóa.

Ngoài ra, ông Phan Huy Lệ còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Thiết bị Vật tư Ngân hàng (thành lập vào ngày 29/12/1986; có vốn điều lệ 100 tỷ đồng); Công ty CP Ô tô Vận tải Hà Tây (vốn 30 tỷ đồng); Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phát triển và xây dựng Thikeko; Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Hợp tác lao động (OLECO, vốn 10 tỷ đồng).

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND tối cao, đề nghị truy tố về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" đối với 4 bị can, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Kết luận điều tra cho thấy, ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan. Để nắm thông tin điều tra, ông Chung đã đặt vấn đề với ông Phạm Quang Dũng (SN 1983, nguyên cán bộ Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an) và được đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, bị can Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Trong quá trình này đã chiếm đoạt các tài liệu của Cục Cảnh sát kinh tế (tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường), trong đó có 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; 3 lần cung cấp tài liệu cho bị can Nguyễn Đức Chung, trong đó 2 lần cung cấp 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật".

Kết luận điều tra chỉ rõ, ông Phan Huy Lệ là người giới thiệu cho ông Nguyễn Đức Chung làm quen với ông Phạm Quang Dũng.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ xác định ông Phan Huy Lệ biết việc bị can Phạm Quang Dũng chiếm đoạt tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường cung cấp cho bị can Nguyễn Đức Chung. Do vậy, cơ quan điều tra nhận định không có căn cứ xem xét xử lý đối với ông Phan Huy Lệ.

Tác giả: Khánh Hoài 

Nguồn tin: Báo Kiến thức