Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tò mò nơi lưu giữ kỷ niệm vô giá về Thầy Giáo Nguyễn Tất Thành

Tháng 2/1911, nhà giáo Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh để vào Sài Gòn thực hiện chí lớn. Các em học trò đã nhòa lệ trên đôi mắt khi nghe đọc bức thư thầy để lại...

Lúc sinh thời, Bác Hồ đã dành nhiều tâm huyết để phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Bản thân Người cũng đã từng là một nhà giáo trực tiếp đứng trên giảng đường. Trường Dục Thanh ở Phan Thiết (Bình Thuận) chính là nơi ghi dấu quãng thời gian đặc biệt này của Người. Ảnh: Cổng khu di tích lịch sử cấp quốc gia trường Dục Thanh. 

Ngược dòng thời gian, trường Dục Thanh được các sĩ phu yêu nước Phan Thiết thành lập năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân. Tháng 8/1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô - bạn đồng liêu của phụ thân - giới thiệu đến dạy học tại trường Dục Thanh. Ảnh: Một góc khuôn viên trường Dục Thanh. 

Trong thư gửi cho chị Thanh và anh cả Khiêm, Nguyễn Tất Thành tâm sự: “...Em nhận dạy chữ Tây cho lớp nhì, dạy sử ký, địa dư cho lớp nhất… Trường Dục Thanh là một cung trên con đường em đi… Em sẽ ở lại đây một thời gian để rồi đi tiếp vô Sài Gòn”. Ảnh: Khu lớp học được phục dựng theo mô tả của các cựu học trò thời Bác Hồ dạy học ở đây. 

Mặc dù đã xác định ngay từ đầu rằng trường Dục Thanh không phải là nơi dừng chân lâu dài của mình, nhưng nhà giáo Nguyễn Tất Thành vẫn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục cao cả của ngôi trường này. Ảnh: Nhà Ngọa Du Sào phía sau khu lớp học, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường đến đọc sách. 

Không chỉ dạy cho học trò kiến thức văn hóa phổ quát, thầy Thành còn gieo vào tâm trí các học trò về ý thức nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước, yêu đồng bào và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng. Ảnh: Khung cảnh bên trong phòng học. 

Thầy Thành không chỉ là người thầy giáo mà còn là người bạn tin cậy, quan tâm đến cuộc sống của các trò, giúp đỡ, động viên cả về vật chất và tinh thần. Cuộc sống không đủ đầy, song thầy sẵn sàng dùng tiền công của mình để giúp đỡ gia đình học trò đang gặp khó khăn. Ảnh: Bàn gỗ trong lớp học với rãnh để bút và mực, phục dựng theo lời kể của cựu học trò. 

Thầy luôn căn dặn những học trò thân yêu rằng: “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù vậy”. Thầy cũng tâm sự: “Thầy nghĩ chúng ta học cái chữ để biết được điều hay lẽ phải trên đời và theo thầy, trước hết là học để biết và làm được những việc ích nước lợi dân”. Ảnh: Bên trong nhà Ngọa Du Sào. 

Tháng 2/1911, thầy Thành rời trường để vào Sài Gòn thực hiện chí lớn. Các trò đã nhòa lệ khi nghe đọc bức thư thầy để lại: “...Thầy ra đi nhưng lòng vẫn hằng mong các em là những trò giỏi của trường, con ngoan của gia đình, ra đường biết kính người già, nhường em nhỏ, yêu quý mọi người...”. Ảnh: Giếng nước trăm tuổi thầy Thành từng dùng lấy nước. 

Dù chỉ dạy ở trường Dục Thanh một thời gian ngắn, thầy Nguyễn Tất Thành đã làm tròn trọng trách người thầy, được đồng nghiệp, học trò và người dân yêu mến. Ngành giáo dục Việt Nam tự hào vì có một nhà giáo mang tên Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Hoa súng nở trong vườn trường. (Bài có sử dụng tư liệu của TTĐT Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). 

Tác giả: Quốc Lê

Nguồn tin: Báo Kiến thức