Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nước sông Lam dâng cao đêm nay nguy cơ nhấn chìm hàng ngàn hộ dân ngoài đê

Nước sông Lam vùng hạ lưu đã dâng cao do nước từ thượng nguồn đổ về và các hồ thủy lợi, thủy điện xả tràn, khiến cho hàng ngàn hộ dân ngoài đê 42 (ngoài ven sông Lam) bị nước bao vây.

Tính đến chiều ngày 30/10, 7 xã vùng dọc sông Lam và vùng trũng Hưng Nguyên (Nghệ An) nước đã ngập vào khu dân cư, cầu qua đê và nhiều tuyến đường, trong đó trên gần 2.000 hộ dân nước đã vào nhà. Các tuyến đê kênh thấp nhiều đoạn sắp bị tràn. Hàng nghìn con gia cầm bị chết. Hơn 800 ha diện tích rau màu vụ đông và cá chuyên canh, cá vụ 3 bị ngập sâu trong nước. 

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2020/10/30/N_____c_s__ng_Lam_d__ng_cao_____m_nay_nguy_c___nh___n_ch__m_h__ng_ng__n_h____d__n_ngo__i________B__o_D__n_tr__.mp4[/presscloud]

Nước sông Lam dâng cao, nhiều nơi bị cô lập.

Các trường học trên địa bàn huyện đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Đặc biệt tại xã vùng bán sơn địa Hưng Yên Nam đã xảy ra sạt lở đất khu vực Rú Rày, Rú Gai. Đất đá đổ xuống vùi lấp sân vườn của 1 số hộ dân.  

Trước tình hình đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hưng Nguyên đã phân công lực lượng về ứng trực và chỉ đạo tại các tuyến, các xã bị ngập và sạt lở đất; huy động lực lượng vũ trang phối hợp các địa phương sẵn sàng giúp dân sơ tán trong trường hợp nước ngập sâu; các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền nhân dân về ảnh hưởng của đợt mưa lũ, chủ động các phương án phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết: “Đối với xã chúng tôi có 4 xóm nằm ngoài đê 42 hay còn gọi là vùng ngoài sông Lam với gần 1.000 nhân khẩu đến thời điểm này đã cho trẻ em và người nhà vào các nhà dân, anh em ở vùng không bị ngập lụt. Còn lại là người khỏe mạnh, trai tráng họ xin ở lại để canh giữ đồ đạc, đối với gia súc, gia cầm thì cho lên bờ đê 42 trú ẩn được an toàn. Tuy nhiên, dự báo trong tối nay nước thủy điện từ thượng nguồn đổ về là rất lớn, nên dự báo vùng ngoài đê sẽ ngập, dâng cao hơn nữa”.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, vào chiều và tối 30/10, tại vùng ngoài đê 42 các xã Xuân Lam, Long Xá và Hưng Lĩnh, Hưng Nhân... hàng ngàn hộ dân nước đã ngập vào nhà từ 20-50cm, nhiều nhà đã ngập hơn 1m…

Chiều muộn 30/10, ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho PV Dân trí biết: “Hiện mực nước sông Lam đang tiếp tục dâng cao, nhiều khả năng đêm nay nước sẽ lên 1m nữa, cho nên những hộ dân ngoài đê 42 trong đêm nay chúng tôi phải di chuyển vào trong đê. Bên cạnh đó, tất cả các xã nằm ngoài đê chúng tôi cắt cử lực lượng túc trực 24/24h để đề phòng những vấn đề bất trắc có thể xảy ra để kịp ứng cứu”.

Một số hình ảnh nước dâng cao gây ngập, chia cắt khoảng 2.000 hộ dân ở vùng ngoài đê 42 được PV Dân trí ghi lại chiều tối 30/10:

 Chiều tối 30/10 nước sông Lam dâng cao trên báo động 2.

 Người dân và các ban ngành dọn cây để nước thông dòng vào xóm vận chuyển gia súc gia cầm ra ngoài.

 

 

 Hàng ngàn hộ dân ở ngoài đê 42 nước đã ngập từ 20-50cm, có nơi lên 1m và có thể sẽ dâng cao thêm 1m nữa trong đêm nay.

 

 Tất cả trâu bò, tài sản của những hộ dân nằm ngoài đê 42 được chuyển lên bờ đê an toàn.

 Khu vực xóm Mỹ Thành, xã Xuân Lam có hơn 200 hộ hiện mực nước sông Lam dâng cao gây ngập lụt và chia cắt hoàn toàn.

 Đường vào xóm Mỹ Thành bị nước dâng cao gần 1m, chỉ còn là một biển nước mênh mông.

 Để đảm bảo an toàn và đề phòng bất trắc xảy ra, lực lượng chức năng đã làm một nhà tạm để canh chừng không cho người dân từ ngoài vào xóm Mỹ Thành...

 Các hộ dân vùng ngoài đê 42 thuộc xã Long Xá vận chuyển gia súc lên bờ.

Chiều 30/10/2020, Tỉnh ủy Nghệ An có Công điện khẩn số 02/CĐ-TU về việc ứng phó với thiên tai đang diễn ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9.

Theo đó Công điện yêu cầu các bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp trong tỉnh:

Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với mưa lớn và lũ lụt trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ.

Trước mắt tập trung ứng cứu nhân dân nơi đang bị ngập và bị cô lập, chia cắt; tổ chức di dời, sơ tán dân nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Triển khai biện pháp cảnh báo ở các điểm giao thông bị ngập lũ, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua địa điểm nguy hiểm.

Chỉ đạo cơ quan truyền thông, cán bộ, đảng viên, nhân dân sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để truyền tải kịp thời, chính xác về tình hình thiên tại, ngập lũ, những nơi đang gặp nguy hiểm và biện pháp ứng cứu.

Triển khai các phương án, lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân sau lũ lụt.

Ban cán sự đảng, Ủy ban dân tỉnh chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện liên hệ, phối hợp với Quân khu 4 sẵn sàng ứng cứu kịp thời những nơi có tình huống cần hỗ trợ.

Tác giả: Nguyễn Phê - Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí