Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chạy máy phát điện trong nhà, 3 cha con hôn mê sâu

Sau bão, ông T. chạy máy phát điện để sinh hoạt. Tuy nhiên, ông T. để máy nổ cả đêm và đóng kín cửa nhà. Sáng hôm sau, hàng xóm không thấy nhà mở cửa nên sang tìm thì phát hiện 3 cha con ông T. bất tỉnh, hôn mê sâu nên đưa đi cấp cứu.

Ảnh minh họa 

Ngày 29/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu 3 cha con nguy kịch tính mạng do bị ngộ độc khí CO.

Theo đó, nạn nhân là ông V.C.T. (41 tuổi, trú tại Nam Phước, Duy Xuyên) cùng con trai (7 tuổi) và con gái (13 tuổi). Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 9, đường điện của toàn thị trấn Nam Phước bị mất.

Sau bão, ông T. chạy máy phát điện để sinh hoạt. Tuy nhiên, người đàn ông này để máy nổ cả đêm và đóng kín cửa nhà. Sáng hôm sau, hàng xóm không thấy nhà mở cửa nên sang tìm và phát hiện 3 cha con ông T. bất tỉnh.

Cả 3 người được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mệt, khó thở nặng; trong đó bé trai bị hôn mê, tiểu tiện không tự chủ. Ngay lập tức, các bác sĩ cho 3 bệnh nhân thở oxy, truyền dịch để hồi sức.

Sau khi được cấp cứu tích cực, ông T. và con gái tỉnh táo, riêng bé trai 7 tuổi vẫn còn hôn mê, tình trạng diễn biến nặng. Các bác sĩ quyết định chuyển 3 bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục theo dõi.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Bửu Thuyên, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, việc dùng máy phát điện và đóng cửa tương tự đốt than trong phòng kín. Người trong phòng có nguy cơ bị ngạt, gây hại thần kinh, thậm chí hôn mê hoặc tử vong nếu không được phát hiện sớm.

Nguyên nhân là do máy phát điện thải khí CO. Đây là loại khí không màu, không mùi, nhẹ bằng không khí nhưng gây độc cho hệ hô hấp và tuần hoàn, có thể gây chết người trong môi trường kín.

Người bị ngộ độc khí CO có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, yếu, buồn nôn, đau ngực và lú lẫn. Khi bị ngộ độc khí CO, nạn nhân không có phản xạ thấy ngạt để tự chạy ra ngoài.

Do đó, bác sĩ Thuyên khuyến cáo, nếu nghi ngờ bị ngộ độc CO, người dân cần nhanh chóng mở rộng cửa, đưa nạn nhân đến nơi thoáng khí càng nhanh càng tốt.

Trong trường hợp bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, chúng ta phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay. Sau đó, người hỗ trợ cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.

Tác giả: Nguyệt Hà (T/h)

Nguồn tin: Đời sống Plus