Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hé lộ tình tiết mới trong vụ bắt giữ 'công chúa Huawei'

Cảnh sát Canada Winston Yep, người bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại sân bay Vancouver gần hai năm trước, nói không bắt giữ bà Mạnh trên máy bay vì lo sợ “những gì bà có thể gây ra".

Ông Yep ngày 26/10 đã ra tòa làm chứng về vụ bắt giữ. Tuy nhiên, ông Richard Peck, luật sư của “công chúa Huawei” đã hỏi ông Yep liệu đây có phải điều ông vừa nghĩ ra tại tòa hay không.

Vấn đề này quan trọng với bà Mạnh vì bà đang cố gắng chống lại việc bị dẫn độ sang Mỹ với lập luận nhà chức trách Canada và Mỹ đã lạm dụng quy trình trong khi bắt giữ bà. Luật sư của bà Mạnh nói cảnh sát đã cố tình trì hoãn đến khi bà bị thẩm vấn suốt 3 giờ sau khi xuống máy bay rồi mới bắt giữ.

Sự trì hoãn này nhằm thu thập bằng chứng cho cáo buộc của Mỹ chống lại bà Mạnh và vi phạm các quyền của bà theo hiến chương Canada, ông Peck nói.

Cảnh sát Yep, nhân chứng đầu tiên trong vụ án kéo dài, khai rằng ông không biết bà Mạnh là ai cho đến một ngày trước khi bà bị bắt và ông chỉ tham gia vào vụ việc vì đơn vị của ông thiếu người.

Bà Mạnh Vãn Châu, 48 tuổi, là giám đốc tài chính (CFO) của Huawei Technologies và là con gái của người sáng lập công ty Nhậm Chính Phi. Bà bị bắt tại Canada vào ngày 1/12/2018.

Các luật sư của bà Mạnh nói việc sĩ quan biên phòng giam giữ, thẩm vấn cũng như thu giữ các thiết bị điện tử và mật khẩu của bà trước khi bị ông Yep bắt giữ, là một phần của "cuộc điều tra tội phạm bí mật" của Mỹ và Canada, chứ không phải quy trình bình thường.

Việc thẩm vấn bà vi phạm các điều khoản của lệnh bắt giữ và để thu thập bằng chứng theo hướng dẫn của nhà chức trách Mỹ, luật sư của CFO Huawei nói. Theo lệnh này, bà Mạnh phải bị bắt "ngay lập tức”.

 Bà Mạnh Vãn Châu rời nhà để dự phiên tòa ngày 26/10. Ảnh: Reuters.

Ông Yep cho biết Mỹ yêu cầu thu giữ các thiết bị điện tử của bà Mạnh và bỏ vào túi Faraday để ngăn việc truyền tín hiệu. Ông cũng nói ông hiểu "ngay lập tức" nghĩa là "càng sớm càng tốt".

“Chúng tôi phải xem xét sự an toàn của công chúng, an toàn của cảnh sát và bắt giữ một khi không còn rủi ro. Không vội được”, cảnh sát này cho biết.

“Chúng tôi không biết bà ấy đi cùng ai và bà ấy có thể làm gì”, ông Yep cho biết. Sự hiện diện của những hành khách khác trên máy bay khiến đây trở thành “một tình huống rủi ro”.

Trong quá trình thẩm vấn, luật sư Peck liên tục hỏi ông Yep liệu việc bắt giữ bà Mạnh trên máy bay có phải là không an toàn hay không. “Nếu có chuyện gì xảy ra, nếu bà ấy phản kháng, chúng tôi có thể phải sử dụng vũ lực”, ông Yep trả lời. “Chúng tôi có thể sẽ phải đánh nhau với những người khác”.

Sau khi chuyến bay từ Hong Kong đến Canada của bà Mạnh hạ cánh vào khoảng 11h, Cơ quan Kiểm soát Biên giới Canada (CBSA) đã dẫn bà đi thẩm vấn. Ông Yep cho biết ông không yêu cầu CBSA kiểm tra bà Mạnh hay hỏi bà bất kỳ thông tin nào.

Sau khi CBSA kiểm tra xong, ông Yep và một đồng nghiệp đóng vai trò phiên dịch bước vào căn phòng bà Mạnh đang ngồi và bắt giữ bà lúc 14h15.

Ông Yep cho biết bà Mạnh “lúc đầu rất ngạc nhiên” nhưng vẫn có thái độ hợp tác. Cảnh sát này cũng nói ông không chia sẻ thông tin nào thu được từ bà Mạnh với nhà chức trách Mỹ.

Bà Mạnh bị quản thúc tại gia ở Vancouver và đang chống lại lệnh dẫn độ sang Mỹ. Phiên tòa của bà dự kiến kéo dài đến năm sau, nhưng việc kháng cáo có thể kéo dài quá trình này lâu hơn nữa.