Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An đổ gần trăm tỉ nạo vét luồng lạch, tàu cá vẫn mắc cạn

Được đầu tư 96 tỉ đồng để nạo vét, nhưng chỉ sau 8 tháng sử dụng, lạch Thơi (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bị bồi lấp trở lại, khiến ngư dân vô cùng khổ sở vì tàu thuyền mắc cạn.

 Các phao tiêu dẫn luồng cho tàu thuyền ra vào sau nạo vét nay đã nằm trên bãi bồi. ẢNH K.HOAN

Lạch nạo vét xong thuyền vẫn mắc cạn

Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi tại H.Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vào năm 2012 và quyết định điều chỉnh lại hạng mục vào năm 2017.

Dự án do UBND H.Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư, có tổng vốn hơn 96 tỉ đồng, gồm các hạng mục: nạo vét, xây dựng, lắp đặt biển báo tín hiệu, đê bao bãi thải và sửa chữa bến neo đậu tàu. Theo đó, việc nạo vét lạch Thơi (qua các xã Sơn Hải, Quỳnh Thọ và Quỳnh Ngọc, H.Quỳnh Lưu) được thực hiện với chiều dài lạch hơn 4,3 km, chiều rộng từ 15 - 45 m, đáy luồng sâu từ 3,5 - 4 m.

Dự án này được kỳ vọng sẽ là nơi neo đậu, tránh trú bão cho gần 300 tàu, thuyền đánh cá có công suất 200 CV của ngư dân trong vùng. Đến cuối năm 2017, dự án hoàn thành 2 hạng mục chính là nạo vét lạch và lắp biển báo tín hiệu dẫn luồng. Ngư dân ở xã Sơn Hải cho biết, sau khi được nạo vét, hệ thống phao tiêu có đèn tín hiệu hướng dẫn, khiến tàu thuyền vào ra rất thuận lợi. Thế nhưng, chỉ 8 tháng sau, con lạch (đoạn từ biển dẫn vào khoảng 800 m) bị bồi lấp hoàn toàn khiến tàu cá không thể vào ra.

Ông Phạm Văn Hữu (ngụ xã Sơn Hải) cho biết, từ khi bị bồi lấp, thời điểm thủy triều lên, chỉ có tàu cá loại nhỏ mới vào được, các loại tàu cá lớn không thể vào neo trú. “Chúng tôi không biết họ thiết kế thế nào, nhưng lạch chỉ sử dụng được mấy tháng rồi bị bồi lấp cho đến nay”, ông Hữu nói. Chỉ vào đống xà bần được đổ sát bên con lạch, ông Hữu cho biết, sau khi nạo vét đoạn lạch này, đơn vị thi công cho đổ bùn nạo vét ngay sát lạch. “Chỉ sau một trận lũ, đống bùn ấy lại theo nước chảy xuống lạch, không bồi lấp sao được”, ông Hữu nói.

 Lạch Thơi đã bị bồi lấp, khiến tàu thuyền lớn không thể ra vào. ẢNH K.HOAN

Tại con lạch đã được nạo vét, nhiều phao tiêu, biển báo được lắp đặt sau nạo vét hiện đã nằm phơi trên bãi bồi. Ông Đặng Phúc Thành (ngụ xã Sơn Hải) cho biết, hơn 20 năm trước, lạch Thơi rất sâu, tàu hàng loại lớn vẫn vào ra bình thường. Nhưng bây giờ, tàu cá 200 CV phải chờ đỉnh triều lên mới dám vào ra, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phải thuê thuyền dẫn đường mới vào được. Mới đây, tàu cá của anh Ngô Văn Tài vào neo đậu thì bị mắc cạn, gãy chân vịt, gãy ghi, khiến nước tràn vào khoang làm hỏng máy và hệ thống điện. Anh Tài đã phải tốn hơn 100 triệu đồng để sửa chữa tàu.

Do lỗi thiết kế

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án H.Quỳnh Lưu, thừa nhận lạch Thơi chỉ sử dụng được một thời gian ngắn sau nạo vét. Theo lời ông Dinh, sau khi lạch được nạo vét, năm 2018 mưa bão đã bất ngờ làm đoạn đầu cửa lạch Thơi (chiều dài khoảng 800 m tính từ cửa biển vào) bị bồi lấp hoàn toàn, đồng thời dòng chảy thay đổi, tạo thành một cửa lạch mới. Tuy nhiên, cửa mới này cũng rất cạn nên tàu thuyền rất khó vào ra.

Ông Dinh cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lạch bị bồi lấp sau nạo vét là do đơn vị tư vấn thiết kế không nắm được quá trình hình thành, biến đổi dòng chảy ở lạch Thơi. Khi thiết kế, đơn vị này chỉ dựa trên luồng lạch hiện có mà không tham vấn, tìm hiểu kỹ về lịch sử thay đổi dòng chảy của lạch. “Chúng tôi đã mời các chuyên gia của Viện Thủy lợi về nghiên cứu và theo các chuyên gia này, dòng chảy của lạch bất ngờ thay đổi là do chế độ nhật triều ở đây tạo nên”, ông Dinh nói.

Theo ông Dinh, việc thay đổi dòng chảy đã từng diễn ra trong lịch sử, tuy nhiên, khi thiết kế, đơn vị thiết kế đã không tính toán đến yếu tố này. Ngoài ra, theo ông Dinh, do thiếu vốn nên hạng mục đê bao bãi thải không thực hiện được khiến một số lượng bùn thải đổ lên bãi bị tràn xuống lạch, gây ra bồi lắng.

Cũng theo ông Dinh, hiện UBND H.Quỳnh Lưu đã trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án để tiếp tục nạo vét lại đoạn hơn 800 m bị bồi lấp với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỉ đồng. “Việc nạo vét lần này sẽ phải tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở tư vấn của các chuyên gia về thủy văn để tránh bị bồi lấp trở lại. Dù việc đánh giá tác động của nhật triều cũng không hề đơn giản”, ông Dinh nói.

Tác giả: Khánh Hoan

Nguồn tin: Báo Thanh Niên