Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nguồn vốn FDI chiếm ưu thế đầu tư vào Nghệ An

Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng khẳng định vai trò to lớn đối với nền kinh tế Nghệ An. Trong những năm qua, dòng vốn FDI đã và đang là một kênh bổ sung vốn rất quan trọng, có ảnh hưởng tích cực đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An.

Trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục dẫn đầu về tổng mức vốn đầu tư vào Nghệ An. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, KKT Đông Nam đã thu hút được một số nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP (Singapore), với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 188 triệu USD, WHA Hemaraj (Thái Lan) với tổng mức đâu tư 1 tỷ USD.

Đây là 2 trong số các KCN có quy mô lớn nhất ở Nghệ An, nhằm tạo điều kiện, cơ sở để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư các dự án thứ cấp.

 Lũy kế đến nay, KKT Đông Nam đã thu hút 43 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 865 triệu USD

Năm 2019, KKT Đông Nam thu hút được 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 7.642,3 tỷ đồng. Trong đó có 08 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6.718 tỷ đồng, chiếm 88% tổng vốn đầu tư đăng ký. 8 tháng đầu năm 2020, KKT Đông Nam thu hút được 12 dự án với tổng vốn đầu tư là 1.929,1 tỷ đồng. Trong đó có 04 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 1.125,1 tỷ đồng, chiếm 58,3% tổng vốn đầu tư.

Lũy kế đến nay, KKT Đông Nam đã thu hút được 239 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 58.005,8 tỷ đồng. Trong đó có 43 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 15.820 tỷ đồng (tương đương 680,45 triệu USD). Theo đó, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chiếm 17,9% về số lượng dự án, và chiếm 27,2% trong tổng mức đầu tư đăng ký.

Xét theo cơ cấu đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài vào KKT Đông Nam thì Thái Lan là đối tác chủ yếu với 9 dự án, chiếm 20,9%; tiếp đến là Trung Quốc với 8 dự án, chiếm 18,6%; Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi quốc gia có 5 dự án, chiếm tỷ lệ 11,6%. Còn lại là các dự án đến từ Ấn Độ (03 dự án), Singapore (02 dự án), Đài Loan (2 dự án), Mỹ (1 dự án), Malaysia (1 dự án), Thụy Điển (1 dự án) và Australia (1 dự án).

Một số dự án FDI có quy mô lớn đã đăng ký đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An trong thời gian qua bao gồm: Dự án Luxshare - ICT do Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An (Hồng Kông) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 140 triệu USD, dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (Singapore) do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 76,4 triệu USD, dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone -1 Nghệ An do Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An (Thái Lan) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 92,2 triệu USD.

Được biết, tính đến cuối tháng 8/2020, đã có 26/43 dự án FDI đi vào hoạt động, góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua.

Tuy nhiên tỷ lệ đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) so với các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn còn hạn chế, cụ thể năm 2019, nguồn thu NSNN tại các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm tỷ lệ 11,9% trong tổng thu NSNN của tất cả các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam.

Các dự án FDI đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An trong thời gian qua chủ yếu là những dự án đầu tư vào lĩnh vực may mặc xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến nông, lâm sản và sản xuất hàng tiêu dùng. Đây là những lĩnh vực đầu tư có sử dụng số lượng lớn lao động, giúp tỉnh Nghệ An giải quyết được một lượng lớn lao động phổ thông của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân địa phương có thể hoạt động cung ứng các dịch vụ kèm theo như cho thuê nhà, dịch vụ ăn uống, kinh doanh nhu yếu phẩm.

 WHA Hemaraj - KCN tỷ USD đầu tiên tại Nghệ An

Những doanh nghiệp FDI hiện đang sử dụng nhiều lao động trong KKT Đông Nam có thể kể đến Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam (Hàn Quốc) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử với 3.245 lao động, Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam (Hàn Quốc) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc với 1.457 lao động, Công ty TNHH Matrix Vinh (Trung Quốc) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi với 1.004 lao động.

Dự kiến trong thời gian tới, khi dự án Luxshare – ICT và dự án Merry&Luxsharre đi vào hoạt động có thể giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Theo ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã góp phần hỗ trợ có hiệu quả môi trường đầu tư, từng bước thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho Nghệ An mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, doanh nghiệp FDI cũng là những đơn vị tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Nhiều vị trí việc làm trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nay đã được thay thế bằng lao động Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết thêm.

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch số 490/KH-UBND, với mục tiêu phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được phân theo từng giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.000 - 3.500 triệu USD, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 4.500 - 5.000 triệu USD.

Tác giả: Sỹ Tân

Nguồn tin: nhadautu.vn