Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Techcombank 'rót' tiền vào bất động sản, Agribank 'rót' tiền cho bán buôn và bán lẻ

Trong bối cảnh Covid-19, ngân hàng đang có xu hướng tập trung nguồn vốn tín dụng lớn nhất vào ngành bán buôn, bán lẻ.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Agribank là nhà băng cho ngành bán buôn, bán lẻ vay nhiều nhất với dư nợ cho vay hơn 324.338 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, tỷ trọng tăng từ 28% lên mức 28,5%.

Tương tự, ngân hàng MB cũng đang rót tiền mạnh vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 60.707 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 23% trong cơ cấu ngành.

 BCTC hợp nhất giữa niên độ đã soát xét năm 2020 tại Agribank.

Ngoài ra, SHB cũng đang rót vốn mạnh vào ngành bán buôn, bán lẻ với dư nợ cho vay đạt 54.045 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 18,8% trong cơ cấu ngành. Hay Sacombank với dư nợ cho vay đạt 30.149 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 10% trong cơ cấu ngành.

Đặc biệt, ngành hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (tiêu dùng hộ gia đình) tại các ngân hàng đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, MB đang rót tiền vào mảng này với gần 81.427 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31% trong cơ cấu ngành, cao hơn cả bán buôn và bán lẻ. Tiếp theo phải kể tới HDBank với dư nợ cho vay ở mức gần 56.931 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 35% trong cơ cấu ngành.

 BCTC hợp nhất giữa niên độ đã soát xét năm 2020 tại MB.

Đáng chú ý, kể từ khi thông tư 22/2019 của NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hướng đến siết cho vay với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Văn bản này quy định từ 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, từ tháng 10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%.

Do đó, một số nhà băng giảm tỷ trọng dư nợ bất động sản so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có nhà băng đang rót mạnh tiền vào mảng này.

Cụ thể, Techcombank đang rót tiền vào ngành hoạt động kinh doanh bất động sản với dư nợ cho vay hơn 69.504 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 30% trong cơ cấu ngành. Trong khi nhiều ngân hàng đang rót tiền mạnh vào bán buôn và bán lẻ thì Techcombank lại giảm cho vay từ 27.075 tỷ đồng xuống còn 24.230 tỷ đồng.

 BCTC hợp nhất giữa niên độ đã soát xét năm 2020 tại Techcombank.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, theo đánh giá của các tổ chức tín dụng (TCTD), mức độ rủi ro tín dụng của các khoản vay trong 6 tháng cuối năm 2020 tăng ít hơn so với 6 tháng đầu năm 2020. Tính chung trong cả năm 2020, các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro tín dụng chủ yếu “tăng” lên so với năm 2019.

 Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Các ngành nghề được cho là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2020 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu, xây dựng và dệt may. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2020, 49% TCTD kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống, tiếp đến là bán buôn, bán lẻ (47%); dệt may (41%) và xây dựng (40%).

Tác giả: Hà Phương

Nguồn tin: sohuutritue.net.vn