Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều học sinh ở Nghệ An có nguy cơ bỏ học: Những đám cưới vội

Năm học vừa qua, số lượng học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng đột biến. Cá biệt có trường gần 100 học sinh bỏ học sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19. Lý do cụ thể có rất nhiều nhưng chủ yếu là lập gia đình sớm và đi làm thuê.

 Một nữ sinh lớp 11 Trường THPT Quỳ Châu nghỉ học lấy chồng vì dính bầu.

Bố mẹ ép lấy chồng sớm vì tìm được “mối tốt”

Đến bản Kẻ Nính (xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An), nữ sinh Vi T. C. đã mang thai đến tháng thứ 8. Cô bé hồn nhiên, vui vẻ nói về gia đình mới của mình, nhưng khi nhắc đến bạn bè, trường lớp thì lảng tránh.

Trước đó, C. đang học dở lớp 10 Trường THPT Quỳ Châu thì phát hiện có thai với người yêu. Đám cưới nhanh chóng được tổ chức theo tập tục người Thái, và không ai cho là chuyện lạ. Mẹ chồng C. nói: “Cháu về đây còn dại lắm, chưa biết làm gì, coi như mình nuôi thêm đứa trẻ con trong nhà”.

Năm học 2019 – 2020 vừa qua, Trường THPT Quỳ Châu có hơn 36 học sinh nghỉ học, đặc biệt là sau thời điểm nghỉ dịch Covid-19. Trong đó, phần lớn nghỉ học để làm đám cưới. Vang Thị Phương H. (17 tuổi, bản Na Ba, xã Châu Hoàn), có học lực khá, chăm chỉ. Vì vậy, khi không thấy em đến lớp, cô Nguyễn Thị Phương Thảo – GV chủ nhiệm lo lắng. Tìm hiểu thông tin thì được biết H. ở nhà chuẩn bị lấy chồng. Cô báo với nhà trường liên lạc với chính quyền xã Châu Hoàn cùng tới gia đình nữ sinh này vận động mong tạm dừng đám cưới. Nhưng bố mẹ em không đồng ý.

Lý do gia đình H. đưa ra là vì nhà trai khá giả, chú rể là người đàng hoàng, đã có công ăn việc làm. Trong khi đó trong bản có nhiều thanh niên khác dính vào tệ nạn xã hội. Nếu không cưới ngay bây giờ, sau này con gái khó kiếm được người nào điều kiện tốt hơn nữa. “Trong khi đó, H. nhiều lần nói với cô em mong muốn được trở lại trường, em cũng chưa muốn lấy chồng, nhưng đành bất lực trước sự kiên quyết của bố mẹ”, cô Thảo kể.

Trong lớp của H. còn có một nam sinh cũng nghỉ học làm đám cưới. Đặc biệt, nam sinh này lấy vợ chỉ mới học lớp 10 cùng Trường THPT Quỳ Châu. Đi học xa nhà, cả hai thuê trọ ở thị trấn Tân Lạc. Sau thời gian yêu nhau, ở chung với nhau, bạn gái lỡ dính bầu nên gia đình 2 bên tổ chức đám cưới.

Cô Lê Thị Bình – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu cho biết, hầu hết học sinh của trường thuê trọ đi học vì nhà xa. Thiếu sự quản lý của gia đình, trong khi chủ trọ quản lý không nghiêm nên nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Đặc biệt là tình trạng yêu đương, rồi quan hệ với nhau dẫn đến có bầu ngoài ý muốn và bỏ dở học hành.

Còn tại Trường THPT Kỳ Sơn năm học vừa qua cũng ghi nhận kỷ lục đáng buồn với 122 em bỏ học, tăng gấp ba lần năm học trước và chiếm gần 10% sĩ số toàn trường. Các em nghỉ học chủ yếu là học sinh người Mông, Khơ Mú. Trong đó, khoảng 30 em nghỉ để lấy vợ hoặc lấy chồng. Riêng lớp 12C2 có 6 học sinh (cả nam và nữ) đã lập gia đình sau Tết Canh Tý.

Anh Cao Xuân Thái – giáo viên chủ nhiệm lớp cho hay, học sinh trong lớp chủ yếu là người Thái, Khơ Mú. Họ có tập tục lấy vợ, lấy chồng sớm. Dù thường xuyên dặn dò, khuyên bảo các em tập trung học hành, ít nhất là hết lớp 12, nhưng thầy cô có lúc cũng bị đẩy vào… sự đã rồi. Khi gia đình 2 bên đã chuẩn bị hết cho đám cưới, và các em chỉ nhắn tin báo “mời” thầy cô đến chung vui.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng trao đổi, động viên bố mẹ cho các em tiếp tục đi học. Kết quả, trong số 6 em nghỉ học thì có 5 em đã quay lại trường. Trong số đó chỉ có 1 học sinh nghỉ học, còn lại 5 học sinh thì vẫn tiếp tục theo học, để dự thi tốt nghiệp THPT”, thầy Thái cho biết.

 Học sinh vùng cao Trường THPT Tương Dương 1 (Nghệ An) phải thuê trọ đi học vì nhà xa.

Khó ngăn cản những đám cưới vội

Tại huyện Tương Dương, chỉ sau đợt nghỉ dịch đã có gần 100 em học sinh THCS và THPT bỏ học. Cá biệt có trường hợp nữ sinh lấy chồng khi mới 12 tuổi, học lớp 6, Trường THCS Tam Hợp. Ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng GD&ĐT Tương Dương nói: “Ngành Giáo dục, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền hết sức rồi, nhưng chưa chấm dứt được hết nạn tảo hôn. Phạt hành chính thì các gia đình họ cũng không sợ nữa. Còn làm căng quá cũng không được, vì đây là lứa tuổi tâm sinh lý nhạy cảm, sợ các em vào rừng ăn lá ngón tự tử”.

Ông Lê Văn Hòa – Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Kỳ Sơn cũng cho biết, năm học vừa qua, trung tâm có 33 học sinh nghỉ học, trong có 28 em nghỉ học lấy vợ, lấy chồng. “Bản thân chúng tôi rất buồn khi cố gắng hết sức tuyên truyền, vận động mà không đạt kết quả như mong muốn. Thậm chí, chính quyền địa phương cũng khuyên nhà trường “chấp nhận cho học sinh nghỉ, nếu lỡ các cháu ăn lá ngón thì ân hận”, ông Hòa nói.

Điều bất ngờ là không chỉ ở miền núi, tình trạng học sinh nghỉ học lấy chồng còn xảy ra ở cả miền xuôi, vùng dân trí cao và đời sống kinh tế phát triển. Cuối năm học 2019 – 2020, Trường THPT Quỳnh Lưu 4 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có 8 em nghỉ học. Theo thầy Hiệu trưởng Cao Thanh Tuấn, đây là con số đáng báo động đối với một ngôi trường nằm giữa trung tâm thị tứ Quỳnh Châu. Trong số 8 em nghỉ học này, có đến 6 em mang bầu rồi nghỉ học làm đám cưới.

Nhữ Thị G. được bố mẹ gấp rút chuẩn bị đám cưới khi cái thai trong bụng ngày một lớn. Trong khi bố của G. cảm thấy tiếc cho con gái đang tuổi ăn tuổi lớn phải nghỉ học, thì mẹ em lại vô tư: “Hai đứa yêu nhau từ khi G. mới học lớp 8, đến giờ cưới là bình thường, nhà này có gen sớm lấy chồng”. Trước đó, chị gái hơn G. 1 tuổi cũng từng nghỉ học khi vừa xong lớp 9, không lâu sau đó lấy chồng. Đến nay, khi mới hơn 18 tuổi, chị gái của G. đã là mẹ của 1 bé trai và chuẩn bị sinh đứa thứ 2.

Theo cô Nguyễn Thị Quý – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 4, điều đáng lưu ý trong số học sinh nghỉ học làm đám cưới, lại chủ yếu rơi vào những em học tốt, ngoan hiền, thật thà. “Phải thừa nhận thực tế như vậy để tăng cường tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp phòng tránh thai cho học sinh. Còn ở lứa tuổi này, không thể ngăn cản chuyện tình cảm, yêu đương của học sinh, vì đó là nhu cầu tâm lý bình thường”, cô Quý nói.

Lãnh đạo nhà trường cũng cho rằng, một trong những khó khăn trong quản lý học sinh chính là từ phía gia đình. Hầu hết bố mẹ thấy con có bầu thì phấn khởi, cho cưới, sự đồng thuận này khiến cho việc tuyên truyền, giáo dục của nhà trường không đem lại kết quả như mong muốn.

Sau thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19, nhiều thầy cô giáo ở Nghệ An bất ngờ nhận tin nhắn của học sinh “xin phép nghỉ học lấy chồng/lấy vợ”. Những đám cưới chưa đủ tuổi vẫn được tổ chức vì hủ tục bản làng, kéo theo đó cánh cổng trường học cũng đóng lại.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại