Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Sống cạnh nhà máy nước, người dân vẫn “khát”

Mặc dù ở ngay thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), cách nhà máy nước không xa nhưng từ nhiều tháng nay, người dân ở hai khối 7 và 8 không có giọt nước máy nào để sử dụng, khiến cuộc sống sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2020 là năm đỉnh điểm của nắng nóng, khi nhiều hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong tình trạng khô hạn, nứt nẻ, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn nước sinh hoạt.

Nước sinh hoạt trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, thế nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, nguời dân hai khối 7 và 8 (nay sáp nhập là khối 7 - PV) ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại không có một giọt nước máy nào, dù nhà máy nước cách đó khoảng 2 -2,5 km, ngày nào cũng hoạt động.

Trái ngược với cảnh mất nước kéo dài ở khu dân cư, thì tại nhà máy nước, các xe ô tô chuyên chở nước lưu động ngày nào cũng vào đây nạp đầy thùng để đi bán ngoài thị trường với giá cao hơn gấp 2-3 lần theo quy định.

 Người dân khối 7 mới “khát” nước sạch từ đầu năm tới nay.

Bà Nguyễn Thị K. - trú ở khối 7 thị trấn Cầu Giát bức xúc nói: “Nếu như trước đây một tuần thường 1- 2 hôm có nước máy để dùng, thì năm nay 3 tháng trời người dân ở đây không hề được giọt nước máy nào để dùng, hoặc nếu có thì cũng chảy theo kiểu nhỏ giọt. Trong khi xe nước bán lưu động chạy bán khắp nơi và gia đình phải mua với giá 40.000 – 50.000 đồng/ khối nước”.

Cùng chung nỗi bức xúc trên, chị Trần Thị Nh. – Chủ nhà hàng dịch vụ ăn uống H.N ở khối 7 thị trấn Cầu Giát nói: “Từ đầu năm tới giờ (tháng 7/2020 - PV), gia đình không thấy có giọt nước máy nào, nước giếng thì đã lâu không sử dụng do ô nhiễm. Trung bình mỗi ngày nhà hàng phải mua 2 xe nước với mỗi xe giá khoảng 150.000 đồng. Tính ra có tháng phải mua hết 7.000.000 – 8.000.000 đồng tiền nước. Bản thân kinh doanh nhà hàng, ăn uống nên cần nhiều nước để sử dụng, thế nhưng nước máy không có, ảnh hưởng rất lớn tới việc kinh doanh của gia đình”.

 Trái ngược với hình ảnh mất nước kéo dài ở khu dân cư, tại nhà máy xe chuyên dụng lấy nước chở đi bán diễn ra thường xuyên.

Cũng theo nhiều hộ dân phản ánh, sau khi nâng cấp QL1A, với lí do nhà máy không có kinh phí để lắp đường ống nước qua Cầu Sông Thái, người dân ở khu vực khối 7 và 8 lúc đó nhà nhiều thì đóng 1.400.000 đồng, nhà ít 800.000 đồng để lắp đường ống nước. Thế nhưng, trong năm 2020 nước sạch thì gần như mất hẳn từ đầu năm đến nay.

Theo tìm hiểu được biết, năm 2005, Nhà nước có chủ trương đầu tư nhà máy nước sạch ở Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu với tổng trị giá công trình là 3,6 tỷ đồng. Công trình này sau đó tiếp tục được nâng cấp lần nữa. Thế nhưng, sau đó Nhà nước tiến hành cổ phần hóa, đồng thời thoái vốn nên hiện nay doanh nghiệp đang đứng ra vận hành, sử dụng.

Giám đốc nhà máy nước Quỳnh Lưu cho biết: “Chúng tôi cũng mong muốn có nước để phục vụ nhu cầu nhân dân được đầy đủ, tuy nhiên do công suất máy đầu tư đã lâu nên hiện giờ không đáp ứng nước nhu cầu, nhất là ở những khu vực ở xa, hay cuối nguồn, nên rất mong người dân thông cảm”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Có gì anh ra làm việc trực tiếp với huyện, đồng thời cáo lỗi đang bận công việc”.