Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giáo viên mầm non có cần phải nghỉ hưu sớm?

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, xem xét được nghỉ hưu sớm hơn, bởi áp lực của giáo viên mầm non là rất lớn, số giờ làm việc thường vượt quá quy định do phải đi sớm đón trẻ và kết thúc công việc khá muộn.

Áp lực “mẹ hiền”

Mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra đề xuất trên khi góp ý dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu ngày 16/6. Theo đó, nếu bổ sung, nhóm giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm so với quy định, 57 tuổi với nam và 55 với nữ.

Khi nghe đến đề xuất trên, cô Nguyễn Lan Anh (34 tuổi, một giáo viên mầm non tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) gật đầu đồng tình ngay khi nhìn nhận giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, cần được nghỉ hưu sớm.

 Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nghề giáo viên mầm non hiện đang chịu nhiều áp lực.

“Thực sự mà nói, giáo viên mầm non sẽ kiêm nhiệm tất cả. Nếu giáo viên các cấp dạy theo môn, có giáo viên chuyên trách về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thì các cô mầm non lại kiêm nhiệm tất cả. Hơn nữa, chúng tôi vừa làm mẹ, vừa làm cô với nhiều đầu việc. Giờ ăn là giờ căng thẳng nhất, vì hầu như phụ huynh nào gửi con cũng mong con tăng cân.

Những bé lười ăn, không ép được. Có những phụ huynh đến tận lớp canh xem cô trông con mình như thế nào, có cho con mình ăn không… Đặc biệt là sau những vụ bạo hành của giáo viên thì phụ huynh càng cảnh giác với giáo viên hơn. Áp lực từ phụ huynh, nhà trường nên đôi lúc các cô bị những căng thẳng nhất định”, cô Lan Anh nói.

Cô Lan Anh chia sẻ, nghề giáo viên mầm non, ngoài lòng yêu trẻ và đức tính nhẹ nhàng, mềm mỏng ra thì phải học cách kiên nhẫn và kiềm chế.

Có nhiều em mới vào nghề, do ít kinh nghiệm, đối diện với những tình huống thực tế, bị stress nặng, dẫn đến bỏ nghề: “Đây là công việc nhìn thì đơn giản nhưng áp lực rất cao.Lớp thì hơn 20 bé nhưng chỉ có 2 cô giáo. Trẻ con thường hiếu động, trong lớp có đùa giỡn hoặc cào cấu nhau, lơ là một phút là các cô không kịp trở tay. Có các bạn nhỏ trên dưới 3 tuổi, quấy khóc, lười ăn,...dạy các con rất khó, và đòi hỏi độ kiên nhẫn cao”.

 

Với kinh nghiệm 15 năm trong nghề, cô Lan Anh cho biết, có những đồng nghiệp ở độ tuổi từ 50 tuổi trở đi, sức khỏe của các cô sẽ ảnh hưởng lớn đến việc dạy.

“Như môn thể dục, nhiều cô không thể nhảy múa làm mẫu cho trẻ hoặc môn âm nhạc, kể truyện, giọng của các cô không thể truyền cảm như các cô giáo trẻ được. Sức khỏe các cô cũng yếu, nếu giao cho cô giáo cao tuổi sẽ có nguy cơ khiến trẻ ngã, mất an toàn”, cô Lan Anh chia sẻ.

 

Đừng để “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”

Năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp trên 379 giáo viên mầm non, kết quả: Gần 34% bị khó thở, đau tức ngực; 30% ho khan tiếng; gần 69% stress nghề nghiệp, 49% giảm thị lực...

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, bản thân ông rất đồng tình về đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: “Tôi đồng tình vì giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi mỗi giáo viên phải biết múa, hát, tổ chức trò chơi. Nhìn vào thực tế để thấy rằng, tuổi cao thì khả năng múa, hát giảm, phản ứng trước các tình huống không nhanh nhạy thì không phù hợp với việc chăm sóc trẻ em.

Còn chưa nói đến việc các cô phải lao đến trường lúc 6 giờ sáng và 6 giờ tối mới được trở về nhà. Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe giảm sút nhanh, nghiêm trọng theo thời gian. Làm việc trong môi trường như vậy khiến các cô giáo mầm non hay gặp các bệnh về thần kinh như rối loạn tiền đình hay đau dạ dày, khản giọng… Do đó, chúng ta cần có sự cân nhắc tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động này”.

 Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch công đoàn Giáo dục Việt Nam

Ông Vũ Văn Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang) bày tỏ sự chia sẻ về áp lực của giáo viên mầm non. “Trong bối cảnh hiện tại, nếu tăng thêm tuổi lao động cho giáo viên mầm non sẽ giống như tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ này. Quan điểm của tôi là cần phải xem xét thêm cả về chế độ tiền lương, thu nhập đối với giáo viên mầm non sao cho xứng đáng với công sức.

Theo tôi tìm hiểu, số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn vượt quá nhiều so với quy định (làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày) nhưng cũng chưa được tính thêm làm ngoài giờ”.

 GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT

Còn GS. Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT bày tỏ: “Giáo viên mầm non là ngành giáo dục đặc biệt, để nói là nặng nhọc, độc hại thì cần phải tính toán, nhưng 1 lớp 30 cháu thì tiếng ồn của trẻ cũng rất cao. Quan tâm đến giáo viên mầm non là quan tâm đến thế hệ trẻ, nên để tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non chỉ ở mức 55 tuổi là hợp lý”.

Giáo viên mầm non sẽ được hưởng những ưu đãi gì?

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, khi kiến nghị giáo viên mầm non là ngành nghề lao động nặng, nếu được bổ sung vào danh mục này, ngoài việc có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định, giáo viên mầm non có thể nhận được những quyền lợi khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Cụ thể, thời gian làm việc sẽ không quá 6 giờ trong 1 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (được căn cứ tại điều 104, Bộ Luật lao động 2012); Nghỉ phép hàng năm 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Thời gian nghỉ chế độ ốm, người lao động sẽ được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên…

Tác giả: P.D

Nguồn tin: nguoiduatin.vn