Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ông Trịnh Văn Quyết nói "Bamboo không khó khăn": Sao nhiều nợ khó đòi?

Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho hay chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo khó khăn. Bamboo đang triển khai bình thường các hoạt động, thậm chí còn nhanh chóng…

Tài chính của Bamboo không khó khăn?

Mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways, khẳng định: "Tôi chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo Airways khó khăn, tất cả những gì tôi trả lời trước đây cũng đều khẳng định điều này. Bamboo đang triển khai bình thường các hoạt động, thậm chí còn nhanh chóng, bài bản hơn trước khi có dịch".

Theo ông Trịnh Văn Quyết, đỉnh điểm của khó khăn với thị trường hàng không đã qua. Hiện, các hãng đã bay nội địa bình thường trở lại. Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể ra sao hay khả năng có lãi hay không sẽ phải đợi đến cuối năm mới có con số chính xác. Hiện Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay.

 Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho hay chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo khó khăn. (Ảnh: Vietnamnet).

Dự kiến, sau khi hết dịch tại một số nước và lãnh thổ, Bamboo Airways sẽ mở lại một số đường bay quốc tế đến Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Nhật Bản.

Chủ tịch Bamboo Airways cũng khẳng định, hãng vẫn giữ kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm nay. Hãng đang nộp hồ sơ xin phép mở rộng đội máy bay lên 40-45 chiếc.

Bamboo Airways nợ như “chúa chổm”, các chủ nợ liên tục gửi công văn đòi?

Hồi đầu tháng 5/2020, một số cơ quan truyền thông dẫn thông tin về việc Bamboo Airways nợ nần như “chúa chổm” khiến các chủ nợ phát "trát" đòi.

Các chủ nợ cũng đồng thời gửi báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải về tình hình công nợ năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 mà hãng Bamboo Airways chưa chịu thanh toán.

  Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết.

Theo một số cơ quan truyền thông, các chủ nợ của Bamboo Airways lần lượt là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay (VATM), Công ty cổ phần mặt đất Sài Gòn (SAGS), Công ty cổ phần mặt đất Hà Nội (HGS)...

Với ACV, đơn vị này cho biết đã nhiều lần gửi văn bản nhắc số nợ hơn 205 tỷ đồng với Bamboo Airways. Trong đó, nợ quá hạn của Bamboo Airways là hơn 178,7 tỷ đồng; nợ chưa tới hạn trả là 25,7 tỷ đồng; tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên là 4,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo ACV thông tin với báo chí rằng, trong tổng số nợ quá hạn của Bamboo Airways thì có hơn 107 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV; hơn 71 tỷ đồng Bamboo Airways nợ tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho hãng.

Từ tháng 5/2019 đến nay, ACV đã gửi 24 văn bản, nhiều cuộc họp giữa 2 bên yêu cầu Bamboo Airways thanh toán nợ, tiền bảo lãnh theo hợp đồng đã ký.

Trước đó, phản hồi thông tin của ACV, Bamboo Airways cho hay, khúc mắc giữa 2 bên xảy ra khi một số dịch vụ ACV cung cấp cao hơn so với mặt bằng chung.

Một chủ nợ khác của Bamboo Airways là VATM cũng cho báo chí biết, hãng Bamboo Airways thường xuyên chậm trả các khoản thu hộ dịch vụ cung cấp bay với thời hạn 20 ngày trở lên kể từ tháng 6/2019 đến nay. Theo VATM, Bamboo Airways nợ VATM các hóa đơn với số tiền 38,6 tỷ đồng từ tháng 12/2019 và 2 tháng đầu năm nay.

Theo đại diện VATM, đơn vị đã yêu cầu hãng Bamboo Airways phải thanh toán công nợ điều hành các chuyến bay còn lại ở trên tại thời điểm hết tháng 3 năm nay.

  Tỷ phú Trịnh Văn Quyết phản hồi thông tin báo chí nêu Bamboo Airways nợ như "chúa chổm" trên trang Facebook cá nhân. 

Tuy vậy, ngày 8/5, ông Trịnh Văn Quyết đã phản bác các thông tin cho rằng Bamboo Airways "chây ì", nợ như "chúa chổm", "chưa chịu thanh toán" nợ cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) lên trang Facebook cá nhân.

Ông Quyết cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã thanh toán toàn bộ công nợ cho hợp đồng năm 2019 (bao gồm cả các khoản phí thu hộ là phí phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh) với ACV.

Đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020, Bamboo Airways đã đạt được thỏa thuận với ACV, để làm cơ sở cho việc thanh toán công nợ trong giai đoạn đầu năm 2020, bất chấp bối cảnh chung của các hãng hàng không từ đầu năm đến nay vẫn đang rất khó khăn do đại dịch.

Ngoài ra, ông Quyết cũng cho biết thêm, trong báo cáo tài chính quý 1/2020 của ACV, khoản phải thu tính đến tháng 3/2020 của ACV đối với Bamboo Airways chính là nhỏ nhất trong top 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Con số nợ ACV của hai hãng còn lại đều gấp gần 3 lần Bamboo.

Tác giả: Khánh Hoài (tổng hợp)

 Nguồn tin: Báo Kiến thức