Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đề xuất cho học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học

Đây là một nội dung mới trong Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đăng tải lấy ý kiến dư luận về Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, để thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học (Thông tư 41).

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học có thời gian góp ý từ nay đến ngày 6/7/2020.

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học mới gồm 7 chương, 47 điều, đã cập nhật hệ thống văn bản mới làm căn cứ pháp lý, như: Luật Giáo dục 2019, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục… Nhiều nội dung trong Điều lệ hiện hành được quy định bởi các văn bản liên quan, đã được điều chỉnh và quy chiếu.

 Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học

Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, thực hiện luật Giáo dục 2019, dự thảo thông tư mới cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước.

Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.

Bước thứ hai, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn. Theo đó, hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.

Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.

Dự thảo có bổ sung nhiệm vụ mới, là học sinh phải “biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên”. Các em cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh nhiệm vụ: Vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Đây là yêu cầu quan trọng, là “đích đến” của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, Dự thảo có nhiều điểm mới về tập trung đổi mới quản lý nhà trường.

Trong quy định về “Nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học”, dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học bổ sung nhiều điểm mới. Cụ thể, trường tiểu học có thêm nhiệm vụ “xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường, gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của nhà trường”. Đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục bảo đảm chất lượng theo chương trình GDPT cấp tiểu học do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành, các nhà trường được quyền “tự chủ chuyên môn”.

Trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động giáo dục, các trường tiểu học được phép huy động, sử dụng các nguồn lực hợp pháp để thực hiện kế hoạch giáo dục đảm bảo tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh.

Thay vì chỉ thực hiện trách nhiệm “huy động trẻ đi học đúng độ tuổi, vận động và tạo điều kiện cho trẻ có hoản cảnh đặc biệt tới trường…” như Điều lệ hiện hành, dự thảo đã bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm “thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn” của các trường tiểu học. Điều này có ý nghĩa xã hội quan trọng, nhất là với đối với các khu vực đông dân cư, giúp tránh được tình trạng học sinh không được nhận vào học trường tại địa bàn mình cư trú.

Giáo viên chủ nhiệm được quyền cho học sinh nghỉ học tối đa 3 ngày liên tục

Dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn với từng đối tượng giáo viên, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm.

Trong đó, giáo viên được trao quyền mới là “tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường”.

Giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục.

Tác giả: Hoàng Mai

Nguồn tin: nguoiduatin.vn