Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Huyện Tân Kỳ - Nghệ An: Nhiều băn khoăn, lo lắng về chất lượng tại công trình gia cố đập 39

Công trình gia cố, nâng cấp đập 39 sẽ đảm bảo nguồn cung ứng nước tưới tiêu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Song, nhiều hạng mục của công trình đang lộ rõ việc thi công ẩu, khiến người dân hoài nghi về vấn về chất lượng công trình?

Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình gia cố, nâng cấp đập chứa nước 39 tại xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ - Nghệ An) có tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng. Sử dụng nguồn vốn WB8 từ chương trình sửa chữa và nâng cấp an toàn hồ đập. Công trình được giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư; Đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng Châu An (trụ sở tại xã Hợp Thành – Yên Thành – Nghệ An).

 Đá sử dụng lẫn nhiều đá to.

Theo phê duyệt dự án, công trình trên bao gồm 2 hạng mục chính: Làm đường quản lý và gia cố đập. Phần gia cố đập gồm: gia cố mái đập; Thi công 2 nhà van; Thi công cống lấy nước và thi công mương sau đập. Công trình được triển khai từ tháng 9/2019, theo hợp đồng sẽ hoàn thành sau 18 tháng thi công. Hiện nay, đã hoàn thành được khoảng 75 % khối lượng công việc.

Dự án được đầu tư với mục đích cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho hàng chục ha đất nông nghiệp và cung cấp nước phục vụ dân sinh, giữ ẩm cho vùng thượng nguồn. Thế nhưng, trái với mục tiêu đề ra, trong quá trình thi công lại có nhiều vấn đề khiến người dân nghi ngờ về chất lượng.

Theo phản ánh của người dân xóm 5, xã Tân Kỳ: Thời điểm thi công, PV đã phát hiện đất đắp tại công trình không rõ nguồn gốc. Vật liệu đá sử dụng tại công trình có nhiều nghi vấn; Quá trình đầm chặt mái đập, đơn vị xây dựng thi công kiểu hời hợt và qua loa.

Theo quan sát, hiện tại công trình đang thi công gấp rút để hoàn thành khối lượng. Theo yêu cầu, mái thượng lưu được chia làm 3 khớp. Khớp 1 lát đá khan; Khớp 2 tầng lọc ngược gồm bê tông dày 12 cm, lót đá dăm 12 cm và cát 10 cm; Khớp 3 gồm đất đầm chặt K95, bạt xác rắn, bê tông cốt thép max 300, thép buộc phi 8, khoảng cách A = 20 cm.

 Thép buộc nhiều điểm bị thiếu hụt.

Tại thời điểm PV có mặt khi đang thi công phần khớp 3 của mái thượng lưu, yêu cầu kỹ thuật của khớp này là đất đầm chặt k95, bạt xác rắn, bê tông cốt thép nhưng theo quan sát của PV, phần đất đầm nhiều chỗ đơn vị thi công đầm qua loa và có cỏ mọc; Thép phi 8 được buộc không đều, xiên xẹo và có một số điểm thiếu; Thép bị rỉ sét. Theo thiết kế khoảng cách A = 20 cm nhưng nhiều điểm PV ghi nhận gần 30 cm. Cũng theo thiết kế, đá để đổ bê tông là đá 1*2, tuy nhiên, tại thời điểm đó đơn vị thi công đã dùng đá có kích thước không đều (lẫn đá to nhiều).

Cũng theo thiết kế, mái hạ lưu gồm đất đầm chặt K95; Lót cát 15cm; Lót đá 2*4 dày 15cm và ghép đá hộc dày 30 cm. Như vậy tổng chiều dày là 60 cm. Tuy nhiên, thực tế PV ghi nhận nhiều điểm không đạt được theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Ở hạng mục đường quản lý đất được đầm chặt k92, sau đó đổ bê tông max 300 dày 20cm. Đường rộng cả lề 5m. Khối lượng đất đắp phục vụ cho công trình khoảng 5000 m3.

 Khoảng cách thép buộc gần 30 cm thay vì 20 cm như thiết kế.

Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Nam – kỹ thuật BQLDA Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Theo hồ sơ, khối lượng đất được lấy tại mỏ của huyện Tân Kỳ. Song thực tế, huyện Tân Kỳ không có mỏ đất được cấp, mà nguồn vốn WB8 nếu không có mỏ thì không được triển khai. Trong quá trình thực hiện dự án, nguồn đất được lấy tại vườn của hai hộ là ông Mạnh và bà Phương hiến cho.

“Còn phần thép buộc xiên xẹo, không đều và có một số điểm thiếu, tôi sẽ nhắc nhở với đơn vị thi công. Hôm nay, đúng là đơn vị thi công có sử dụng đá trộn bê tông không đều, có lẫn đá to nhiều. Phần mái hạ lưu nếu không đủ chiều cao 60 cm chúng tôi sẽ yêu cầu làm lại. Phần đó chúng tôi chưa nghiệm thu”, ông Nam cho biết thêm.

 Đất nền đầm chặt K95 liệu có đạt?

Theo tìm hiểu được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang triển khai nhiều gói thầu gia cố hồ, đập theo chương trình nguồn vốn WB8. Ban quản lý công trình xây dựng của Sở là đơn vị được chủ đầu tư giao nhiệm vụ quản lý về chất lượng của các dự án. Khi hoàn thành, các dự án có vai trò quan trọng trong việc kiện toàn hệ thống tưới tiêu cho ngành nông nghiệp địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một số vấn đề còn tồn tại khiến dư luận băn khoăn về chất lượng là có cơ sở. Việc biện minh cho nguồn gốc đất đắp phục vụ công trình như kỹ thuật ban trao đổi liệu có thấu tình đạt lý? Chất lượng và kỳ vọng về dự án liệu có tỷ lệ thuận với nhau?.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công lý